Chung tay tìm nguồn nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem

17-08-2024 18:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian dài đồng bào nơi đây phải lấy nước từ suối - cũng là nơi người dân, gia súc tắm rửa, sinh hoạt. Chính quyền và bộ đội biên phòng tìm phương án cung cấp nước sạch để đảm bảo sức khỏe dân bản.

Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là xã biên giới nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hơn 58km đường biên giáp nước bạn Lào. Xã có 18 thôn, bản với 3.209 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) và A Rem (dân tộc Chứt). Tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm hơn 60%.

Chung tay tìm nguồn nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem- Ảnh 1.

Thượng Trạch là xã biên giới nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.


Là địa bàn miền núi cách trở, xa trung tâm, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác chăm lo đời sống nhân dân luôn được các đơn vị quan tâm. Từ những thiếu thốn về điện, đường, trường, trạm... nay dần đủ đầy.

Ở vùng biên giới Thượng Trạch, khe suối nhiều nhưng chỉ đầu hè đã cạn nước. Người dân phải đi xa hoặc dùng đá ngăn suối, tạo thành vũng để lấy nước sử dụng. Mùa mưa thì nước đục ngầu, suối chảy xiết rất nguy hiểm. Nguồn nước suối dân bản sử dụng có khi là nơi người tắm, gia súc đằm mình… vậy nên khó đảm bảo chất lượng. Trăn trở về vấn đề này, chính quyền địa phương, quân và dân vùng biên cùng chung tay tìm nguồn nước sạch.

Chung tay tìm nguồn nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem- Ảnh 2.

Nhiều bản xa, người dân vẫn có thói quen sử dụng nước suối đẻ sinh hoạt. Chất lượng nước khó đảm bảo khi đây là nơi người dân giặt giũ, tắm rửa và gia súc đằm mình.

Thượng tá Lê Xuân Hóa, Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cán bộ tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch cho biết, chính quyền phối hợp với các đơn vị khảo sát, tìm nguồn nước và dẫn nước về tận bản. Nước sạch từ thượng nguồn được dẫn về bản giảm thiểu tình trạng dùng chung nước với các loài vật, thuận tiện cho sinh hoạt của đồng bào.

Những bản vùng trung tâm xã với địa hình thuận lợi đã có nước sạch theo đường ống chảy về. Rồi đây những bản Nôồng Cũ, Nôồng Mới, bản Ban, bản Aky... cũng sẽ đón nguồn nước mát.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng góp tay trong việc đảm bảo nguồn nước cho dân bản. Già làng Hồ Đảng (trú xã Thượng Trạch) vẫn nhớ câu chuyện bộ đội giúp dân bản đào giếng khơi nhiều năm về trước.

Chung tay tìm nguồn nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem- Ảnh 3.

Bộ đội hỗ trợ dân bản khoan giếng tìm nước sạch.

Khi nghe tin bộ đội bàn cách đào giếng, các già làng và nhiều người không dám tin sẽ làm được vì bên triền núi cao toàn đá, đào được giếng phải mất nhiều công sức mà chưa chắc đã có nước.

"Bộ đội nói là làm, biết khó nhưng họ vẫn tìm nơi để đào giếng. Không may là đào chưa sâu thì gặp phải tảng đá lớn chắn ngang lòng giếng. Không có máy, bộ đội thay nhau dùng nỏ, búa đục từng mảnh đá. Tảng đá cứng dày cũng gần 4m bị đục thủng, nước ngầm phun lên ai cũng vui mừng", già làng Hồ Đảng cho biết.

Với những bản có địa hình hiểm trở, phương án đào giếng, dẫn nước suối về chưa khả thi, bộ đội biên phòng chọn khoan giếng. Việc khoan giếng ở vùng núi đá này thật không dễ, những máy khoan phải chật vật lắm mới đưa mũi qua lớp đá rắn chắc.

"Sau nhiều lần họp bàn với trưởng bản, nhân dân, bộ đội và đoàn thanh niên xã chọn được vị trí thích hợp để khoan giếng. Chúng tôi phải lên phương án tối ưu nhất để tiết kiệm chi phí, công sức, huy động các nguồn lực để tạo các giếng nước cố định, cải thiện đời sống dân bản", Thiếu tá Trương Tấn Hợp, Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết.

Chung tay tìm nguồn nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem- Ảnh 4.

Dân bản vui mừng khi có nguồn nước sạch sử dụng.

Giếng được khoan, bộ đội cùng thanh niên bản tiến hành lắp đặt máy phát điện, máy bơm, ống dẫn nước, xây bể chứa đảm bảo nguồn nước luôn được lưu thông. Hiện có 9 công trình nước sạch được bộ đội cùng thanh niên xã Thượng Trạch thực hiện và phục vụ 8 bản, 1 điểm trường tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên điểm trường tiểu học bản Coóc chia sẻ, khi chưa có giếng, cô trò phải vất vả gánh từng xô nước từ suối về trường để sử dụng. Có nguồn nước giếng khoan, cô trò an tâm hơn về chất lượng nước và hăng hái tăng gia trong khuôn viên.

Chung tay tìm nguồn nước sạch cho đồng bào Ma Coong, A Rem- Ảnh 5.

Đời sống nhân dân vùng biên ngày càng được nâng cao.

Với nguồn nước sạch, người dân thuận lợi hơn trong việc sản xuất và sinh hoạt. Y tế địa phương ít tiếp nhận những trường hợp ốm, đau liên quan đến chất lượng nguồn nước. Những bản làng vùng biên đang dần đổi mới nhờ sự chung tay của chính quyền cùng các đơn vị, đoàn thể.

Bác sĩ người Chứt và hành trình cùng bà con vùng biên xóa hủ tụcBác sĩ người Chứt và hành trình cùng bà con vùng biên xóa hủ tục

SKĐS - Bác sĩ Tiêm luôn có một tâm niệm giúp bà con xóa bỏ dần các hủ tục trong đời sống và hiểu rõ hơn về các phương pháp chữa bệnh bằng cách "mưa dầm thấm lâu". Nhiều năm nay, con đường dẫn đến trạm y tế xã dần quen thuộc với bà con các bản gần xa.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn