Chương trình cấm vận Iran sắp khép lại

17-07-2015 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hiệp ước hạt nhân mà 6 cường quốc đạt được với Iran được coi là thỏa hiệp lịch sử, đánh dấu một sự xích lại gần ngoạn mục giữa Teheran và Washington...

Hiệp ước hạt nhân mà 6 cường quốc đạt được với Iran được coi là thỏa hiệp lịch sử, đánh dấu một sự xích lại gần ngoạn mục giữa Teheran và Washington, kết thúc 12 năm thương lượng mệt mỏi và đầy khúc mắc.

Thỏa hiệp ngoại giao lịch sử này đánh dấu cho sự quay lại của Teheran trên trường quốc tế, kết thúc 12 năm thương lượng. Chấp nhận không làm giàu uranium cho mục đích quân sự để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận, Teheran nhờ đó đã quay lại trên trường ngoại giao. Nếu thực hiện thành công thỏa thuận này sẽ tạo ra được sự năng động tích cực ở Trung Đông. Người dân Iran được hưởng lợi qua việc dỡ bỏ dần cấm vận kinh tế, tuy nhiên, thỏa ước hạt nhân vừa đạt được lại gây phẫn nộ cho Israel và các quốc gia vùng Vịnh. Việc Teheran chấp nhận đóng băng chương trình nguyên tử trong 10 năm để được xuất khẩu dầu lửa và đón nhận đầu tư sẽ có tác động mạnh lên thị trường dầu hỏa thế giới.

Toàn cảnh phiên họp của các Ngoại trưởng P5 1 tại Vienna.

Còn một năm rưỡi nữa là kết thúc nhiệm kỳ, ông Barack Obama rốt cuộc đã có thể gặt hái thành quả của chủ thuyết ngoại giao: thương lượng thay vì vũ lực. Ông Obama đã chứng tỏ ông là một con người của hòa giải. Như lời hứa tranh cử, ông cố gắng tránh cho nước Mỹ dính líu vào các cuộc xung đột bên ngoài, dù thành công hay không. Bà Suzanne Maloney, chuyên gia về Iran của Brookings Institution nhận xét: “Đối với Nhà Trắng, thỏa ước Teheran đại diện cho hy vọng để lại một gia tài ngoại giao, vừa quan trọng vừa gây tranh cãi, tương tự như các vấn đề trong nước là cải cách y tế và hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính”. Là một trong những người hiếm hoi phản đối chiến tranh Iraq  năm 2003, được bầu lên vào năm 2008 với lời hứa rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, ông Barack Obama luôn cho rằng giải pháp đối thoại là phương cách tốt nhất để ngăn cản Iran chế tạo bom nguyên tử. Thomas Shea, cựu chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) phấn khởi: “Đây là lần đầu tiên năm thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cùng hành động để ngăn trở một nhà nước sở hữu vũ khí nguyên tử”.

Tuy vậy, phe Cộng hòa chỉ trích dữ dội thỏa thuận Vienna, lên án hai ông Barack Obama và John Kerry hy sinh an ninh quốc gia cho tham vọng cá nhân. Quốc hội với đa số là phe Cộng hòa có 60 ngày để xem xét từng chi tiết. Tổng thống Obama sẽ phải cố gắng thuyết phục các đại biểu Dân chủ không nên liên kết với phe đối thủ, vì nếu đạt hai phần tổng số, quyền phủ quyết của Tổng thống sẽ bị vô hiệu hóa. Nhưng việc này không dễ dàng, vì nhiều nghị sĩ Dân chủ không ngần ngại công khai những quan ngại của họ, đặc biệt về khả năng dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Iran. Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên Ủy ban Ngoại vụ cho rằng, nếu để Teheran sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại thì sau này sẽ rất khó tấn công các cơ sở nguyên tử Iran nếu họ không tôn trọng thỏa ước. Ông cũng lo ngại Iran sẽ dùng nguồn tiền mới (khoảng 100 đến 150 tỉ đô-la nhờ bỏ cấm vận và chấm dứt đóng băng tài sản ở nước ngoài) để gây bất ổn trong khu vực. Ngược lại, sự kiện tất cả các cơ sở nguyên tử Iran kể cả quân sự sẽ được mở cửa cho các thanh tra LHQ có thể trấn an các đại biểu còn đang do dự.

Thử thách lớn nhất của Iran đó là tái lập lòng tin. Thử thách về sự thay hình đổi dạng của một đất nước thảm hại về mặt kinh tế, nhờ bỏ dần cấm vận. Thử thách về mở cửa chính trị và vận động ngoại giao của nước này, trong một khu vực hỗn loạn. Và nhất là thử thách trước khát vọng mênh mông của xã hội trẻ trung Iran được hòa nhập với thế giới. Thử thách cho tương lai, cho hòa bình.             

(Theo AFP, Le Monde)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn