“Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân”

01-07-2019 09:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Ngày BHYT Việt Nam là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân; giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của chính sách BHYT; từ đó, chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu dự phòng chăm lo sức khỏe bản thân và gia đình

Hôm nay  1/7- tròn 10 năm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam (01/7/2009 - 01/7/2019), BHXH Việt Nam chọn chủ đề truyền thông “Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân”. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã có cuộc trao đổi về nội dung, ý nghĩa của chủ đề này.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

PV: Là một ngày kỷ niệm lớn được đông đảo người dân quan tâm, tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về sự ra đời cũng như ý nghĩa của Ngày BHYT Việt Nam, xin Ông cho biết sơ lược về lịch sử của Ngày BHYT Việt Nam?

Ông Đào Việt Ánh: Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009. Để ghi dấu mốc quan trọng này trong quá trình phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam để tuyên truyền Luật BHYT; khuyến khích, động viên nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên Ngành Y tế.

Ngay trong năm đầu tiên kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gửi thư tới cán bộ, nhân viên Ngành Y tế, những người làm công tác BHYT và toàn thể nhân dân tham gia BHYT.

Nội dung thư của Chủ tịch nước nêu rõ: “Tham gia thực hiện Luật BHYT không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người không may ốm đau, bệnh tật của tất cả mọi công dân”. Chủ tịch nước cũng ra lời kêu gọi: “Tôi kêu gọi nhân dân cùng toàn thể cán bộ, nhân viên y tế cả nước tích cực tham gia và thực hiện Luật BHYT. Cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, nhất là các đơn vị quản lý BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn và quy định của Luật BHYT, nâng cao y đức và chất lượng phục vụ người bệnh”. Những căn dặn của Chủ tịch nước đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trải qua 9 năm tổ chức, Ngày BHYT Việt Nam là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân; giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của chính sách BHYT; từ đó, chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu dự phòng chăm lo sức khỏe bản thân và gia đình; góp phần chia sẻ cùng cộng đồng, vì an sinh đất nước.

Đây cũng trở thành một trong những dịp để truyền thông sâu rộng và nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT - trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính và y tế quốc gia; là phương thức huy động đóng góp của mọi người dân, các tổ chức, toàn xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Clip "Bảo hiểm y tế song hành cùng an sinh đất nước"

PV: Ngày BHYT Việt Nam mỗi năm đều có một chủ đề riêng để định hướng hoạt động truyền thông và đặt ra các mục tiêu phấn đấu. Năm nay, chủ đề có nội dung, ý nghĩa gì, thưa Ông?

Ông Đào Việt Ánh: Trong 9 năm tổ chức ngày BHYT Việt Nam (từ 2009 đến 2018), tùy theo nhiệm vụ cụ thể của từng thời điểm, chúng ta có những chủ đề riêng để định hướng hoạt động truyền thông. Có thời điểm, chủ để tập trung vào công tác phát triển đối tượng tham gia, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân; có thời điểm lại lấy chủ đề người hưởng chính sách làm trung tâm với yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT của cơ sở y tế; có thời điểm lại tập trung truyền thông nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách,...

Như vậy, xuất phát từ thực tế và yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ để lựa chọn chủ đề cụ thể từng năm cho phù hợp. Qua chủ đề của từng năm, có thể thấy, tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình phát triển chính sách BHYT đều đã được lựa chọn, trong đó người tham gia BHYT luôn được đặt ở vị trí trung tâm và quan trọng nhất.

Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh truyền thông theo chủ đề đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc hoàn thành vượt mức tỷ lệ bao phủ BHYT được giao, 89% dân số đã có BHYT tính đến hết tháng 5/2019.

BHXH Việt Nam chọn chủ đề Ngày BHYT Việt Nam năm 2019 là: Chung tay xây dựng, phát triển BHYT vì sức khỏe toàn dân”. Nội hàm của chủ đề năm nay không chỉ hàm nghĩa phát triển đối tượng, mở rộng bao phủ BHYT, mà còn bao gồm cả công tác xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ chế, chính sách;  tổ chức thực hiện chính sách; bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT.

Việc lựa chọn chủ đề này nhân kỷ niệm 10 năm Ngày BHYT Việt Nam, cũng đúng vào thời điểm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai  tổng kết 05 năm thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, qua đó tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT. Như vậy, chủ đề Ngày BHYT Việt Nam năm nay mang tính bao quát và toàn diện.

PV: Với những nội dung, ý nghĩa đó, xin Ông cho biết các hoạt động được BHXH Việt Nam tổ chức nhân Ngày BHYT Việt Nam năm nay?

Ông Đào Việt Ánh: Nhân Ngày BHYT Việt Nam, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân; truyền thông những chính sách, pháp luật BHYT mới ban hành; tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT.

Nội dung truyền thông hướng đến những kết quả, nỗ lực của Ngành BHXH, Ngành Y tế trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người tham gia BHYT. Những nỗ lực của Ngành BHXH trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử nhằm phục vụ người tham gia BHYT ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Ngành, BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí tăng cường thực hiện các tin, bài, phóng sự, tọa đàm,… tuyên truyền về BHYT. Phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền vận động tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng. Biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền: Tờ gấp “Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên”, “Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình”….

BHXH các tỉnh, thành phố cũng phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: Tọa đàm, đối thoại, tư vấn chính sách trực tiếp tại cơ sở, thực hiện các phóng sự, chuyên mục, tọa đàm, tin, bài… tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHYT; tổ chức treo các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày BHYT Việt Nam.

Đặc biệt, năm nay, BHXH Việt Nam tổ chức Chương trình “Tặng thẻ BHYT cho người có hoàn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo” với dự kiến hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho khoảng 2.400 đối tượng khó khăn tại 08 tỉnh, thành phố từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện Trung ương. Qua Chương trình, BHXH Việt Nam mong muốn toàn xã hội tăng cường nhận thức về tính nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT, cùng nhau quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông!


Thái Bình- Phạm Chính (thực hiện)
Ý kiến của bạn