Chuộng thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng ở giới trẻ?

12-09-2023 14:48 | Cảnh giác thực phẩm

SKĐS - Thực phẩm siêu chế biến được cho là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa.

1. Ung thư đường tiêu hóa gia tăng ở người trẻ tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Số ca mắc đại trực tràng trên thế giới năm 2020 là 1,93 triệu người và có tới 916.000 ca tử vong do căn bệnh ung thư này.

Theo WHO, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng lên đáng kể theo tuổi tác, rất có thể là do sự gia tăng rủi ro đối với các bệnh ung thư cụ thể tăng theo tuổi tác. Sự tích lũy rủi ro tổng thể được kết hợp với xu hướng các cơ chế sửa chữa tế bào kém hiệu quả hơn khi một người già đi.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới, chẩn đoán ung thư đang gia tăng ở mức đáng báo động ở những người dưới 50 tuổi. Trong đó ung thư đường tiêu hóa là loại ung thư phát triển nhanh nhất ở những người trẻ tuổi. Một báo cáo được công bố trên JAMA Network Open cho biết tại Hoa Kỳ, ung thư đường tiêu hóa bao gồm cả ung thư đại trực tràng, là loại ung thư khởi phát sớm phát triển nhanh nhất.

Theo TS.BS dịch tễ học Tomotaka Ugai, Trường Y Harvard - người có nghiên cứu tập trung vào bệnh khởi phát sớm - nhận định một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây viêm hệ thống và kháng insulin, đồng thời dễ làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, do đó làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Thực phẩm siêu chế biến (UPF) đã trở thành một phần chính trong chế độ ăn uống ở nhiều quốc gia được cho là làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm bao gồm cả ung thư. Nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan đáng kể nhất quán giữa việc hấp thụ UPF và nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và một số bệnh ung thư cụ thể như ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tụy. Vậy thực phẩm siêu chế biến là những gì?

Chuộng thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ ung thư ở giới trẻ? - Ảnh 1.

Ung thư đường tiêu hóa là loại ung thư khởi phát sớm phát triển nhanh nhất.

2. Thực phẩm siêu chế biến là gì?

Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu là thực phẩm nguyên chất, thức ăn ở trạng thái tự nhiên (hoặc gần như tự nhiên). Những thực phẩm này có thể được thay đổi ở mức tối thiểu bằng cách loại bỏ những phần không ăn được, sấy khô, nghiền, rang, đun sôi, đông lạnh hoặc thanh trùng... để bảo quản và an toàn khi tiêu thụ. Quá trình chế biến kỹ hơn làm thay đổi trạng thái tự nhiên của thực phẩm.

Thực phẩm chế biến về cơ bản được làm bằng cách thêm muối, dầu, đường hoặc các chất khác, ví dụ như cá đóng hộp hoặc rau đóng hộp, trái cây ngâm trong xi-rô và bánh mì. Hầu hết thực phẩm chế biến sẵn đều có hai hoặc ba thành phần.

Thực phẩm siêu chế biến thường có nhiều thành phần bổ sung như đường, muối, chất béo và màu nhân tạo hoặc chất bảo quản. Thực phẩm siêu chế biến được làm chủ yếu từ các chất chiết xuất từ thực phẩm, chẳng hạn như chất béo, tinh bột, đường bổ sung và chất béo hydro hóa. Chúng cũng có thể chứa các chất phụ gia như màu và hương vị nhân tạo hoặc chất ổn định. Ví dụ về những thực phẩm này như: nước ngọt, xúc xích, thịt nguội, thức ăn nhanh, bánh quy đóng gói, bánh ngọt và đồ ăn nhẹ có muối. Tham khảo bảng bên dưới để hình dung về thực phẩm siêu chế biến là gì:

Thực phẩm chế biến tối thiểuThực phẩm chế biếnThực phẩm siêu chế biến
NgôNgô đóng hộpNgô chip (Bim bim)
Quả táoNước táoBánh táo
Khoai tâyKhoai tây nướngKhoai tây chiên
Cà rốtNước ép cà rốtBánh cà rốt
Lúa mìBột mìBánh quy
Chuộng thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ ung thư ở giới trẻ? - Ảnh 2.

Thực phẩm siêu chế biến thường có nhiều thành phần bổ sung.

3. Thực phẩm siêu chế biến ít chất xơ tăng nguy cơ ung thư đại tràng

Thực phẩm siêu chế biến thường có giá cả phải chăng, tiện lợi và ngon miệng nhưng việc áp dụng chế độ ăn này tiềm ẩn hai vấn đề: dư thừa calo và không đủ chất xơ. Vì chất xơ đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại một số bệnh ung thư như ung thư vú và ung thư đại trực tràng nên chế độ ăn ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Khi được cung cấp đủ chất xơ, hệ vi sinh vật sẽ xúc tác quá trình lên men đường hóa và tạo ra biotin, polyphenol và acid béo chuỗi ngắn, bao gồm acetate, propionate và butyrate. Những chất chuyển hóa này thúc đẩy sức khỏe niêm mạc và giảm viêm. Ở chế độ ăn nhiều thịt, nhiều chất béo và ít chất xơ, hệ vi sinh vật sẽ tạo ra một nhóm chất chuyển hóa khác bao gồm hydro sunfua, sản phẩm amoni và acid mật. Điều này thúc đẩy tình trạng viêm niêm mạc và làm tăng nguy cơ ung thư.

Việc sản xuất butyrate bởi hệ vi sinh vật đường ruột thông qua quá trình lên men chất xơ là đặc biệt quan trọng. Butyrate là nguồn năng lượng chính của tế bào ruột kết, tế bào biểu mô của ruột kết. Butyrate cũng có tác dụng điều hòa miễn dịch và chống viêm. Những hành động kích thích việc sản xuất butyrate có tác dụng chống ung thư. 

Các nghiên cứu về chế độ ăn uống ủng hộ quan điểm chế độ ăn nhiều chất xơ làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Việc thay thế ngũ cốc nguyên hạt bằng ngũ cốc tinh chế, thêm các loại hạt vào sữa chua hoặc ăn cả trái cây thay vì uống nước trái cây là một số cách để có thêm chất xơ.

Chuộng thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ ung thư ở giới trẻ? - Ảnh 3.

Hạn chế ăn thực phẩm siêu chế biến và tăng cường chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa.

Nhiều tổ chức phòng chống ung thư khuyến nghị chế độ ăn giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau không chứa tinh bột; tiêu thụ ít đường bổ sung, thịt chế biến và ngũ cốc tinh chế. Việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm béo phì, vốn có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe mạn tính và ung thư.
Bệnh viêm đại tràng ăn uống thế nào để hết rối loạn tiêu hoá?Bệnh viêm đại tràng ăn uống thế nào để hết rối loạn tiêu hoá?

SKĐS - Nhiều bệnh nhân bị viêm đại tràng mạn tính thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa nên luôn cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn. Có người lại kiêng khem kéo dài dẫn tới suy nhược cơ thể… Vậy, bệnh nhân cần ăn uống thế nào mới nhanh hồi phục sức khỏe?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phát hiện ung thư từ dấu hiệu đau bụng, sút cân.


Hoàng Nam
Ý kiến của bạn