Hà Nội

Chúng ta sẽ không bao giờ quên thi sĩ tài hoa Hoàng Nhuận Cầm

24-04-2021 22:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Chúng ta sẽ không bao giờ quên ông, thi sĩ tài hoa, đặc sắc của một thời đại thi ca Việt” – lời điếu tại tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chiều 24/4 khiến đông đảo văn nghệ sĩ, bạn đọc rưng rưng.

Như Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, tác giả bài thơ nổi tiếng Chiếc lá đầu tiên đã đột ngột qua đời vào 16h30 phút ngày 19/4 tại nhà riêng. Tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội hôm nay (24/4), Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình đã tổ chức lễ tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm giản dị nhưng rất trang trọng.

Lễ tang nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có mặt đông đảo bạn bè là các văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức, bạn đọc yêu mến thơ ông. Đại diện Ban tổ chức lễ tang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã đọc điếu văn tiễn biệt Hoàng Nhuận Cầm về với đất mẹ.

Xin trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bài điếu tại tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm:

Kính thưa các quý  vị,

Hôm nay chúng ta cùng nhau ở đây để đưa tiễn một nhà thơ tài năng, một thi sĩ đích thực suốt đời tận tụy với thơ ca về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã rời bỏ chúng ta vào một chiều cuối xuân, trong một căn phòng nhỏ bề bộn sách cùng rất nhiều công việc và những dự định sáng tạo còn dang dở. Không ai nghĩ ông đã 70 tuổi và đang mang trong mình căn bệnh chết người – bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bởi mỗi lần gặp ông, ta luôn thấy ông trẻ trung, lạc quan, ngập tràn tinh thần thi ca với những câu thơ “thức đợi mặt trời” bất cứ lúc nào cũng có thể bùng cháy, cuốn ta vào cơn lốc thi ca bất tận.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ tại chương trình “Vừng ơi mở cửa” của cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội tháng 12/2018.  Ảnh: Hoa Quỳnh

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7.2.1952, quê ở làng khoa bảng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cha ông là nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng Hoàng Giác. Hẳn khi đặt tên con là Hoàng Nhuận Cầm, ông thầm kỳ vọng lớn lên con trai sẽ nối nghiệp cha đi theo đường âm nhạc. Nhưng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn có một người mẹ là con gái Hà Nội gốc, rất hay chữ. Bà có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc… Rất nhiều tình yêu thơ ca được sinh ra từ những người bà, người mẹ như vậy. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã lớn lên và trở thành thi sỹ trong tình yêu ấy.

Tốt nghiệp phổ thông, Hoàng Nhuận Cầm thi vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Đang học dở năm thứ nhất, năm 1971, ông xung phong lên đường nhập ngũ, vào Binh chủng Phòng không – Không quân, chiến đấu ở các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Chính giai đoạn này, những bài thơ nóng hổi viết từ chiến trường như Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt, Thư mùa thu, Anh bộ đội và tiếng nhạc la… đã lấp lánh một tài năng thi ca trong tâm hồn người lính trẻ đại diện cho thế hệ thanh niên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Tài năng ấy ngay lập tức được khẳng định bằng Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973, khi Hoàng Nhuận Cầm vừa bước qua tuổi 20.

Năm 1975, đất nước được thống nhất,  ông ra quân và quay lại trường Đại học Tổng hợp tiếp tục việc học bị chiến tranh làm gián đoạn. Thời gian này ông đã viết những bài thơ trong trẻo, say đắm như: Hò hẹn mãi,cuối cùng em cũng đến; Chiếc lá đầu tiên… Những bài thơ sáng tác trong giai đoạn này đã nhanh chóng vinh danh ông và ông đã trở thành thần tượng thơ của giới sinh viên, trở thành người truyền cảm hứng và tình yêu thi ca cho nhiều cây bút trẻ.

Tốt nghiệp đại học năm 1981, ông về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam. Từ đây, một khía cạnh khác trong tài năng đa dạng của ông phát lộ. Ông làm biên kịch, biên tập phim, diễn viên, nhà phê bình điện ảnh… Các kịch bản phim như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy…  của ông đã giành được những giải thưởng cao tại nhiều liên hoan phim trong nước.

Ông từng chia sẻ: “Mê thơ đến chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống”. Nhưng nhắc đến Hoàng Nhuận Cầm là người ta nói đến thơ ca và con người thi sỹ của ông. Bởi ông chính là một thi sĩ đích thực. Thơ của ông trước hết viết về đồng đội và hậu phương của những người lính trí thức, không một chút vấn vương lên đường ra trận, đi vào cõi chết như một lẽ sống khi Tổ quốc đang bị ngoại bang giày xéo.

