Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM vẫn mạnh dạn tổ chức chương trình Giai điệu mùa thu (2 năm/lần) nhằm phục vụ các tín đồ của nghệ thuật hàn lâm và “thắp lửa” cho nghệ thuật này phát triển.
Một thực tế không thể phủ nhận, có rất nhiều khán giả vì sự hiếu kỳ lẫn mến mộ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để sở hữu tấm vé xem chương trình, liveshow của các ca sĩ trẻ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Quang Lê... Ngược lại, đối với các chương trình nghệ thuật cổ điển, hàn lâm như hòa nhạc thính phòng, múa ballet... dù giá vé chỉ bằng 1/10 so với các chương trình của ca sĩ kể trên, nhưng rất ít người mua hoặc đến xem các nghệ sĩ biểu diễn nhạc nghệ thuật hàn lâm. Chính vì thế, không gian của chương trình ca nhạc, giải trí hiện đại và cổ điển đối lập. Show nhạc của ca sĩ trẻ cả vạn người xem, trong khi đó các buổi hòa nhạc thính phòng, múa ballet, khán giả có thể đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ vì thế nên không có nhiều chương trình nghệ thuật hàn lâm, cổ điển được tổ chức ở nước ta.
Giữa lúc nghệ thuật hàn lâm có phần lép vế với nhạc trẻ, các chương trình giải trí thời đại mới thì Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM hơn 20 năm qua vẫn duy trì chương trình Giai điệu mùa thu, 2 năm tổ chức/lần quy tụ hàng trăm nghệ sĩ tham gia. Đến nay, Giai điệu mùa thu bước sang tuổi 11 và đã được UBND TP.HCM công nhận là Festival nghệ thuật lớn của thành phố. Sở dĩ chương trình này được nâng tầm và trở thành tâm điểm nghệ thuật trong tháng 8 những năm qua, bởi chương trình với hai lĩnh vực âm nhạc và múa hàn lâm. Sự lớn mạnh của chương trình được thể hiện qua mỗi lần tổ chức, ban đầu chỉ có các tài năng trẻ âm nhạc và múa tại thành phố mang tên Bác biểu diễn cùng các tài năng trẻ trong nước. Về sau, các nghệ sĩ từ nước ngoài cũng về Việt Nam tham gia chương trình này, đồng thời Giai điệu mùa thu vượt qua quy mô một thành phố để lan rộng toàn quốc.
Đi qua tình yêu - tác phẩm múa đặc sắc sẽ được biểu diễn tại Giai điệu mùa thu năm nay.
Chương trình Giai điệu mùa thu lần này sẽ đến với công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm, âm nhạc cổ điển tại Nhà hát TP.HCM từ 19 - 27/8 với nhiều hứa hẹn bởi sự đầu tư công phu, nhiều tác phẩm kinh điển của âm nhạc cổ điển, múa được hàng trăm nghệ sĩ Việt Nam lẫn quốc tế trình diễn trên sân khấu. Năm nay, Giai điệu mùa thu được đánh giá là có nhiều chương trình nhất và diễn ra trong thời gian dài nhất - 9 ngày với 10 chương trình (chưa kể 2 chương trình hòa nhạc kèn ngoài trời). Nhiều đoàn nghệ sĩ đến từ Nga, Pháp, Mỹ... cũng tham gia nên càng hứa hẹn nhạc cổ điển cũng như nghệ thuật múa lan tỏa rộng khắp.
Theo thông tin từ Ban tổ chức chương trình Giai điệu mùa thu năm nay, sự kiện dịp này sẽ giúp khán thính giả được đắm chìm trong không gian của nhạc kịch, hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại. Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM cho biết, Giai điệu mùa thu là liên hoan duy nhất về các lĩnh vực nghệ thuật giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch nhằm giải tỏa “cơn khát” cho những trái tim yêu nghệ thuật cổ điển. Vì thế, các nghệ sĩ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đem tới khán giả nhiều tiết mục đặc sắc nhất.
Đáng chú ý, tại Giai điệu mùa thu, khán giả yêu nhạc cổ điển sẽ được thưởng thức vở opera Con Dơi là công trình hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM với Viện Goethe (Đức) tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn quốc tế người Đức David Hermann, chỉ huy dàn nhạc Askan Siegfried Geisler, dàn dựng hợp xướng - chỉ huy Trần Nhật Minh. Đây chính là vở opera nổi tiếng nhất và được ca ngợi nhiều nhất của nhạc sĩ thiên tài J. Strauss II thời trẻ. Tác phẩm opera này đầy những chiêu trò tán tỉnh, lập lờ danh tính tại vũ hội hóa trang, những trò lừa gạt tủn mủn mơ hồ của giới thượng lưu, nhưng chuyên chở bằng một tổng thể âm thanh sặc sỡ, đầy ắp giai điệu như chính các xúc cảm đa dạng của con người.
Cũng tại chương trình lần này, khán giả được thưởng thức vở múa đương đại Đi qua tình yêu của hai biên đạo múa Nguyễn Phúc Hải và Nguyễn Phúc Hùng. Vở múa Đi qua tình yêu đề cập nhiều đến những suy tưởng, chiêm nghiệm về cuộc sống và đời sống tâm lý con người. Bên cạnh những sáng tạo về ngôn ngữ múa hiện đại, các biên đạo múa khai thác khá nhiều những nghệ thuật về thị giác, hỗ trợ và làm cho tác phẩm hấp dẫn, tạo những hiệu quả bất ngờ về hình ảnh, mô hình đạo cụ, ánh sáng, phục trang...
Ngoài ra, nghệ sĩ violin hàng đầu Việt Nam Bùi Công Duy và Vũ Việt Chương cũng sẽ tham gia chương trình với vai trò chủ xướng dàn nhạc, trong hai đêm diễn Tám mùa - kiệt tác của A. Vivaldi và Bốn mùa Buenos Aires của A.Piazzolla, một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất thế kỷ 20. Cùng với đó là Gala Hành trình châu Âu: Con người và cảnh vật, chùm các tác phẩm lần đầu công diễn tại Việt Nam quy tụ sáng tác của những nhà soạn nhạc đến từ khắp châu Âu, từ các đại thụ từ Đức - Wagner, M. Bruch, Hungary - F. Liszt, Nga - S. Rachmaninoff, M. Glinka, Áo - J. Hummel, đến các tác giả cận đại và đương đại hơn từ Romania, Anh, Đức...