Chúng tôi 'chiến đấu' vì người bệnh

30-04-2022 14:17 | Y tế
google news

SKĐS - Sáng nay, các con phố của TP.HCM trở nên tấp nập hơn ngày thường bởi những dòng xe hối hả ngược xuôi rời TP cho kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Chưa bao giờ phải đứng chôn chân tại chỗ vì tắc đường mà lòng người bác sĩ trẻ - Thiếu tá Vũ Sơn Giang - Phó chủ nhiệm chính trị, Kiêm Chủ tịch hội thầy thuốc trẻ Bệnh viện Quân y 175 (một trong 10 bác sĩ trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021) lại vui vẻ và hạnh phúc thế này. Chỉ gần một năm trước thôi, anh đã chứng kiến TP hoa lệ này phải hứng chịu những đau thương, tổn thất không thể nào đong đếm nổi vì dịch bệnh.

Những hình ảnh đau thương sẽ theo chúng tôi đến suốt cuộc đời

Trong dòng miên man suy nghĩ, những ký ức của quãng thời gian chống dịch khốc liệt cứ lần lượt ùa về khiến anh không khỏi rùng mình.

Chúng tôi chiến đấu tất cả vì người bệnh - Ảnh 1.

Thiếu tá Vũ Sơn Giang - một trong 10 bác sĩ trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.

Trong đợt dịch lần 4, khi TP.HCM có những ca bệnh đầu tiên xảy ra trên địa bàn quận Gò Vấp, tất cả nguồn lực đều dồn hết cho nơi đây chống dịch, ai cũng nghĩ rồi chúng ta sẽ khống chế được dịch giống 3 đợt trước. Chỉ thị 16 nhanh chóng được triển khai tại quận này tuy nhiên các quận huyện khác thì không, do vậy dịch lan rất nhanh. Cuối tháng 5 dịch bắt đầu bùng phát, đến tháng 6 tiến triển rầm rộ, tháng 7 hệ thống y tế TP.HCM không thể chống đỡ nổi, lực lượng y tế cả nước được huy động vào hỗ trợ cho TP.

Rất nhanh chóng cả TP. HCM lockdown. Trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước đã từng sôi động, đẹp đẽ bao nhiêu, khi thực hiện Chỉ thị 16, 16+ lại vắng vẻ, buồn đau bấy nhiêu.

Nhà nào ở nhà đó, lực lượng vũ trang cắm trại tại đơn vị, trên các tuyến đường chỉ có tiếng xe cấp cứu và xe làm nhiệm vụ. Trước đây tình trạng kẹt xe, tắc đường gây khó chịu bao nhiêu thì bây giờ tất cả chỉ thèm muốn được thấy có bóng người xuất hiện. "Chúng tôi đi cả khu phố không một bóng người, mọi thứ im lìm ảm đạm đến đáng sợ", BS Giang nhớ lại.

Số người nhiễm COVID tăng nhanh từng ngày, tỷ lệ tử vong cũng theo đó tăng lên, có ngày con số lên đến cả nghìn người. Đó chỉ là những người nằm tại các đơn vị y tế các bác sĩ phát hiện được, thực tế con số còn lớn hơn.

Chúng tôi chiến đấu tất cả vì người bệnh - Ảnh 2.

Theo dõi các bệnh nhân trong khu thu dung điều trị người bệnh COVID.

Cả nhân viên y tế và gia đình người bệnh đều hoang mang. Nếu việc xử trí các di hài không hợp lý, chẳng may để ra sai sót, chỉ một vài trường hợp nhầm lẫn người thân cũng có thể gây ra một vấn đề an ninh xã hội rất lớn.

Ngay thời điểm đó, Bộ Quốc phòng đã nhận nhiệm vụ xử trí các thi thể bệnh nhân. Lực lượng quân đội hỗ trợ đưa các bệnh nhân đi thiêu, bàn giao di hài đã mất về cho gia đình, hạn chế tối đa vấn đề nhầm lẫn.

"Tại Bệnh viện Quân y 175 có ngày lưu trữ rất nhiều thi thể, lúc đó chúng tôi rất lo lắng nếu con số tử vong cứ tăng nhanh như thế này không biết chỗ nào mà chứa. Mặc dù là nhà binh lại trong lực lượng quân y, cũng đã có những tình huống giả định đất nước rơi vào những trường hợp chiến tranh có những phương án xử trí. Nhưng cũng không thể ngờ rằng TP. HCM của chúng ta trải qua thời kỳ khủng khiếp đến thế. Đến bây giờ nhắc lại chúng tôi vẫn rùng mình" - Thiếu tá Giang chia sẻ.

Những ai ở TP.HCM vào thời điểm đó, sẽ luôn nhớ mãi hình ảnh những con đường chỉ vẳng tiếng xe cấp cứu, sau này là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, cứ nghe tiếng xe cấp cứu là sợ. Những chiếc xe cấp cứu xếp hàng dài trước các bệnh viện dã chiến, khu thu dung khiến cả dãy phố đỏ rực ánh đèn.

