Hà Nội

Chuỗi ngày đau đớn của cậu bé 2,5 tuổi uống nhầm axit

04-12-2014 10:46 | Thời sự
google news

Cháu Toàn níu chặt tay mẹ trên băng ca vào phòng mổ. Khi điều dưỡng đẩy đi, người mẹ quay lưng nấc lên. Tính mạng đứa con trai bé bỏng được giao trọn vào tay bác sĩ.

Cái hôm định mệnh từ hồi tháng 1 ấy, mẹ bé Toàn đi nhặt ve chai về bán kiếm tiền nuôi con. Bé út Võ Văn Toàn đang chơi tha thẩn với đống ve chai của mẹ và nhặt một chai nước ngọt lên uống, nào ngờ bên trong là hóa chất axit nóng rát...

"Bé nằm viện một tháng, về nhà phát đủ thứ bệnh, không thể ăn uống được, chạy vạy nhiều nơi điều trị nhưng không đỡ. Gia đình phải vay mượn tiền đưa bé từ Rạch Giá lên TP HCM vào Bệnh viện Nhi đồng 1", người mẹ nhớ lại.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thực quản xuyên suốt từ cổ xuống gần dạ dày bị hỏng nặng. Các trẻ khác thường chỉ bỏng thực quản một đoạn nên có thể cắt bỏ, sau đó sử dụng ruột già hoặc dạ dày làm thay thế thực quản. "Trường hợp này nặng đến độ hóa chất vừa qua khỏi cuống họng đã ảnh hưởng trực tiếp. Vị trí tổn thương nằm rất cao nên thực quản hầu như hư hỏng toàn bộ. Nếu đưa ruột già, bao tử lên để nối thông đường ăn cũng rất khó thực hiện", bác sĩ Hiếu phân tích.

Cách đây 6 tháng, bác sĩ Hiếu định thực hiện một ca mổ duy nhất để cứu bệnh nhi. Tuy nhiên do tình trạng bé quá nặng, trong ca phẫu thuật này ông đã cắt bỏ hết đoạn thực quản nối từ cổ xuống dạ dày cho bé. Tác dụng của hóa chất khiến thực quản hư hại, teo lại như một cái đầu ống hút, trong khi đó ruột già lại to nên không thể nối trực tiếp vào được. Các bác sĩ đã đặt ống nong nhằm nối giữa ruột bệnh nhân và miệng. Ống này được nới rộng dần theo thời gian để có thể thực hiện các ca phẫu thuật tiếp theo. Bé Toàn phải đeo ống hỗ trợ ăn uống suốt ngày đêm.

Trước khi diễn ra ca mổ lần này, các bác sĩ phải dự trù nhiều phương án để phẫu thuật. Cuối cùng họ quyết định cắt 25 cm ruột già để đưa ra làm ống tiêu hóa cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật hôm 1/12 kéo dài 6 tiếng với tham vấn từ bác sĩ "không loại trừ khả năng bệnh nhi tử vong nếu vết nối bị xì". Khi dòng chữ "đã chuyển hồi sức ngoại" hiện trên tấm bảng thông báo tình trạng bệnh nhân sau mổ, người mẹ đang ngồi chờ vật vờ bật dậy ôm ngực thở phào nhẹ nhõm. Hiện bé được nằm theo dõi tại phòng Hồi sức Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM).

IMG-0688-JPG_1417509746.jpg
Suốt 6 tháng, bệnh nhi Võ Văn Toàn phải đeo ống hỗ trợ ăn uống suốt ngày đêm. Ảnh: Lê Phương.

Suốt 6 tháng mang ống hỗ trợ ăn uống, đi đâu cậu bé kháu khỉnh cũng gây chú ý với mọi người. "Nhiều lúc người lớn cứ tưởng bé ngậm đồ chơi, sợ bẩn nên đòi giật ra, may mà tôi ngăn kịp", người mẹ cho biết.

Gần một năm nay, người mẹ Hồ Thị Út Em vẫn ôm nỗi đau đớn lẫn hối hận dày vò bởi tai nạn của cậu con trai út. Gia đình ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, không có đất ruộng, chồng chị Em làm thuê nuôi 5 người gồm bố mẹ già, vợ và hai con trai. Chị ở nhà thường đi nhặt ve chai kiếm thêm tiền nuôi con. Hôm ấy chị sơ suất không để ý đến con nên bé mới uống nhầm chai axit.

Từ lúc bé Toàn nhập viện, cả gia đình cũng phải chuyển theo đến TP HCM. Cậu con trai lớn Võ Văn Nghiêm 7 tuổi nghỉ học theo em vào viện. Người bố chuyển lên đi phụ hồ ở Đồng Nai để tiện tới lui. Gần một năm chưa ăn được bữa cơm nào, sau hai ca mổ, nếu hồi phục tốt sau này bé Toàn phải tái khám liên tục để theo dõi.

Bác sĩ Hiếu chia sẻ, trước đây cũng có một ca bệnh nhi tương tự khiến ông không thể quên. Một bé trai ở Hóc Môn (TP HCM) bị hỏng thực quản không thể nuốt được nước miếng. Thèm ăn mì gói nhưng không thể nuốt được thức ăn, cậu bé cứ nhai rồi nhả ra. Bệnh nhi còn năn nỉ các cô điều dưỡng thay nhau ăn trước mặt để "nhìn cho đỡ thèm". Các bác sĩ đã trải qua ca phẫu thuật khá vất vả để khắc phục phần nào tình hình cho bé.

 

 


Ý kiến của bạn