Mẹ ơi – tóc bạc và mây trắng

Mặt đất bây giờ chắc đã xuân

Đêm ấy con vào Khu Vườn Cấm

Không hái táo – mà đi gỡ bom

Tròn tuổi ba mươi con chỉ biết

Đỏ mặt khi người ta nói hôn.

Chỉ mấy câu thơ da diết, đau đớn và kiêu hãnh ấy của ông đã đủ dựng lên cả một thế hệ những chàng trai đi vào mặt trận trong sáng và đẹp đẽ đến nhường nào. Những câu thơ ấy đã đủ dựng lên bức tượng đài của sự hiến dâng cho tổ quốc của những chàng trai trên xứ sở này trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Thơ ông viết về tình yêu trong trẻo, say đắm và mãnh liệt, đã làm rung động biết bao con tim nhiều thế hệ trẻ. Nhiều bài thơ của ông đã trở thành bản tình ca cho rất nhiều thế hệ thanh niên cho đến tận hôm nay. Càng về sau thơ ông càng đẹp sang trọng, có độ vang vọng, với những suy ngẫm sâu sa về thân phận con người. Với bản tính lạc quan của mình, thơ ông khi viết về cái chết thật thanh thản. Phải chăng ông đã giác ngộ được sự hữu hạn, mong manh của kiếp người, để luôn cháy hết mình cho thi ca, nghệ thuật.

Cuộc sống đời thường của ông có khá nhiều thăng trầm, ông trải qua 3 cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Ông có một con gái, ba con trai. Ông là một người cha tận tụy, quên mình, yêu thương con vô bờ bến. Một trong những tình yêu lớn ông truyền lại cho các con là tình yêu nghệ thuật.

Ông hết lòng chăm lo cho mọi người nhưng lại không biết chăm lo cho chính bản thân mình. Ông sống giản dị, tằn tiện, làm việc xả thân quên mình, dù biết mang trong người căn bệnh nguy hiểm

Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm, người đàn ông tuyệt vời Hoàng Nhuận Cầm đã vĩnh viễn rời xa chúng ta. Xin được nói về giây phút cuối cùng của ông. Hôm đó ông nhận lời đi giao lưu với một đơn vị công binh ở thành phố Ninh Bình. Nhưng thấy trong người mệt khác thường, ông xin hoãn không tham gia được nữa. 15 giờ 17 phút, ông nhắn tin cho con trai là mình không được khỏe, nhưng lại dặn con đừng lo lắng gì. Cuối giờ chiều, nhiều người gọi điện thoại vào máy của ông, chuông đổ nhưng ông không nghe máy. Khi con trai ông mở được cửa nhà thì thấy ông ngồi xếp bằng tròn trong tư thế kiết già, ra đi như một thiền sư. Phải chăng đó là lời chào thanh thản của ông gửi lại thế gian này.

Trong hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã được tặng những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012 cho lĩnh vực văn học; Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ “Xúc xắc mùa thu”; Giải Cánh Diều Vàng năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam cho kịch bản phim “Mùi cỏ cháy”; cùng nhiều giải thưởng tại các kỳ LHP Việt Nam…

Hôm nay có rất nhiều người thân, đồng nghiệp và bạn đọc ở đây buồn bã, tiếc thương đưa tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Và còn rất nhiều bạn đọc ở mọi miền đất nước, ở nhiều miền trên thế giới không trực tiếp đến được đây đã gửi lời chia biệt ông qua mạng xã hội. Xin ông hãy thanh thản lên đường vào cõi vĩnh hằng, nơi những người bạn tâm giao Vũ Đình Văn, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân… đang giang tay đón ông.

Có một bài thơ ông viết thay lời một người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ gỡ bom lại như một định nghĩa về sứ mệnh của một nhà thơ chân chính, như một bản tuyên ngôn của nhà thơ về lẽ sống:

Mẹ ơi! Trước lúc con vĩnh biệt

Con không kịp thấy chỗ con nằm

Con chỉ nhớ rằng sau tiếng nổ

Vẫn quỳ trước Mẹ, trước vầng trăng.

 

Một nhà thơ chân chính chỉ biết cúi đầu trước mẹ, trước tổ quốc và trước cái đẹp mà vầng trăng là một biểu tượng.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên ông, thi sĩ tài hoa, đặc sắc của một thời đại thi ca Việt.

Xin vĩnh biệt ông, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm yêu quý!


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn