Chuộc lỗi với đại ngàn

06-11-2011 8:18 AM | Xã hội

Xưa, cả mấy trăm hecta rừng ở bản Khe Trăng, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) bị “khai tử” vì nạn khai thác trái phép. Nay, rừng trở lại ngút ngàn xanh bởi những vườn cao su, tràm, keo bạt ngàn…

Xưa, cả mấy trăm hecta rừng ở bản Khe Trăng, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) bị “khai tử” vì nạn khai thác trái phép. Nay, rừng trở lại ngút ngàn xanh bởi những vườn cao su, tràm, keo bạt ngàn… Và theo cách lý giải của đồng bào tộc người Pa Hi quần cư nơi đây, đó là cách họ chuộc lỗi với đại ngàn.

Chúng tôi lên Khe Trăng, bên chân Đông đại ngàn Trường Sơn vào một ngày mưa gió tát rát mặt người như báo hiệu mùa mưa bão đã sát nách. Nếu như mùa này khoảng chục năm trước, bà con cứ nằm lo ngay ngáy bởi nhà cửa chỉ ọp ẹp, vẹo xiêu thì nay cứ “khỏe tưng” vì đã có nhà kiên cố, cháu con có cơm no, áo ấm mặc suốt mùa…
 Ông Muốc níu một nhánh lá cao su xuống và nói: “Bản mình giờ quý cây cao su, quý rừng trồng như vàng...”

Kỳ tích dưới chân Trường Sơn

Khe Trăng hiện sở hữu số diện tích cao su, rừng trồng lớn nhất nhì xã. Không ít người đã trở thành triệu phú trên chính mảnh đất trước đây là những đồi núi trọc, nương rẫy bỏ hoang. Họ đã làm nên một kỳ tích – biến đổi “lịch sử”, tự đấu tranh với những quan niệm, hủ tục ăn sâu trong tiềm thức và thực hiện một cuộc thay đổi mới về tập quán sản xuất, sinh hoạt vốn lạc hậu tự bao đời.

Tiếng rằng, trưởng bản Khe Trăng - ông Nguyễn Văn Muốc (56 tuổi) là người đầu tiên “khùng”, đưa giống rừng trồng, cây cao su về bản trồng thử và bỏ công đi vận động từng nhà, từng người thuận bụng phá bỏ cây trồng cũ để thay thế. Chúng tôi đã tìm đến tận nhà để được “diện kiến” ông. Tiếp chuyện với khách lạ trong cái cơ ngơi to đẹp nhất bản Khe Trăng, ông Muốc kể lại hành trình đem loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao thay thế nương rẫy, tập quán sản xuất du canh và phủ xanh đất trống đồi trọc.

“Cho đến những năm đầu thập niên 90, đồng bào Pa Hi ở bản mình nào có biết trồng rừng là thứ chi chi. Ai cũng nghĩ đơn giản: Phải tốn công trồng làm chi khi rừng nằm sát bên cạnh. Muốn dựng căn nhà sàn mới chỉ cần vác cưa, rựa vào rừng lấy gỗ. Nương rẫy trỉa ngô, vãi lúa vài vụ mà thấy ít hạt, cứ đi tìm mảnh rừng khác mà phát cây, đốt rừng làm rẫy mới đợi cơn mưa về thì gieo hạt. Rẫy đi đâu thì chuyển nhà theo đó” – Trưởng bản Muốc kể.

Nhưng cũng chính bởi cái quan niệm ăn sâu vào tiềm thức ấy mà theo lời ông Muốc, “rừng già cứ dần bỏ xa bản đi”. Hậu quả là bà con ở Khe Trăng muốn có cái cây to làm cột trụ nhà sàn phải cất công luồn rừng, lội suối cả tuần, tìm đỏ mắt chưa ra. Loanh quanh tìm mảnh đất mới để phát đốt vãi lúa lại gặp đúng nơi trước đây người trong bản đã canh tác. Rẫy mọc đầy cỏ tranh, sim mua nên hạt ngô, hạt lúa gieo xuống gặt lại ít hạt lắm.

