Hà Nội

Chung tay nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS ở Khánh Hòa

30-11-2021 08:07 | Y tế
google news

Trong những năm qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, chính quyền và nhân dân ở Khánh Hòa trong phòng, chống HIV/AIDS có sự thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến. Sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt.

Không phân biệt, kỳ thị

Nhiều người nhiễm HIV đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, các nhân viên y tế ngay từ tuyến cơ sở đã tận tình hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV xóa bỏ mặc cảm, điều trị đúng phác đồ để ổn định đời sống. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV còn tham gia tuyên truyền nâng cao ý thức cho những người có nguy cơ.

Anh Nguyễn Văn Duy, từng nhiều năm làm tuyên truyền, giúp đỡ các đối tượng nguy cơ nhiễm HIV cho biết: Người nhiễm HIV hãy xóa bỏ mặc cảm. Đó là căn bệnh có thể phòng, chống được. Tuy nhiên khi không may mắc phải thì cộng đồng cần sẻ chia với người nhiễm để động viên giúp họ không mặc cảm. Từ đó họ nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, người xung quanh. Thực tế ở Khánh Hòa việc phân biệt, kỳ thị người nhiễm HIV dường như đã được xóa bỏ. Bên cạnh đó thì duy trì điều trị bằng thuốc được tiến hành cấp phát đủ, thường xuyên.


Chung tay nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS  ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Trong suốt thời gian qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa luôn chú trọng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tính đến quý 3 năm 2021, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.636 trường hợp. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/9/2021 là 1.285; 1.351 trường hợp đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,21% dân số (2.636 ca HIV/AIDS so với dân số 1.246.420).

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 86,3%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Vậy nên công tác bao phủ thuốc ARV trong điều trị là mục tiêu quan trọng.

BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: PrEP được triển khai mạnh tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019. Đến nay đã mở rộng bao phủ đến các huyện/thành phố trong tỉnh này như: Cam Ranh, Ninh Hòa…Nhiều người nhiễm HIV tiếp cận điều trị bằng thuốc sức khỏe và đời sống đều ổn định. Phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của các bệnh nhân đều cho kết quả khả quan. Chính vì thế, thuốc ngày càng được nhiều người lựa chọn. Độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng rộng. Hầu hết các nhóm yếu thế và người có nhu cầu đều được tư vấn, tiếp cận và sử dụng.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng PrEP chia sẻ: Để tiếp cận điều trị rất dễ dàng. Liên hệ ngay từ tuyến xã đã được hướng dẫn tận tình. Từ đó củng cố thêm niềm tin cho người bệnh. Ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 thì thuốc ARV cũng luôn được cấp đủ.

Vì là thuốc kê đơn theo chỉ định của thầy thuốc nên hiện nay thuốc không bán tự do mà người có nhu cầu sử dụng PrEP cần phải đến các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được các bác sĩ khám, tư vấn, xét nghiệm, chỉ định điều trị và được, hướng dẫn sử dụng.

Người đồng giới hãy cẩn trọng với HIV/AIDS

Một trong những nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa đó là quan hệ đồng giới. Một tình nguyện viên tuyên truyền phòng chống HIV ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhìn nhận: Là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển năng động, nhất là lĩnh vực du lịch nên kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển. Chúng tôi đã mở rộng tuyên truyền đến tận các cơ sở, các tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tuy nhiên, người đồng giới rất ngại tiếp xúc với các tuyên truyền viên, khi họ đã cặp với nhau thì chỉ muốn tìm không gian riêng cho mình hoặc xúc tiếp với những người có cùng sở thích tâm sinh lý như họ. Có người đồng giới cùng lúc quan hệ với 2-3 người. Đó cũng là rào cản lớn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm trong các đối tượng này. Từ đó, kỹ năng truyền thông phòng, tránh nhiễm HIV trong người đồng giới được nâng cao, đổi mới liên tục. Công tác tư vấn, hướng dẫn các nhóm, cặp đồng giới được triển khai tích cực để kịp thời phát hiện người nhiễm HIV động viên, khích lệ họ đi xét nghiệm. Bên cạnh đó các dịch vụ y tế trong điều trị HIV cũng không ngừng được nâng cao, thích ứng với hầu hết các nhóm đối tượng. Giúp từng nhóm đối tượng hiểu rõ về căn bệnh HIV/AIDS.

Cùng với việc cởi bỏ mặc cảm, người đồng tính cần bảo vệ an toàn cho mình và bạn tình khi sử dụng đầy đủ các biện pháp, dụng cụ phòng ngừa như: Dùng bao cao su, không tiêm chích ma túy, không quan hệ bữa bãi khi phát hiện nhiễm HIV…Các bậc phụ huynh, người thân khi có con em đồng giới nhiễm HIV nên động viên điều trị bằng thuốc ARV ngay từ đầu, xem người nhiễm là bệnh nhân đặc biệt để chăm sóc chu đáo, tránh kỳ thị.


Chung tay nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS  ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Người có nguy cơ nhiễm HIV hãy đi xét nghiệm sớm để được tư vấn, điều trị

Nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới, anh C (Cam Ranh) lúc đầu cũng tự ti không dám quay về nhà, càng lang bạt sức khỏe càng suy kiệt. Nhiều lần muốn buông xuôi cho đến khi được nhân viên y tế, tình nguyện viên tư vấn, hướng dẫn điều trị bằng thuốc thì giờ đây đã ổn định trở lại. Anh thấy tự tin hơn để vươn lên trong cuộc sống.

Có thể nói, đa số các nhóm nguy cơ ở Khánh Hòa cơ bản đã hiểu rõ cách thức lây lan của HIV/AIDS cũng như phương thức, tác dụng của điều trị sớm để ổn định sức khỏe cho mình cũng như tránh lây nhiễm cho người thân.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả, trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.  Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng can thiệp cho nhóm đối tượng nguy cơ. Bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Nhiều năm vật lộn với bệnh HIV/AIDS do bị lây từ người thân, chị H.T.T bộc bạch: Có rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV là nạn nhân hoặc do công việc mà họ bị nhiễm bệnh, có những trường hợp người phụ nữ bị chồng mắc bệnh truyền sang, rồi đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ...Do vậy, rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ để họ tránh cái nhìn cực đoan về cuộc sống và quan trọng hơn là giúp họ đẩy lùi bệnh tật và tuyệt vọng. Mặt khác, nhận thức được thông tin đầy đủ về căn bệnh này, họ sẽ là tuyên truyền viên đắc lực về phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng, qua đó cũng giúp họ sống có ý nghĩa, tự tin và vui vẻ hơn.

Được điều trị chu đáo, cải thiện sức khỏe là niềm vui chung của tất cả bệnh nhân có HIV. Họ được hòa nhập cộng đồng, sinh sống và làm việc như tất cả mọi người. Niềm vui còn được nhân lên gấp bội khi rất nhiều bệnh nhân mang trong mình HIV đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh, âm tính hoàn toàn với HIV.

                                                                                          

 


Đ.Hưng
Ý kiến của bạn