Hà Nội

Chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Việt Nam – Triển vọng chuyển giao bền vững

06-12-2013 17:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang có những thay đổi to lớn trong công tác cung cấp dịch vụ trợ giúp cho người sử dụng ma túy.

Uống methadone tại cơ sở y tế.

Trước đây, người tiêm chích ma túy được cách ly khỏi cộng đồng xã hội và được đưa vào các trung tâm cai nghiện tập trung của nhà nước để điều trị nghiện bằng cắt cơn giải độc và lao động trị liệu. Tuy nhiên, tình trạng tái nghiện vẫn xảy ra sau khi học viên rời khỏi các trung tâm và dịch HIV bùng lên nhanh chóng trong bối cảnh các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV vẫn còn rất hạn chế.

Theo thời gian, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Hiện tại, nghiện ma túy đã được thừa nhận là bệnh mạn tính cần được điều trị. Các dịch vụ dựa trên bằng chứng khoa học nay đã được triển khai và sẵn sàng trợ giúp người sử dụng ma túy. Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất đó là việc 72 cơ sở điều trị methadone được triển khai ở nhiều tỉnh/thành phố đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 15.000 bệnh nhân. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone được xem như một công cụ thiết yếu nhằm dự phòng lây nhiễm HIV thông qua việc hỗ trợ bệnh nhân giảm hành vi sử dụng ma túy cũng như tiêm chích chung, là những hành vi nguy cơ làm lây truyền dịch HIV trong nhóm người sử dụng ma túy và với bạn tình của họ. Vì điều trị methadone giúp bệnh nhân giảm hoặc ngừng tiêm chích ma túy nên cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ họ bị lây nhiễm HIV từ người khác – hoặc lây truyền HIV cho người khác. Không những thế, lợi ích của điều trị methadone còn được ghi nhận đối với việc góp phần giảm tội phạm, tăng cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống gia đình người bệnh.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết đến năm 2015 sẽ điều trị cho 80.000 bệnh nhân. Đây là một mục tiêu khá tham vọng và rất đáng khen ngợi Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực trợ giúp cho một số lượng lớn người sử dụng ma túy có nhu cầu được hỗ trợ. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đang tìm hiểu các phương thức mua sắm thuốc methadone bằng nguồn ngân sách trong nước. Tuy nhiên, do một số trở ngại về chính sách và thủ tục, nỗ lực này của Chính phủ chưa đạt được thành công như mong đợi. Khi các cơ sở điều trị methadone đầu tiên tại Việt Nam được mở ra vào năm 2008, các dịch vụ của chương trình điều trị đều do các tổ chức quốc tế tài trợ như Kế hoạch Hỗ trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về AIDS (PEPFAR) và Ngân Hàng Thế giới và toàn bộ nguồn thuốc do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cung cấp. Hiện tại, 100% thuốc methadone vẫn được nhập khẩu bởi PEPFAR hoặc Quỹ Toàn cầu.

Để có thể điều trị methadone cho 80.000 bệnh nhân đến năm 2015, công tác phối hợp liên bộ/ngành là rất quan trọng. Trong khi Bộ Y tế (BYT) chịu trách nhiệm triển khai chương trình điều trị duy trì bằng methadone và cung cấp thuốc methadone, những người cần được điều trị methadone lại do rất nhiều cơ quan khác quản lý. Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an sẽ thu được nhiều lợi ích nếu các bộ ngành này cùng hợp tác nhằm đảm bảo các dịch vụ điều trị methadone luôn sẵn có và dễ tiếp cận trong cộng đồng cũng như trong các trại giam vì đây là những nơi mà gánh nặng về HIV (thường là những ca chưa được chẩn đoán) khá cao. Khu vực y tế tư nhân cũng có vai trò trong việc mua thuốc và cung cấp dịch vụ điều trị methadone. Các cơ sở đào tạo như các trường đại học có trách nhiệm đào tạo sinh viên trở thành nhân viên chăm sóc y tế trong điều trị bằng methadone nói riêng và trong điều trị nghiện ma túy nói chung, cũng giống như đào tạo về điều trị các bệnh khác. Ngoài ra, chức năng quản lý và giám sát chuyên môn cũng cần được giao cho hệ thống sức khỏe tâm thần và chuyển về tuyến tỉnh, đồng nhất với các dịch vụ y tế khác.

Do Việt Nam đang hướng đến những thay đổi về tình hình tài trợ, đang chuyển hướng tiếp cận và đảm bảo các nguồn chi cho công tác phòng chống HIV, việc duy trì những thành quả đã đạt được, mở rộng và nâng cao hiệu quả của chương trình methadone trong những năm tới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đường hướng và chiến lược mới của các vị lãnh đạo Chính phủ mang tính sống còn đối với việc xây dựng chính sách và hành lang pháp lý tại Việt Nam nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ điều trị methadone rộng rãi để điều trị nghiện ma túy. Các chiến lược này cần phải bao gồm giải pháp sáng tạo về nhân sự và tìm kiếm các cơ hội nguồn lực tài chính đột phá, bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung cấp thuốc methadone bền vững.

Việt Nam đã tiến rất xa trong chỉ 5 năm vừa qua. Là một đất nước nổi tiếng về ý tưởng kinh doanh và sức sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn đang ở một vị trí có thể thu hút nhiều bên cùng phối hợp hành động nhằm chuyển đổi từ chỗ còn nhiều chính sách và quy định không nhất quán sang một cách tiếp cận tổng thể thống nhất với vấn đề nghiện ma túy tập trung vào chăm sóc và đầu tư vào con người.

Người thực hiện:   Kristin Bork -  Phó Giám đốc Chương trình Y tế,

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam/USAID Việt Nam.


Ý kiến của bạn