"Mặc dù là một người lính nhưng có lẽ hết cuộc đời này tôi sẽ khó có thể trải qua quãng thời gian khó khăn đến như vậy, có quá nhiều đau thương và mất mát. Những hình ảnh đau thương này sẽ đi theo tất cả chúng tôi và những người dân TPHCM đến suốt cuộc đời", Thiếu tá Giang trải lòng.

Triển khai nhiều mũi tấn công để khống chế dịch

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, ban lãnh đạo BV Quân y 175 đã thành lập nhiều tiểu đội cùng lúc thực hiện nhiều mũi tấn công để nhanh chóng giúp thành phố kiểm soát dịch.

Các tổ quân y đi từng ngõ hẹp, bê từng bình oxy đến từng nhà, hướng dẫn người dân cách chăm sóc F0 cũng như các biện pháp để bảo vệ an toàn cho bản thân.

Chúng tôi chiến đấu tất cả vì người bệnh - Ảnh 3.

Tổ tiêm vaccine lưu động thể hiện quyết tâm nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ.

Với sự hỗ trợ giúp sức của lực lượng vũ trang và các mạnh thường quân, các bình oxy lưu động, các trang thiết bị, nhu yếu phẩm được đưa đến từng nhà cho người dân bên cạnh đó là lực lượng bác sĩ quân y luôn bên cạnh sẵn sàng hỗ trợ các vấn đề sức khỏe đã giúp người dân yên tâm hơn khi cách ly, điều trị tại nhà.

"Thời điểm đó ca bệnh nào cũng đưa vào viện chắc chắn sẽ quá tải. Do vậy việc người dân phối hợp tốt điều trị tại nhà cũng là một thành công lớn", BS Giang nói.

Bên cạnh đó, Bệnh viện xin phép Bộ Quốc phòng triển khai khu điều trị người bệnh COVID-19, và phối hợp cùng thành phố để làm sao thu dung được người bệnh một cách sớm nhất.

Chưa đầy 48 tiếng, BV Quân y 175 đã "set up" xong Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, mới đầu là 150 giường, sau đó lên 300 giường, cuối cùng là 500 giường.

Khi lên đến 500 giường, chỉ hơn một ngày đã kín bệnh nhân. Tính đến thời điểm bây giờ Trung tâm Điều trị người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận 6000 bệnh nhân. Số bệnh nhân nặng được cứu chữa thành công rất nhiều. Tỷ lệ bệnh nhân khỏi, ra viện ở giai đoạn khốc liệt nhất là 80%, đây là một thành tựu rất lớn.

Ngoài việc tham gia điều trị trực tiếp cho người bệnh, chiến lược của Ban giám đốc BV là không thể ngồi ở nhà đợi địch đến (tức cứ đưa bệnh nhân đến chữa) mà phải có biện pháp khoanh vùng phong tỏa càng nhanh càng tốt.

BV Quân y 175 đã đồng thời tổ chức 20 đội đi lấy mẫu xét nghiệm, mỗi đội đảm nhiệm lấy mẫu cho một nghìn đến hai nghìn người để phát hiện F0, đưa họ rời khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.

Đồng thời tổ chức các đội tiêm vaccine cơ động, tăng cường tiêm vaccine cho thành phố và các tỉnh lân cận, mỗi một ngày các đội triển khai tiêm hơn 2500 mũi tiêm.

500 người tham gia trong Trung tâm Điều trị người bệnh COVID-19, khoảng hơn 1000 người tham gia các nhiệm vụ bên ngoài. Ngày nào cũng vậy, tất cả chia ca, xoay tua làm việc sao cho công việc được thực hiện một cách nhanh nhất và vẫn đảm bảo được sức khỏe.

Chúng tôi chiến đấu tất cả vì người bệnh - Ảnh 5.

Tiếp nhận các thiết bị phòng dịch từ các mạnh thường quân hỗ trợ bệnh viện.

Cũng thời điểm đó rất nhiều bệnh viện trong TP bị lockdown, do có ca nhiễm COVID. Nhiều bệnh nhân chạy thận không biết bấu víu vào đâu. Do vậy, bệnh viện đã triển khai khu chạy thận dã chiến riêng biệt cho các bệnh nhân F1, thậm chí người bệnh nhiễm COVID-19 cũng vào đó chạy, chạy xong thực hiện đúng phương pháp 5K rồi lại đưa bệnh nhân vào những đơn vị điều trị, thậm chí khi bệnh nhân vào các đơn vị điều trị rồi BV sẽ triển khai chạy máy tại chỗ, để lọc cho người bệnh. Tất cả bệnh nhân đều được kiểm tra rất kỹ vấn đề nhiễm bệnh, miễn phí hoàn toàn các kít test xét nghiệm.

Ngoài ra, bệnh viện còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ người bệnh, bởi có những bệnh nhân phải chạy ECMO và lọc máu liên tục đến 60 ngày, chi phí sau BHYT lên đến 1,7 tỷ là vô cùng lớn. May mắn rất nhiều nhà hảo tâm đã đồng ý chi trả số tiền này không chỉ là một mà cho rất nhiều người bệnh.

Những kỷ niệm khó quên

Hơn 6 tháng chống dịch khốc liệt có quá nhiều câu chuyện, kỷ niệm đã in sâu vào tâm trí người bác sĩ trẻ.

Đó là câu chuyện của một sản phụ sau khi sinh con đầu lòng bị mắc COVID-19, bão cytokine nhanh chóng đánh sập toàn bộ hệ thống cơ quan. Các bác sĩ BV Quân y 175 phải triển khai đội ECMO đến tận nơi sản phụ sinh, sau đó chuyển về bệnh viện. Người bệnh đã trải qua 12 cuộc phẫu thuật, truyền đến 60 lít máu, nhiều lúc tưởng chừng khó giữ bệnh nhân lại với cuộc sống, các chỉ số xuống rất thấp.

Chúng tôi chiến đấu tất cả vì người bệnh - Ảnh 6.

Theo dõi một ca bệnh nặng trong phòng hồi sức tích cực.

Tuy nhiên với sự nỗ lực của tất cả y bác sĩ (mặc dù bệnh nhân chạy ECMO nhưng các bác sĩ vẫn cho nghe tiếng của con, tiếng của chồng, rồi hàng ngày trong quá trình chăm sóc vẫn thủ thỉ động viên) cùng với sức sống vô cùng mãnh liệt của người bệnh, phép màu đã xảy ra, sản phụ dần hồi phục.

"Giây phút đoàn tụ cực kỳ xúc động, người mẹ ôm đứa con thơ, cả gia đình òa khóc. Chứng kiến khoảnh khắc này tất cả y bác sĩ chúng tôi đều rơi nước mắt. Giọt nước mắt hạnh phúc vì mọi nỗ lực, cố gắng đã được đền đáp. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân khác", BS Giang tâm sự.

Về việc tiêm vaccine lưu động, rất nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền từ chối tiêm. Nhiều người bày tỏ "không tiêm có khi tôi còn sống, chứ tiêm chưa chắc chúng tôi đã tồn tại được". Những đối tượng này, nếu không tiêm vaccine chẳng may nhiễm COVID-19 thì cầm chắc án tử, do vậy các bác sĩ phải kiên trì động viên, thuyết phục.

Sau này nhiều cụ viết thư gửi về bệnh viện cảm ơn đội ngũ bác sĩ quân y 175, nội dung có đoạn "Hôm vừa rồi tôi bị nhiễm COVID, nếu hôm trước các bác sĩ bệnh viện không động viên chúng tôi tiêm chủng thì có lẽ bây giờ tôi không còn tồn tại trên cõi đời này". Ngày lễ, ngày Tết vẫn có những lọ hoa gửi chúc mừng, chỉ là những món quà nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn, giúp chúng tôi có thêm động lực để hỗ trợ những người tiếp theo trong các giai đoạn chống dịch sau này.

Chúng tôi chiến đấu tất cả vì người bệnh - Ảnh 7.

Phút giải lao hiếm hoi sau khi đi hỗ trợ tiêm vaccine ở Phú Quốc.

"Đối với việc xử lý di hài người bệnh, chúng tôi vẫn đảm bảo tín ngưỡng cơ bản nhất cho mọi người. Khi bệnh nhân ở giai đoạn cuối cùng, chúng tôi gọi điện cho người nhà, thậm chí là gọi face time, để người nhà nhìn thấy người thân, chụp những hình ảnh đó lưu lại. Khi bệnh nhân tử vong rồi, các nhân viên đều vệ sinh sạch sẽ, trang điểm, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, và gửi hình ảnh QR-code của bệnh nhân cho người nhà.

Khâu xử lý thi thể thực hiện rất chặt chẽ, tỉ mỉ, mỗi bệnh nhân có từng mã code riêng, giúp người nhà cũng an lòng phần nào", BS Giang nói.

Trong khó khăn bao giờ cũng có những niềm hy họng, trong lúc Sài Gòn đang đau, đang yếu nhất đã có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ như những cây ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM ôxy… Đó là nguồn động viên rất lớn cho người dân. Khi những khó khăn đó vượt qua được, người ta sẽ trân trọng những giá trị mà những người khác mang lại, trân trọng cuộc sống hơn.

Dịch COVID-19 gây ra cho TP. HCM và cả nước thiệt hại lớn đến kinh tế xã hội. Tuy nhiên đó cũng là một thử thách để thấy rằng, tình thương yêu của đồng bào, dân tộc, lá lành đùm lá rách, gắn kết yêu thương nhiều hơn, kết nối nhiều hơn.

Chuyện buồn của "xóm trọ đặc biệt"Chuyện buồn của 'xóm trọ đặc biệt'

SKĐS - Đến Bệnh viện K Tân Triều vào giữa trưa một ngày cuối tháng 4, qua nhiều biển chỉ dẫn cho thuê trọ, chúng tôi dừng tại một con ngõ nhỏ trên đường Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn