Hà Nội

Chườm mát hỗ trợ hạ sốt sau tiêm vaccine COVID-19 nên làm thế nào để hiệu quả?

SKĐS - Sau tiêm phòng vaccine COVID-19 nhiều người bị sốt. Cùng với các biện pháp như uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo… bạn có thể kết hợp chườm mát.

Chườm mát hạ sốt sau tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1

Khi bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19, nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C cần dùng thuốc hạ sốt. Đồng thời kết hợp chườm mát giúp cơ thể hạ nhiệt.

Không nên lo lắng quá về tác dụng phụ của vaccine

Chườm mát – một biện pháp hạ sốt an toàn, dễ thực hiện - Ảnh 1.

Chườm mát giúp hạ sốt sau tiêm.

Sốt bởi sự gia tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,5 °C (bình thường nhiệt độ của cơ thể người là dao động khoảng 36,537,5°C)

Nguyên nhân: Sốt thường là đáp ứng của cơ thể với một bệnh như: Viêm họng, viêm amy đan, viêm phổi, sốt rét, sốt do Rickettsia… và sau tiêm phòng các loại vaccine.

Sau tiêm vaccine thường có những tác dụng phụ như: Sốt, đau nhức, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, mẩn đỏ và các phản ứng khác tại nơi tiêm chủng. Tác dụng phụ xảy ra khi tiêm đối với tất cả các loại vaccine đều sẽ có những triệu chứng tương tự, chúng sẽ biến mất chỉ sau vài ngày, là các triệu chứng nhẹ trung bình.

Chúng ta không phải quá lo lắng, bởi đây là hiện tượng phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể (có lợi). Nếu tình trạng mẩn đỏ, sưng và đau không thuyên giảm trong 24 giờ sau khi tiêm chủng mà vẫn tiếp tục nặng hơn hoặc nếu các tác dụng phụ kéo dài, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chườm mát hỗ trợ hạ sốt

Chườm mát – một biện pháp hạ sốt an toàn, dễ thực hiện - Ảnh 2.

Các vị trí có thể chườm.

Xin giới thiệu phương pháp chườm khăn hỗ trợ hạ sốt đơn giản để bạn đọc, người nhà có thể áp dụng tại nhà.

Bản chất của chườm mát là cơ chế truyền nhiệt trực tiếp (nguyên tắc vật lý). Bởi cơ chế chườm là nhằm giúp cho nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khăn mát có nhiệt độ thấp hơn, đến khi khăn chuyển sang ấm nóng lên thì nhúng lại khăn khác. Đây được gọi là cơ chế thải nhiệt trực tiếp.

Cơ chế truyền nhiệt trực tiếp hiểu đơn giản chính là nhiệt độ từ nơi nóng chuyển sang nơi lạnh hơn, nhiệt độ nước chườm phải thấp hơn nhiệt độ người sốt 2 - 3 độ.

Phải chườm những nơi có nhiều mạch máu và mạch máu lớn đi qua để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang khăn nước có nhiệt độ thấp hơn một cách dễ dàng.

* Chuẩn bị dụng cụ: Chậu nước nhiệt độ khoảng 34,5 - 35°C; Khăn mặt 10 - 20 cái.

* Tiến hành: Cho người sốt nằm chỗ thông thoáng, mát, mặc quần áo rộng. Lấy khăn mặt nhúng vào chậu nước, vắt nhẹ nước đi, rồi đắp vào các vị trí như: Trán, nách, hai bên cổ, mặt trước khuỷu tay, cổ tay, khoeo chân, cổ chân, lòng bàn chân, các vị trí đắp hai bên.

Khi khăn hơi ấm thì lại nhúng vào chậu nước và chườm như ban đầu. Có thể kết hợp dùng khăn đó lau toàn thân để thêm tỏa nhiệt. Khi nhiệt độ giảm xuống mức an toàn thì ngưng chườm.

Không dùng đá hoặc nước đá để chườm, vì nhiệt độ lạnh quá, sẽ làm cho mạch máu tại chỗ chườm co lại, làm cản trở sự dẫn truyền nhiệt từ cơ thể ra khăn, nhiệt độ hạ chậm, có khi còn gây bỏng lạnh tại chỗ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội


ThS.BS. Nguyễn Đình Thục
Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn