Chườm ấm vùng ngực bụng, bảo vệ sức khỏe

SKĐS - Giữ ấm bằng túi chườm thảo dược là một cách làm cho khí huyết khu vực tam tiêu (vùng ngực bụng) được lưu thông, là một cách để thúc đẩy sự khí hóa, chống lại sự sinh bệnh do khí hóa bế tắc, phòng và chữa các rối loạn của tam tiêu. Làm ấm vùng ngực bụng có tác dụng trên tuần hoàn là giãn mạch, tăng lưu thông máu; làm tăng chuyển hóa; đối với mô liên kết: giảm co cứng, tăng khả năng đàn hồi; giảm đau...

Vài nét lý luận về tam tiêu

Vùng ngực bụng theo y học cổ truyền tương ứng với tam tiêu trong cơ thể.Tam tiêu là 1 phủ trong 6 phủ: Vị, Đởm, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu và Bàng quang. Chữ Tiêu ở đây nghĩa là đứng đầu, là to lớn. Tam tiêu là ba khoang rỗng trong cơ thể con người gồm có: thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu, các khoang rỗng này chứa đựng bên trong là các tạng phủ. Mỗi tiêu có một đường khí đạo cũng như Tam nguyên là Thiên, Nhân, Địa mỗi ngôi có 1 nguyên khí. Vai trò của Tam tiêu: “Tam tiêu là nguồn nước, thủy đạo xuất ra từ đây”. Tam tiêu chủ về thủy đạo, ví như vị quan trông coi điều khiển việc khởi xẻ đường thủy đạo cho lưu thông. Tam tiêu là con đường đưa khí huyết tân dịch đi chu lưu khắp phủ tạng. Theo Đông y, Tam tiêu được phân ra:

- Thượng tiêu: từ miệng trên của Vị (Bí môn) đến dưỡi lưỡi, bao gồm cả bộ phận lồng ngực và hai tạng Tâm, Phế.

- Trung tiêu: từ miệng trên của Vị (Bí môn) đến miệng dưới của Vị (U môn) bao gồm cả bộ phận bụng trên và Tỳ Vị.

- Hạ tiêu: từ miệng dưới của Vị xuống đến Tiền âm, Hậu âm, bao gồm cả bộ phận bụng dưới, Can, Thận, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang.

Chườm ấm vùng ngực bụng, bảo vệ sức khỏe

Sự hoạt động của tam tiêu biểu hiện ở sự khí hóa đồ ăn, khí hóa tức là làm cho vật chất trong cơ thể hóa thành khí, Đông y nói: thượng tiêu như mây mù, trung tiêu như bọt nước sủi, hạ tiêu như nước chảy. Tam Tiêu có chức năng duy trì thân nhiệt, làm nhừ Thủy Cốc, thải bỏ cặn bã thực ra khỏi cơ thể. Tam Tiêu là đường đi của Khí và Thủy đạo, Tam tiêu bị ách tắc ở đâu thì sinh phù ở đấy. Trong đó:

- Thượng tiêu chủ về “khí”, ví như mây mù bao phủ ở trên.

- Trung tiêu chủ về “ẩm thực” ví như vũng nước nấu chín ở giữa.

- Hạ tiêu chủ về “đại tiểu tiện” ví như ngòi rạch chảy ra.

Thượng tiêu chứa tâm phế thì có cả chức năng như tâm phế, trung tiêu có chức năng tỳ vị và hạ tiêu có chức năng của can thận. Cụ thể:

Ở thượng tiêu thì Phế chủ hô hấp, phân bố khí và chất dinh dưỡng vào huyết mạch và được Tâm khí đưa đi toàn thân.

Ở trung tiêu, Tỳ vị vận hóa, hấp thu tinh hoa của đồ ăn và nước đưa lên phế.

Ở hạ tiêu có sự phân thanh trọc, các chất tinh hoa được tàng trừ lại thận, các chất cặn bã được thải ra ngoài bằng đại tiểu tiện. Khí của hạ tiêu chủ về đi xuống chứ không nhận vào thêm.

Chườm ấm vùng ngực bụng, bảo vệ sức khỏe

Ngoài ra tam tiêu còn có chức năng bảo vệ các tạng phủ trong cơ thể. Nguyên khí của mệnh môn là khí căn bản của tam tiêu, nó đi ở tam tiêu để phân bố đi toàn thân nhằm thúc đẩy hoạt động sinh lý của các tổ chức cơ quan. Nhờ tác dụng của phế, khí trời hít vào phế, khí của thức ăn sau khi được tiêu hóa lên giao nhau thành tông khí tụ ở đản trung và phân đi các nơi. Khí ở phế, khí của thức ăn cũng mượn đường của tam tiêu để đi toàn thân.Tam tiêu tức là cái khí của tam nguyên, chủ về việc dẫn khí đi lên, đi xuống, đi ra, đi vào, tống lãnh tất cả các đường khí trên dưới, trước sau của các kinh lạc và vinh vệ trong ngũ tạng lục phủ.Tam tiêu có thông, trong ngoài trên dưới mới thông mà tưới khắp châu thân. Nếu cái khí của tam tiêu mà không thông thì mọi khiếu huyệt điều hành trong thân thể đều bế tắc.

