Nhân dịp tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới ASEAN tại Hà Nội - TS Harald Nusser - Giám đốc Novartis Social Business đã dành cho Sức khoẻ&Đời sống cuộc trao đổi xung quanh những nội dung liên quan đến chiến lược hợp tác giữa Novartis Social Business với Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam để góp phần cải thiện, nâng cao sức sức khỏe người dân Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung...
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của 6 nước ASEAN đang gia tăng. Ông có thể cho chúng tôi biết về vai trò của Novartis Social Business có thể hỗ trợ cho Chính phủ của 6 quốc gia ASEAN để đảm bảo công dân của họ được điều trị và chăm sóc y tế chất lượng cao trong khi vẫn duy trì kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe?
TS Harald Nusser - Giám đốc Novartis Social Business
TS Harald Nusser: Chúng tôi tin rằng việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân thường phải bắt đầu từ việc phòng ngừa hơn là điều trị. Trong bối cảnh y tế công cộng hiện tại, chúng tôi nhận thấy nhiều quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép từ sự gia tăng của các bệnh mãn tính và các bệnh lây nhiễm. Đây là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Từ đó, chúng tôi muốn giúp người dân ở các nước ASEAN nâng cao nhận thức về chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện, hạn chế các khía cạnh tiêu cực của việc tiêu thụ rượu và thuốc lá để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng.
Các bệnh mạn tính hoặc bệnh không lây nhiễm (NCDs) hiện là nguyên nhân gây tử vong cao gấp 4 lần so với bệnh truyền nhiễm. Riêng bệnh tim mạch gây ra một phần ba (1/3) số ca tử vong. Ở các nước phát triển và đang phát triển, các yếu tố rủi ro đối với NCDs - chẳng hạn như lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh - đang tăng lên. Việt Nam vẫn là quốc gia nơi có gần 15 triệu người hút thuốc. Và trong khi tại Việt Nam tỉ lệ người trưởng thành béo phì ở mức thấp nhất trên thế giới thì số trẻ em béo phì lại đang tăng lên, báo hiệu một cuộc khủng hoảng NCDs trong tương lai.
Sự bùng nổ các bệnh không lây nhiễm này đặt Việt Nam vào cùng vị trí như 6 các nước láng giềng ASEAN: trong những thập kỷ tới, chi phí chăm sóc sức khỏe dự báo có thể tăng mạnh. Hầu hết các NCDs đều là bệnh mãn tính và cần chăm sóc lâu dài, điều này sẽ làm tăng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Tác động kinh tế của các bệnh không lây nhiễm sẽ không chỉ được thể hiện ở việc gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Các ca tử vong sớm và mất khả năng lao động do các bệnh mãn tính làm giảm năng suất của lực lượng lao động để sản xuất và đóng góp cho xã hội, từ đó làm tổn hại đến nền kinh tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần một nửa số ca tử vong do NCDs ở Việt Nam là tử vong sớm, xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 70. Mười năm trước, các bệnh mãn tính chiếm gần ba phần tư (3/4) số năm bị mất khả năng lao động ở Việt Nam và con số này ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Xác định và điều trị các bệnh không lây nhiễm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lợi ích kinh tế của việc duy trì lực lượng lao động trong thời gian dài hơn sẽ giúp bù đắp sự gia tăng chi phí y tế nhờ sự cải thiện chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Đầu tư vào việc phòng ngừa và điều trị bệnh mạn tính của các nước sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho quốc gia.
Vậy xin ông cho biết, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Châu Á mà Novartis Social Business sẽ tập trung vào ưu tiên trước mắt là gì?
TS Harald Nusser: Một trong những hoạt động trọng tâm của Novartis Social Business trong thời gian qua là tập trung vào các hoạt động mang tính xã hội. Trong khu vực Đông Nam Á bên cạnh Philippine thì Việt Nam là một trong những quốc gia Novartis Social Busines triển khai nhiều hoạt động tích cực, với nhiều dự án chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa nơi hệ thống y tế hoạt động chưa hiệu quả.
