Đại dịch Zika đang có nguy cơ lây lan trên toàn thế giới và những phụ nữ mang thai đã được cảnh báo là không nên du lịch tới những vùng có Zika lưu hành bởi có thể sinh ra những đứa trẻ bị tật đầu nhỏ. Và trong khi mối liên quan giữa vi rút Zika và chứng đầu nhỏ chưa được chứng minh rõ ràng, các bác sĩ Argentina và Brazil tuyên bố hóa chất diệt ấu trùng muỗi mới là thủ phạm gây dị tật đầu nhỏ.
Báo cáo của Nhóm các bác sĩ Argenitna ở Physicians in the Crop-Sprayed Towns (PCST) bày tỏ sự nghi ngờ chất pyriproxyfen – một thuốc diệt các ấu trùng muỗi được đưa vào nguồn nước nhằm chấm dứt sự phát triển của các ấu trùng muỗi trong các bể chứa nước – mới là thủ phạm gây dị tật đầu nhỏ bẩm sinh ở thai nhi.
Các tác giả cho biết, hóa chất này có tên thương mại SumiLarv, được sản xuất bởi công ty hóa chất Sumitomo Nhật Bản.
Theo PCST, vào năm 2014, Bộ Y tế Brazil đã cho phép sử dụng pyriproxyfen để đưa vào các hồ nước tự nhiên của bang Pernambuco, nơi mà tốc độ phát triển của loài muỗi chứa mầm bệnh Zika đang rất mạnh.
“Không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn đứa trẻ bị dị tật đầu nhỏ là con của các bà mẹ sống ở những khu vực sử dụng pyriproxyfen”, PCST cho biết.
Trên thực tế, bang Đông Nam Brazil này có tỉ lệ trẻ bị tật đầu nhỏ chiếm 35% tổng số trẻ mắc bệnh - đứng đầu trong cả nước về tỉ lệ mắc bệnh.
“Những đại dịch Zika trước đây không gây ảnh hưởng đến trẻ mới sinh, mặc dù 75% dân số bị nhiễm vi rút này. Tương tự, ở các nước khác như Colombia, không ghi nhận trường hợp nào mắc tật đầu nhỏ dù có rất nhiều ca Zika”, báo cáo chỉ rõ. Cụ thể, theo báo cáo PCST, tại Colombia, đã có 3.177 phụ nữ nhiễm vi rút Zika nhưng những đứa trẻ sinh ra từ những người mẹ này hoàn toàn khỏe mạnh.
Trước thông tin trên, trên trang web của mình, công ty hóa chất Sumitomo cho rằng sản phẩm của họ “không chỉ an toàn với các động vật có vú, chim và cá mà nó còn được cho phép đưa thẳng vào nguồn nước uống của người".
Còn theo báo cáo của Abrassco, Tổ chức các bác sĩ và các nhà nghiên cứu y học Brazil, có sự liên quan giữa hóa chất này với sự bất thường ở thai nhi. Họ nêu đích danh Pyriproxyfen như là 1 thủ phạm gây tật đầu nhỏ
Trên mạng internet, có rất nhiều quan điểm khác nhau về sự nguy hại của vi rút này và ngay cả tổ chức Y tế thế giới WHO cũng rất thận trọng khi đưa ra nhận định về mối liên quan giữa Zika và tật đầu nhỏ.
Bởi tháng trước, sau khi xem xét kỹ lượng 732 trường hợp trên tổng số 4180 trường hợp tật đầu nhỏ được cho là liên quan với Zika, các chuyên gia nhận thấy hơn một nửa trường hợp không bị tật đầu nhỏ hoặc thậm chí chẳng liên quan gì với Zika. Trên thực tế, chỉ có 270 trường hợp tật đầu nhỏ được xác nhận là có liên qua với Zika hay một bệnh truyền nhiễm khác.
Còn tuần trước, một nhóm các nhà nghiên cứu Pernambuco cho rằng có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa tật đầu nhỏ - Zika. “Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm dịch tủy của 12 trẻ bị tật đầu nhỏ, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ có biểu hiện nhiễm Zika khi mang thai. Và cả 12 trẻ này đều có bằng chứng về sự hiện diện của Zika”. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị 1 tổ chức y tế uy tín của Brazil khẳng định đây không phải là một nghiên cứu khoa học mà chỉ là một đề xuất đáng chú ý về sự liên quan của zika với tật đầu nhỏ.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng ngay sau công bố của PCST 1 ngày, vào ngày 14/2, chính quyền bang Rio Grande do Sul ở cực nam Brazil đã lập tức tuyên bố dừng sử dụng hóa chất Pyriproxyfen tại 19 địa phương thuộc quyền quản lý của bang này.