Dễ dàng nhận thấy, những năm gần đây, không ít chương trình giải trí, game show truyền hình đã đến với khán giả với đủ thể loại như âm nhạc, hài kịch, sân khấu... Thậm chí nhiều chương trình có cách thức, nội dung thực hiện giống nhau khiến người xem mất dần hứng thú như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Tìm kiếm tài năng âm nhạc, Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero... Tuy nhiên, điều khán giả quan tâm là chất lượng của chương trình ấy thế nào, tạo ra giá trị gì đối với người xem hay chỉ đơn thuần là “câu” khán giả bằng những chiêu trò.
Lựa chọn của trái tim - chương trình giải trí mới đến với khán giả nhưng còn nhiều “sạn”.
Gần đây, chương trình Lựa chọn của trái tim do một nhà sản xuất trong nước mua bản quyền từ Sexy Beast của Anh, chương trình được Việt hóa và lên sóng ở nước ta đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của khán giả. Trước hết, Lựa chọn của trái tim là gameshow hẹn hò mới lạ ở Việt Nam, tất cả những người tham gia gồm khách mời và thí sinh đều được hóa trang thay đổi hoàn toàn khuôn mặt rất kỳ dị. Trong mỗi tập phát sóng, một cô gái sẽ hẹn hò với ba chàng trai hoặc ngược lại, một chàng trai hẹn hò cùng ba cô gái. Cả bốn người chơi đều được hóa trang từ đầu chương trình và không ai có thể thấy gương mặt thật của họ cho tới khi tất cả các cuộc hẹn đã hoàn tất. Tuy nhiên, trong lúc đeo mặt nạ, người chơi có thể ăn uống nói năng một cách thoải mái, có thể biểu cảm và bộc lộ cảm xúc trong suốt quá trình hẹn hò để được lựa chọn. Vì thế, Lựa chọn của trái tim phiên bản Việt muốn truyền tải thông điệp: Tình yêu thật sự không đến từ ngoại hình mà xuất phát từ tâm hồn.
Thế nhưng trên thực tế, trong một số tập vừa qua, Lựa chọn của trái tim đã gây nên những tranh cãi trong dư luận khi đi ngược lại thông điệp đã đề ra. Xem chương trình này, nhiều khán giả khó chịu với cách thể hiện bằng việc khách mời nam và nữ được quyền ngồi “chễm chệ” trên ghế như bậc vua chúa, có người còn ngồi vắt chân chữ ngũ, còn 3 thí sinh thì phải đứng chơi vơi để nghe nhận xét từ khách mời. Trong tập vừa qua, người mẫu Trịnh Xuân Nhản đã than thở khi anh lỡ tay loại nhầm người đẹp, bởi vì thí sinh mà anh chọn đi tiếp là cô gái có ngoại hình mũm mĩm, gương mặt không xinh xắn nên cả hai người đã không đi đến buổi hẹn hò chính thức. Tương tự, nhiều khách mời tham gia chương trình, sau khi gỡ lớp hóa trang và được nhìn thấy mặt thật của thí sinh thì hầu hết các khách mời đều cảm thấy hối hận với quyết định của chính mình vì người được chọn có ngoại hình không xinh đẹp, còn người bị loại thì như “tiên giáng trần”. Thế nên, các khách mời khi đã chọn được thí sinh nhưng đều cho “leo cây” ở buổi hẹn hò chính thức. Từ những yếu tố này, khán giả nhận định chương trình đã không còn đúng với tên gọi Lựa chọn của trái tim mà thay bằng lựa chọn của lý trí, đồng thời người bị loại như bị hạ thấp giá trị khi khách mời muốn chọn ai thì chọn, đánh giá thế nào thì tùy.
Thực tế cho thấy, một số chương trình giải trí mới khác cũng đang mất điểm với khán giả bởi không đem lại giá trị nghệ thuật. Ngược dòng thời gian, khán giả cũng từng bức xúc với chương trình Tài năng DJ, nguyên nhân là do một loạt tiết mục trong các tập có yếu tố lố bịch, đặc biệt dàn thí sinh cũng không được đánh giá cao về khả năng âm nhạc. Tại chương trình này, một thí sinh đã remix câu hát “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…” trong ca khúc Một cõi đi về của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo cách sôi động. Trong khi đó, ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh mang tư tưởng thiền, thấm đượm chủ nghĩa hiện sinh và triết lý Phật giáo. Hoặc nhiều tiết mục của người chơi trong chương trình này bị tố ăn cắp và đạo nhạc của người khác. Đồng thời, thí sinh không biết chơi nhạc sống mà sử dụng nhạc mix sẵn để bật lên rồi cầm micro hát luôn bản nhạc, tuy nhiên chất giọng như tra tấn người nghe.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà sản xuất tạo ra các chương trình giải trí trên sóng truyền hình là đáng ghi nhận bởi điều đó giúp người xem có thêm nhiều lựa chọn trong “bàn tiệc” giải trí. Tuy nhiên, để tạo được ấn tượng, cảm tình và sự đón nhận của khán giả thì các chương trình cần hướng tới yếu tố nghệ thuật, tính nhân văn đích thực chứ không nằm ở việc chương trình ấy mới hoặc lạ, dùng chiêu trò để “dụ” người xem. Sự thành công hay thất bại của chương trình giải trí phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng người xem mới là đối tượng quyết định. Nếu chương trình không hay, thiếu tính nghệ thuật, thiếu nhân văn thì khán giả có quyền quay lưng. Và đó là sự thất bại của nhà sản xuất chương trình trong lúc đang chạy đua để giành giật thị phần người xem như hiện nay.