Novartis Social Business đã triển khai mô hình giáo dục y tế tại Việt Nam được 5 năm. Chương trình giáo dục sức khỏe do Novartis Social Business thực hiện tập trung vào các khía cạnh khác nhau như nâng cao nhận thức, cách phát hiện các triệu chứng của bệnh và cách ngăn ngừa bệnh tật... Đơn cử như Chương trình "Cùng Sống Khỏe"
Theo đó, Novartis Social Business đã phối hợp với sở y tế, trung tâm y tế huyện, thực hiện tại trạm y tế xã sàng lọc sớm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; tăng kiến thức cho người dân về các bệnh không lây nhiễm, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế...
Y tế kỹ thuật số sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai trong việc điều trị các bệnh không lây nhiễm, có thể là một ví dụ về một lĩnh vực mà chúng tôi và các nước có thể hợp tác sâu hơn với Bộ Y tế Việt Nam. Vì vậy Novartis Social Business sẽ đẩy mạnh hợp tác theo hướng cung cấp nền tảng số hoá, giúp sàng lọc bệnh nhân, kết quả chấn đoán nhập vào tạo dữ liệu. Đây là thông tin hữu ích cho cả Chính phủ và Novartis Social Business, thông tin này giúp mang lại một cái nhìn tổng thể rõ ràng về tình hình bệnh tật của cộng đồng và có biện pháp phù hợp.
Novartis Social Business có kế hoạch hợp tác ở Châu Á như thế nào để đạt được mục tiêu của mình, thưa ông?
TS HaraldNusser: Khu vực này đã chịu nhiều thách thức như hệ thống dân số già hóa, bệnh không lây nhiễm gia tăng làm cho chi phí chăm sóc y tế tăng cao trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải; tuy nhiên, nhiều đột phá, sáng tạo bao gồm những công nghệ mới, dược phẩm cũng tạo ra những cơ hội cho hệ thống y tế.
Từ thực tiễn của y tế cộng đồng hiện đang tồn tại ở Việt Nam và các nước trong khu vực, các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Châu Á mà chúng tôi sẽ tập trung vào ưu tiên trước mắt là các bênh tim mạch, tiểu đường, hen- phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư vú.
Novartis Social Business sẽ cung cấp 15 loại thuốc trong đó có thuốc chữa ung thư vú, cho cho các chính phủ và người mua thuộc khu vực công, cho bệnh nhân có đủ điều kiện với chi phí 1 đô la mỹ cho lần điều trị mỗi tháng.
Ông có thể cho biết Novartis Social Business có những cách làm như thế nào đối với những khó khăn ở các khía cạnh khác nhau khi tiếp cận các nước đang phát triển? Theo ông mô hình này có bền vững không?
TS Harald Nusser: Chúng tôi cho rằng, khó khăn khi thực hiện việc này là khi chúng tôi cung cấp các loại thuốc có chất lượng với giá rẻ thì có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu này, chúng tôi không nghĩ quá nhiều về lợi nhuận, bởi vì nhu cầu sức khỏe cộng đồng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong tư duy của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng có thể mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa Novartis Social Business với các nước để người dân được thụ hưởng thuốc có chất lượng với giá thành thấp.
Dân số già hoá và bệnh không lây nhiễm gia tăng đang là thách thức không nhỏ của y tế công cộng
Theo tôi nghĩ hoạt động của mô hình này sẽ bền vững, bởi tôi là một người lạc quan (cười- PV). Hướng đến nhiều nhiều quốc gia và có thêm nhiều người sử dụng thuốc của chúng tôi sẽ giúp chúng tôi đạt đến điểm hòa vốn. Điều cốt yếu là có 2-3 nước tiên phong, từ đó chúng tôi phối hợp với nước sở tại để triển khai có hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng. Chúng tôi chia sẻ với chính phủ danh mục các loại thuốc có sẵn thông qua Novartis Social Business, để đảm bảo chúng tôi có một danh mục thuốc phù hợp với nhu cầu của từng quốc gia.
Cũng xin được chia sẻ thêm với bạn một thông tin đó là, tại Việt Nam, chúng tôi đã được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp giấy phép cho 5 loại thuốc gồm ung thư, tim mạch, các bệnh hô hấp. Chúng tôi hy vọng có thể triển khai thực hiện ở 2 tỉnh đầu tiên vào cuối năm nay.
Xin cảm ơn Ông!