Giải phóng Buôn Mê Thuột là một đòn đánh chí mạng vào Mỹ – ngụy. Cả chiến trường miền Nam rung rinh. Tại Huế, Ngô Quang Tưởng lên đài phát thanh cao giọng tuyên bố: “Chúng ta quyết tử thủ cho Huế”.
Cứng giọng thế, nhưng ngụy quân ở Huế bắt đầu tan rã từng mảng. Một mảng lính lên xe theo đường Một chạy vào Đà Nẵng. Một mảng chạy ra cửa Thuận An, lên tàu ra biển. Súng đạn, áo quần, xe cộ vứt ngổn ngang dọc đường chạy.
Đón thời cơ đang tới, ông Hoàng Lanh tập hợp toàn bộ lực lượng an ninh thành phố Huế lại, quyết định thành lập các đội công tác, mỗi đội 6 người, đúng ngày 25/3, tất cả các đội công tác tràn về khắp các khu phố, mỗi người trang bị thật gọn gàng, đạn đeo quanh lưng, súng cầm trong tay với một tinh thần không bỏ lỡ thời cơ, quyết giải phóng thành phố Huế. Dựa vào cơ sở ta có sẵn trong thành phố, nên các đội công tác tiếp xúc dân rất nhanh.
Nhân dân cũng theo dõi trận đánh Tây Nguyên trên đài, nên đón các chiến sĩ an ninh rất nồng hậu.
Có một cụ nói:
- Bên phía cộng hòa, họ bảo sắp có một trận tắm máu tại Huế. Dân rất lo.
Lê Việt Hà trả lời:
- Phía cách mạng không lấy máu để giải quyết chiến tranh. Quan điểm của chúng tôi, dẫu miền Nam hay miền Bắc đều là người Việt, anh em trong một nhà có mắc míu gì thì hòa giải với nhau.
Cụ gật đầu, nếu thế thì tốt quá.
Đúng là lòng chân thành muốn hòa giải hòa hợp có sức chinh phục. Dân theo đạo Thiên Chúa dẫn chúng tôi đến, anh em an ninh tới gặp linh mục Nguyễn Kim Đính, cha xứ xứ đạo Phú Cam:
- Chúng tôi là người tu hành. Chúng tôi đã nghiên cứu và hiểu chính sách của mặt trận. Chúng tôi đã từng tham gia chống Thiệu. Chắc với tinh thần hòa giải, cách mạng sẽ hiểu chúng tôi dần.
Linh mục giới thiệu ông Đồng - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ với anh em an ninh. Lê Việt Hà nói:
- Bác nhờ giáo dân giúp cho đội công tác và tự vệ phường mình ăn uống được không bác.
- Tôi xin sẵn sàng – ông Đồng tỏ rất nhiệt tình.
Anh em gặp trực tiếp dân trong gia đình, ngoài đường lính ngụy vẫn rầm rập chen nhau chạy khỏi Huế. Bà con rất hồ hởi gặp anh em lính giải phóng và mong Huế được độc lập tự do thật sự trong hòa bình. Một ông người Hoa xin gặp đội công tác:
- Có một người lính cộng hòa tên Ngọc, anh ta có một khẩu súng côn, rất muốn được gặp các anh.
Anh em đội công tác tán thành ngay: “Ông tổ chức một bữa ăn ở nhà, mời anh Ngọc tới để gặp luôn thể. Để tỏ ra thực lòng, để không xảy ra việc đáng tiếc, đề nghị anh Ngọc giao cho ông khẩu súng côn”.
Gặp Ngọc, Ngọc nói:
- Em chiêu hồi, có tội với cách mạng, nhưng em không gây ra tội ác. Mong các anh khoan hồng.
Nhờ có Ngọc, anh em tránh được bẫy mìn của bọn đảng Tự Do ở Phước Vĩnh. Rồi Ngọc dẫn anh em vào ty chiêu hồi, nhận được rất nhiều tài liệu quý.
Điều quan trọng hơn là Ngọc cho biết Mỹ đang thành lập lực lượng thứ ba, lợi dụng hòa giải dân tộc để đứng trong chính quyền, từ đó có phương sách phá ta. Dĩ nhiên âm mưu bị lật tẩy, những chiếc răng nanh dẫu sắc đến đâu cũng vô hiệu.
Cả một phong trào quần chúng ủng hộ cách mạng dâng lên như nước vỡ bờ. Anh em an ninh đến đâu cũng được dân đón tiếp nồng hậu và giới thiệu những người tốt để bầu vào chính quyền thành phố.
Chính niềm tin ấy đã thôi thúc dân tố cáo cho chúng tôi biết tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa đã chui vào bệnh viện, vờ làm bệnh nhân hòng tránh con mắt của cách mạng. Anh em an ninh vào bệnh viện ngay, tìm đúng đến giường Phạm Văn Khoa nằm. Nhưng sợ quá, Phạm Văn Khoa mới chạy trốn.
Lính ngụy đã hết uy trong thành phố, linh mục Nguyễn Kim Đính cho anh em mượn xe riêng của mình, cung cấp đủ xăng để anh em chạy trên khắp thành phố, đứng lên tổ chức chính quyền của mình để giải phóng Huế.
Sang ngày 25/3, lính chủ lực của chúng ta mới từ các ngả trên chiến khu ào ạt tiến về thành phố. Hầu như không hề có một cuộc chạm súng nào đáng kể.
Đúng ngày 25/3, bộ đội giải phóng đã hạ cờ quẻ ly 3 sọc trên cột cờ kỳ đài, thay vào đó là lá cờ nửa xanh, nửa đỏ có ngôi sao ở giữa phấp phới tung bay giữa thành phố Huế.
Trong những ngày chiến thắng tưng bừng này, Chủ tịch Mặt trận giải phóng Nguyễn Hữu Thọ đã về Huế tổ chức mít tinh mừng ngày thống nhất nước nhà tại Quảng trường Ngọ Môn.
Ngày đó anh em rất lo, vì đang thời điểm tranh tối tranh sáng, địch trà trộn vào ta, chỉ cần chúng cho nổ một quả lựu đạn, sẽ thành chuyện ngay. Song nỗi lo đó đã trở thành niềm vui thanh thản. Chỉ riêng chi tiết này đã thấy không khí hòa giải hòa hợp trên đất Huế như một tiền đề cho cuộc gặp gỡ anh em Bắc, Nam của dân tộc Việt đã rất trầm luân suốt mấy chục năm chiến tranh.
Huế giải phóng ngày 26/3. Một tháng bốn ngày sau, 30/4 - Sài Gòn giải phóng. Niềm mong ước của Tố Hữu: “Huế sẽ về vui giữa cộng hòa” đã thành sự thật. Đó là một ngày vui ngút trời của Huế.
Nguyễn Quang Hà