Khí hóa bế tắc cơ thể sinh bệnh: khí hóa là làm cho vật chất nào đó của cơ thể biến thành khí và khí biến thành vật chất, là quá trình chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng, hấp thụ chúng để nuôi dưỡng, thúc đẩy hoạt động của cơ thể và bài tiết các chất cặn bã trong cơ thể ra ngoài.Thức ăn uống vào trung tiêu được tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa thành dinh huyết lên thượng tiêu để phân bố đi nuôi dưỡng toàn thân, xuống hạ tiêu để tiếp tục được phân thành thanh trọc, chất thanh lại được hấp thụ, chất trọc trở thành cặn bã và được tiết ra ngoài. Như vậy, quá trình tiêu hóa của thức ăn và nước uống đều tiến hành tại tam tiêu. Bệnh của tam tiêu chủ yếu là về mặt thủy khí vận chuyển phát sinh chướng ngại.

- Nếu thượng tiêu không thông thì có các rối loạn: khó thở, ói mửa; dễ cảm, sợ gió, sợ lạnh; da lông khô, kém nhuận

- Trung tiêu không thông lợi thì có các rối loạn: đầy bụng, chậm tiêu, trướng hơi.

- Hạ tiêu không thông lợi thì có các rối loạn: tiểu dầm, tiểu không tự chủ, tiểu són, tiểu lắt nhắt; tiêu chảy, táo bón.

Mặt khác, do mỗi bộ phận của tam tiêu đều bao bọc một số tạng khí nên chứng trạng của nó cũng biểu hiện ở đó. Chẳng hạn, bệnh thượng tiêu biểu hiện ở tâm, phế; Trung tiêu ở tỳ, vị; Hạ tiêu ở can thận, đại tiểu trường…

Chườm ấm vùng ngực bụng

Giữ ấm bằng túi chườm thảo dược là một cách làm cho khí huyết khu vực tam tiêu (vùng ngực bụng) được lưu thông, là một cách để thúc đẩy sự khí hóa, chống lại sự sinh bệnh do khí hóa bế tắc, phòng và chữa các rối loạn của tam tiêu. Làm ấm vùng ngực bụng có tác dụng trên tuần hoàn là giãn mạch, tăng lưu thông máu; làm tăng chuyển hóa; đối với mô liên kết: giảm co cứng, tăng khả năng đàn hồi; giảm đau...

Đối với từng vùng thì chườm ấm có tác dụng như sau:

Chườm ấm vùng thượng tiêu (vùng ngực): giúp dễ thở do nhiệt ấm làm giãn các cơ hô hấp, giãn khí - phế quản, làm ra mồ hôi, giảm các triệu chứng khó chịu trong cảm cúm.Làm giảm cảm giác muốn nôn, buồn nôn…

Chườm ấm vùng trung tiêu (vùng bụng): kích thích tiêu hóa, hấp thu tốt thức ăn, cải thiện sự khó chịu của đầy hơi, chậm tiêu…

Chườm ấm vùng hạ tiêu (vùng bụng dưới): cải thiện triệu chứng tiêu chảy, táo bón, làm thông đại tiểu tiện.

Nâng cao khả năng tình dục: cải thiện lãnh cảm, liệt dưng, xuất tinh sớm…

Chườm ấm vùng ngực bụng, bảo vệ sức khỏe

Phương pháp chườm ấm được mô tả trong các tác phẩm Đông y kinh điển, như: Nội Kinh Tố Vấn - Điều kinh luận có chép: “Bệnh trong xương thì hơ nóng kim châm hoặc dùng thuốc sao nóng chườm vào”; Linh Khu - Thọ yểu cương nhu cũng có chép bài thuốc sao nóng để chườm trên da chữa chứng hàn tý. Các tác phẩm y học nổi tiếng như: Trửu hậu phương, Thiên kim phương, Ngoại đài bí yếu, Gia hựu bản thảo, Bản thảo cương mục, Vệ sinh bửu giám... đều có chép về phương pháp chườm ấm bằng thảo dược. Như vậy, có thể nói chườm ấm bằng thảo dược là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có giá trị phòng bệnh tốt và phạm vi ứng dụng cải thiện và điều trị rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, mang lại cảm giác dễ chịu, rất được nhiều người yêu thích.

Phép chườm ấm thích ứng với các chứng bệnh do lạnh bên ngoài xâm nhập vào kinh lạc tạng phủ, hoặc người suy yếu dương hư, khí huyết không điều hòa dẫn đến các chứng bệnh khác: đau dạ dày, đau bụng do lạnh, ngực bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông...

Nên kết hợp liệu pháp chườm ấm bằng thảo dược tự nhiên vùng ngực bụng kết hợp tác dụng các huyệt vùng thí dụ vùng ngực có huyệt Đản trung, vùng bụng trên có huyệt Thần khuyết (rốn), Trung quản, Thiên xu; vùng bụng dưới: Khí hải, Quan nguyên. Trung cực sẽ có tác động trực tiếp vào các huyệt trên cơ thể, giúp đả thông khí huyết, nâng cao chính khí.

Như vậy, chườm ấm bằng thảo dược hay túi chườm thảo dược vùng ngực bụng có thể nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, phòng ngừa và cải thiện được nhiều bệnh vùng ngực bụng cũng như tác dụng toàn cơ thể..

Như vậy, chườm ấm bằng thảo dược hay túi chườm thảo dược vùng ngực bụng có thể nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, phòng ngừa và cải thiện được nhiều bệnh vùng ngực bụng cũng như tác dụng toàn cơ thể.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn