Chung tay xử lý rác thải y tế để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng

20-08-2024 17:09 | Xã hội

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện nay có 51.962 cơ sở y tế, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình 440,7 tấn/ngày. Nếu không được xử lý một cách tối ưu, đây chắc chắn sẽ là nguồn ô nhiễm lớn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.

Những năm gần đây, việc quản lý, xử lý rác thải, chất thải y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh luôn được ngành y tế quan tâm. Hầu hết các cơ sở y tế được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đại, thực hiện phân loại rác ngay tại nơi phát sinh và vận chuyển, xử lý rác thải đúng quy chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo ước tính, mỗi ngày, các cơ sở y tế thải ra môi trường hơn 440 tấn rác thải rắn, trong đó có gần 40% là rác thải nhựa. Ngành y tế đã chỉ đạo thu gom, phân loại và xử lý đúng theo quy định, nhằm giảm tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Qua đó, việc thực hiện đúng và nghiêm túc các khâu trong phân loại ở các cơ sở y tế phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân, y, bác sĩ…

Chung tay xử lý rác thải y tế để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng- Ảnh 1.

Bông gạc, kim tiêm đều được phân loại cẩn thận trong mỗi thùng chứa rác thải.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống trên địa bàn Hà Nội, tại một số bệnh viện, trung tâm y tế đã thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn y tế. Hệ thống tổ chức thực hiện và công tác quản lý được các cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ tuân thủ đầy đủ. Các khâu trong quy trình kiểm soát rất chặt chẽ, đồng thời xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Chung tay xử lý rác thải y tế để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng- Ảnh 2.

Chị Quỳnh đều đeo khẩu trang, chùm mũ, đeo găng tay trong khi xử lý các loại rác thải y tế.

Chị Nguyễn Mai Quỳnh, nhân viên y tế tại trạm y tế thuộc quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Việc xử lý rác thải y tế đối với các cán bộ nhân viên y tế nói chung và bản thân tôi nói riêng, đầu tiên là ở khâu phân loại thì bất kì ai trong khi làm cũng đều phải nắm vững việc này. Chúng tôi luôn được hướng dẫn đầy đủ để nắm được quy trình và tầm quan trọng của việc xử lý rác thải".

Ngoài ra, đối với khâu phân loại rác thải ngay sau khi sử dụng, chị Quỳnh cũng nhấn mạnh thêm rằng, mỗi cá nhân, cán bộ, nhân viên y tế và kể cả bệnh nhân hay người nhà cũng cần nắm được tầm quan trọng của việc này. Mỗi người phải trở thành một tấm gương để việc xử lý rác thải y tế được giảm bớt gánh nặng cho môi trường, ngăn ngừa và phòng chống nhiều bệnh lây nhiễm. Bởi khâu phân loại được đánh giá là khâu quan trọng cần có ý thức của mỗi người trong việc thực hiện.

Bên cạnh đó, không chỉ phân loại để tái chế, hiện nay để hướng tới mục tiêu giảm thiểu và loại bỏ dần chất thải nhựa trong ngành y tế, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn đã đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilông khó phân hủy.

Chị Hoàng Thúy Nga, nhân viên y tế tại bệnh viện thuộc quận Cầu Giấy chia sẻ rằng: "Chúng tôi luôn tuyên truyền đến các bệnh nhân, đặc biệt là người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng các loại túi bóng, cốc nhựa dùng một lần… thay vào đó là các bình nước uống tái sử dụng, cặp lồng cơm. Vừa đảm bảo vệ sinh, tốt cho sức khỏe và giảm thiểu được rất nhiều rác thải nhựa".

Chung tay xử lý rác thải y tế để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng- Ảnh 3.

Bảng hướng dẫn phân loại rác được gắn tại nơi vứt rác thải y tế.

Các quy trình phân loại, tập kết và xử lý chất thải y tế tại Bệnh viện quy củ, nghiêm ngặt. Tại mỗi khoa, phòng đều có đặt các thùng rác và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định cho từng loại và có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết.

Chất thải sau khi thu gom và chuyển đến nơi tập kết được phân loại lần 2 nhằm đảm bảo được phân loại triệt để. Để đảm bảo xử lý tốt lượng rác thải này, đơn vị đã ban hành Quy định về phân loại và thu gom chất thải y tế. Quy định này được dán tại các phòng bệnh và điểm tập kết rác thải tạm thời ở các khoa, phòng để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế tiện theo dõi.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện nay có 51.962 cơ sở y tế, bao gồm 13.641 cơ sở y tế công lập và 38.321 cơ sở y tế ngoài công lập, trong đó có 73 cơ sở y tế công lập tuyến trung ương (42 bệnh viện; 31 cơ sở khác); 838 cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh (428 bệnh viện; 410 cơ sở y tế dự phòng); 1.599 cơ sở y tế công lập tuyến huyện (570 bệnh viện; 649 trung tâm y tế tuyến huyện và 380 phòng khám đa khoa khu vực); 11.131 trạm y tế xã; 321 bệnh viện ngoài công lập; 38.000 phòng khám ngoài công lập.

Với số lượng cơ sở y tế lớn, các nguồn phát thải cũng đang ngày càng tăng. Đây cũng là áp lực lớn đối với công tác quản lý, xử lý chất thải, nước thải y tế trong thời gian tới. Với tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm; tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình 440,7 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn y tế nguy hại là 71,5 tấn/ngày trên cả nước thì yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm soát nguồn thải, xử lý chất thải càng nặng nề.

Nâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhàNâng cao nhận thức người dân trong xử lý rác thải y tế tại nhà

SKĐS - Việc người dân có ý thức phân loại rác thải y tế tại nguồn là hành động nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiết kiệm chi phí xử lý, bảo vệ môi trường.

Video đang được quan tâm:

Xử lý chất thải y tế- Trách nhiệm với cộng đồng


Vũ Hồng Hải
Ý kiến của bạn