Chung tay chống dịch

11-04-2016 08:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch do virut Zika có thể gây ra chứng bệnh teo não ở trẻ nhỏ đang khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt là sau khi Bộ Y tế công bố 2 trường hợp dương tính với loại virut này tại nước ta. Dịch bệnh này hết sức nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa nếu diệt sạch muỗi - vật chủ trung gian truyền bệnh. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu này cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và hợp tác từ cộng đồng.

Cho đến nay, muỗi truyền bệnh do virut Zika cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hiện đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam. Trong năm 2015, dịch sốt xuất huyết bùng phát và chưa có dấu hiệu giảm vào những tháng đầu năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết khó khống chế là do bộ phận lớn người dân chưa có ý thức tự tiến hành diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Tại TP.HCM đã chính thức có bệnh nhân mắc bệnh do virut Zika. Tuy nhiên trước đó, có nhiều hộ dân thờ ơ với việc phòng chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng phun thuốc, nhiều gia đình không đồng ý trong khi có rất nhiều chai, lọ, lu đựng nước tưới cây, đây là môi trường ưa thích của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, cũng là muỗi truyền bệnh do virut Zika. Thậm chí tại quận 10, có khoảng 40 - 50% gia đình không hợp tác phun thuốc, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.

Tại Hà Nội, mặc dù thành phố chưa phát hiện bệnh nhân nhiễm virut Zika, nhưng với thời tiết giao mùa nóng ẩm hiện nay là điều kiện thuận lợi để loại muỗi này sinh sôi. Năm nào lực lượng cán bộ nhân viên y tế cũng đi tuyên truyền về sự nguy hiểm của muỗi, nhắc nhở giữ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nhưng nhận thức của người dân về dịch bệnh còn rất hạn chế.

Đơn cử như tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, với gần 30 nghìn dân cư đang sinh sống, trong đó số dân cư di biến động lên tới 10 nghìn người. Cùng với làng nghề thu mua phế liệu, nơi đây thường xuyên trở thành điểm nóng của dịch sốt xuất huyết. Mỗi cộng tác viên y tế được giao phụ trách tuyên truyền, nhắc nhở hơn 100 hộ dân cư, trong đó có rất nhiều hộ kinh doanh cho thuê phòng trọ. Mục tiêu của chiến dịch là vận động trên 90% hộ gia đình tự giác dọn dẹp nhà cửa, diệt 100% bọ gậy ngoài môi trường, sau đó mới tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là hết sức khó khăn vì không ít hộ dân không hợp tác với cán bộ y tế phun thuốc. Bên cạnh đó, do địa bàn dân cư đông, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ, sinh viên thường không có ở nhà nên việc tuyên truyền vận động cũng gặp khó khăn.

Chính vì thế, bên cạnh ý thức của người dân, trách nhiệm của nhân viên và cộng tác viên y tế thì vấn đề còn lại nằm ở sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Bởi vì khi chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt thì các chiến dịch diệt bọ gậy, diệt muỗi mới thu được kết quả cao, góp phần cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh.


Nguyễn Trường
Ý kiến của bạn