 Một góc bản Khe Trăng hôm nay.

“Dù bản chỉ có 166 nhân khẩu với 47 hộ và 100% là người thiểu số Pa Hi nhưng bà con có nhiều sáng tạo, biết tiếp thu và chăm lo làm kinh tế lắm. Bây giờ, Khe Trăng là một trong những thôn bản giàu nhất ở xã này” - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ - ông Hoàng Chiến phấn khởi nói.

Nhưng cả bản lúc ấy chẳng mấy ai nhận thức được tác hại đã rõ trước mắt. Chỉ có Trưởng bản Muốc lúc ấy là Đội trưởng Đội sản xuất ở bản hay về xã họp hành, gặp nhiều cán bộ huyện tỉnh và nghe tuyên truyền phải bảo vệ, trồng mới rừng. Ông bảo: “Mình cứ đau đầu nghĩ mãi. Rừng đồi quanh bản đã bị tàn phá, khai thác mãi nên cạn kiệt hết. Bà con quần quật suốt ngày trên rẫy vẫn không đủ no bụng. Do tội của bà con gây ra với rừng đó mà. Phải làm gì đó để bà con làm kinh tế có hiệu quả hơn. Đồi, rẫy bỏ hoang phải được xanh rậm lại”.

Giữa lúc ông Muốc đang rơi vào thế bí lại bỗng mừng như “bắt được vàng”, núi rừng dưới chân Trường Sơn ở Khe Trăng như được giải cứu. Đầu năm 1993, huyện Phong Điền có chủ trương đưa giống cây cao su, keo, tràm về cho bản Khe Trăng để trồng thay thế các loại cây hiệu quả kinh tế thấp theo dự án trồng rừng 327 và 661. Ông Muốc nhớ lại: “Chủ trương mới đúng đắn đã về đó nhưng mấy ai trong bản hiểu được. Bà con dễ gì chịu phá rẫy mà trồng cao su, trồng keo, tràm. Lúa, sắn, ngô dù ít hạt ít củ nhưng cho cái miếng ăn liền, còn những cây đó trồng ra không ăn ngay được nên bà con ai cũng lắc đầu. Nhất quyết không!”

Nhưng ông Muốc kiên trì lắm, hôm nay bà con không nghe thì mai ông lại đi nữa. Cứ thế, ông bỏ công cả tháng trời đi đến từng nhà, thuyết phục từng người một. Ông phân tích đến “rã miệng” về hậu quả đã rõ của lối làm ăn cũ. Rồi dần dà, bà con cũng xuôi lòng...

“Chỉ vận động không thôi chưa đủ. Để khẳng định mình nói đúng, mình phải làm trước cho bà con theo sau” – Trưởng bản Muốc khẳng định thế. Nói là làm, ông lặn lội lên huyện hỏi xin giống, kỹ thuật trồng cao su, tràm và keo rồi về xin xã cho đất, huy động vợ con cật lực bắt đầu “đưa rừng về với bản”. Giữa năm 1993, gia đình ông khởi đầu với 2 ha rừng, 1 ha cao su. Trong bản thời ấy còn có hộ ông Nguyễn Văn Rôn, Nguyễn Văn Mua Rơ cũng ủng hộ và làm theo. Rồi tiếp mấy mùa trồng mới, bản Khe Trăng cứ như có hội. Diện tích cao su, rừng tràm, rừng keo của bản cứ thế tăng lên nhanh lắm. Và hiện tại, 100% số hộ của bản đều có rừng với tổng diện tích hơn 327 ha, 42 hộ trồng cao su với hơn 87 ha đã vào giai đoạn thu hoạch.

No ấm trên đất hoang

Con đường bê tông từ trung tâm xã Phong Mỹ dẫn lên bản Khe Trăng khang trang. Chạy suốt qua những vườn cao xanh hút mắt đang trong kỳ khai thác mủ nối tiếp những rừng tràm, rừng keo rộng thênh thang... Khác với nhiều loại cây khác có lá non là xanh non, ngọn mầm mới của cao su tựa như màu huyết dụ. Từ xa ngóng vọng đến, nền trời xanh như được vạch lên một khoảng màu tràn đầy sức sống, xa hơn là những rừng tràm, rừng keo xanh hút mắt người.

Chỉ tay về phía ấy, Trưởng bản Hồ Văn Muốc nói như khoe: “Hồi đi vận động, mình có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến thế. Sau mười mấy năm mà bản đã gần như không còn đất hoang, đồi trọc. Nhiều người nắm trong tay cả 4-5 ha cao su đã cho thu hoạch và mấy chục ha rừng tràm, keo lai chỉ chờ ngày khai thác. Thu mỗi năm cả 3-4 trăm triệu”. Riêng Trưởng bản Muốc cùng vợ - bà Phạm Thị Khuyên (51 tuổi) và 5 đứa con mà đang sở hữu 17 ha rừng đang chờ khai thác. Thêm vào đó là 6 ha cao su đã cho lấy mủ mấy năm nay. Với giá thu mua hiện tại, mỗi ngày ông thu vào hơn 5 triệu tiền bán mủ cao su khai thác được. Tính trừ hết các chi phí, thời gian thay lá không được khai thác, mỗi năm lãi ròng gần 500 triệu đồng. Lý giải cho kết quả đó, ông chỉ cười: “Còn sức thì gắng làm. Để gia đình, để bản làng no ấm và giàu có hơn, dại gì không gắng”. Cả 5 đứa con của ông đều có điều kiện  được học hành đầy đủ.

 Không khó để tìm thấy những cơ ngơi to đẹp, khang trang của đồng bào Pa Hi ở bản Khe Trăng.

Ở Khe Trăng, có thu nhập “khủng” như trưởng bản không khó tìm. Hàng xóm của ông Muốc, ông Nguyễn Văn Mua Rơ cũng đang sở hữu 20 ha rừng và hơn 3 ha cao su.  Gặp mẹ Nguyễn Thị Kẻ (vợ ông Mua Rơ) trên đường được đứa con trai đèo đi chợ về bằng xe máy, mẹ cứ nằng nặc rủ khách chiều phải ghé lại nhà để mời cơm. Chúng tôi phải xin khất mãi... Nhà ở cuối bản, anh Nguyễn Văn Rôn mới lập gia đình hơn 2 năm nhưng cũng sở hữu hơn 4 ha cao su và gần 10 ha rừng. Anh Rôn thuộc lớp trẻ ở bản làm kinh tế giỏi mà bà con vẫn hay lấy anh làm gương để dạy răn con cháu.

Ngày chúng tôi về bản cũng đúng vào dịp nhà sinh hoạt cộng đồng bản Khe Trăng được các cán bộ ở Đài PT-TH huyện Phong Điền vào lắp đặt cho bản bộ thu, loa phát thanh mới toanh. Bài hát phát thử nghiệm là “Bài ca người thợ rừng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên bằng giọng hát của ca sĩ Quốc Hương. Lời bài hát nghe vang, rõ lắm: “Bên rừng dù cho khi đói rét, bên rừng dù cho khi nắng gắt. Ta đến với rừng mang trong lòng ngàn vạn lời ca. Rừng ơi ta đã về đây, mang sức của đôi tay lao động khó khăn không quản ngại. Rừng ơi trong tiếng ca hôm nay, tương lai huy hoàng chiếu sáng rừng của ta”. Lòng chúng tôi cũng rộn ràng, vui đến lạ...     

  Phóng sự của Trần Nguyên Phong


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH