Hà Nội

Chúng ta sắp hết kháng sinh?

01-01-2014 00:04 | Dược
google news

SKĐS - Có thể nói sự phát minh ra kháng sinh đã mở đầu cho một kỷ nguyên thịnh vượng của y học đối với các bệnh nhiễm khuẩn.

Có thể nói sự phát minh ra kháng sinh đã mở đầu cho một kỷ nguyên thịnh vượng của y học đối với các bệnh nhiễm khuẩn. Nhưng chưa trải qua sự thịnh vượng được bao lâu thì chúng ta lại đứng trước ngưỡng cửa cạn kiệt kháng sinh...

Vi khuẩn kháng lại thuốc như cơm bữa

Nhiễm khuẩn là căn bệnh đáng sợ nhất và hủy hoại nhiều nhất cuộc sống của con người. Nó là căn bệnh chủ yếu gây ra tử vong cho bệnh nhân ở các nước nghèo và là căn bệnh chiếm tỷ lệ lớn ở các nước đang phát triển và còn là căn bệnh đe dọa các nước đã phát triển. Kháng sinh là công cụ hữu hiệu và chuẩn xác nhất để tiêu diệt. Nhưng chúng ta đang sắp hết kháng sinh để dùng vì sự kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.

Việc tìm ra các kháng sinh mỗi ngày càng khó khăn.

Kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn không còn bị tiêu diệt với kháng sinh điều trị đó nữa. Mặc dù đã tăng liều lên tối đa hay đã sử dụng thuốc với phác đồ tấn công nhưng vi khuẩn vẫn tồn tại. Điều đó thực sự nguy hại vì không có thuốc nào ngoài kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn. Sự kháng lại đơn dòng kháng sinh (kháng một thuốc) đã nguy hiểm. Sự kháng đa dòng kháng sinh (kháng nhiều thuốc) còn nguy hiểm hơn. Vì có thể loại vi khuẩn đó là bất khả chiến bại.

Nếu cách đây gần 70 năm, kháng kháng sinh chỉ là một nguy cơ nhỏ nhoi thì nay đã diễn ra ào ạt trên nhiều dòng vi khuẩn khác nhau. Năm 1928, tìm ra kháng sinh đầu tiên là penicillin nhờ sự phát hiện của nhà vi sinh vật học Alexander Fleming. Nhưng đến năm 1947, 20 năm sau đó, người ta đã phát hiện dòng vi khuẩn kháng lại kháng sinh đầu tiên này. Sau đó, sự kháng đã xảy ra rất nhanh và tốc độ rất cao.

Năm 1947, chỉ một ca bệnh phát hiện ra kháng kháng sinh. Sau đó một vài năm thì phát hiện ra thêm nhiều ca bệnh khác cũng kháng lại kháng sinh và nay thì nó đã trở thành chuyện hay gặp. Năm 1947, dòng vi khuẩn tụ cầu mới chỉ kháng lại kháng sinh penicillin. Đến năm 1961, dòng vi khuẩn này đã kháng lại đa thuốc kháng sinh.

Tính trên toàn châu Âu, lục địa già nổi tiếng là vệ sinh sạch sẽ, tình trạng kháng kháng sinh cũng đã bùng nổ. Con số kháng kháng sinh đã chạm tới ngưỡng 25%, một con số đáng để giật mình với nghành dược tương lai. Báo cáo năm 2010 cho thấy, vi khuẩn E.coli có tỷ lệ kháng aminopenicillin từ 34-83% tùy vào quốc gia riêng lẻ. Năm 2010, lục địa này cũng chính thức tuyên bố đã xuất hiện sự kháng kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, một dòng kháng sinh tương đối mới, nổi tiếng là phổ rộng và khó kháng nhưng đã bị kháng.

Chủng vi khuẩn kháng kháng sinh thì tăng lên theo thời gian và không có dấu hiệu nào cho thấy chúng sẽ dừng lại. Ban đầu chỉ có một dòng vi khuẩn là tụ cầu kháng kháng sinh thì nay tình trạng kháng đã xảy ra với nhiều loại vi khuẩn khác nữa như liên cầu, phế cầu, E.coli, Klebsiella, Salmonella...

Ban đầu chỉ có penicillin bị kháng thì nay đã xuất hiện nhiều dòng kháng sinh khác bị kháng theo. Từ penicillin đến methicinin, oxacillin, erythromycin, clindamycin... thậm chí các kháng sinh phổ rộng và siêu mạnh như cephalosporin thế hệ 3 cũng đã bị kháng.

Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam thực sự đáng cảnh báo. Nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 1995, tỷ lệ phế cầu khuẩn kháng kháng sinh penicillin mới chỉ có 8%, nhưng đến giai đoạn 1999-2002, tỷ lệ này đã tăng lên chót vót 56%. Chưa là gì với erythromycin, tỷ lệ không dung nạp kháng sinh này còn đến mức đỉnh điểm 92,1%. Tức là gần như kháng sinh này không còn công dụng điều trị tại thành phố lớn nhất nước. Trong số 11 các quốc gia châu Á, Việt Nam đứng trong hàng ngũ các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Nghịch lý, tỷ lệ kháng lại xảy ra ở trẻ em thành phố và ngoại ô cao gấp 22 lần so với trẻ em vùng nông thôn.

Bào chế thuốc mới “như cà phê phin”

Để đối phó với tình trạng kháng lại kháng sinh, chúng ta cần nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp cốt lõi bảo vệ sức khỏe loài người đó là tìm ra kháng sinh mới. Nhưng nếu nhìn vào khả năng tiến lên của ngành dược thì có thể thấy, tốc độ thực chậm chạp và ì ạch.

Có thể ví von dễ hiểu thế này: nếu coi như sự kháng lại kháng sinh mạnh mẽ và ào ạt “như nước sông Đà” thì việc bào chế ra kháng sinh mới chỉ nhỏ giọt “như cà phê phin”.

Sẽ thực sự ngạc nhiên khi chúng ta đã bước sang thế kỷ 21, nhưng đa phần kháng sinh hiện nay đều là kháng sinh từ kỷ nguyên vàng 1940-1960, tức là đã cách đây trên 70 năm. Trong suốt gần 50 năm trở lại đây, chúng ta có quá ít thuốc mới và đa phần chỉ là các thuốc cũ. Có đúng thêm 2 dòng kháng sinh mới được tung ra thị trường là dòng kháng sinh oxazolidinone và lipopeptide vòng. Các công ty dược hầu như chỉ giậm chân tại chỗ. Các thuốc được gọi là mới chỉ loanh quanh ở điểm bổ sung thêm một chất mới thành một thuốc hỗn hợp (không làm thay đổi bản chất thuốc), thay đổi một vài nhóm chức hóa học (trên nền phân tử thuốc cũ), cải tiến kích thước phân tử (nhằm làm tăng tính khả dụng). Nhưng các nỗ lực này chỉ chứng tỏ sự hạn hẹp của bào chế, chạy lòng vòng xung quanh những gì chúng ta đã tìm ra mà không thấy sự xuất hiện các dòng thuốc mới.

Điều này cũng không có gì là khó hiểu. Ngành công nghiệp dược cũng là một ngành công nghiệp tồn tại vì lợi nhuận. Việc sản xuất ra một thuốc sẽ giúp công ty dược kiếm ra bộn tiền và thu về lợi ích siêu khủng. Nhưng nếu bỏ chi phí ra để nghiên cứu, tìm tòi, bào chế ra một loại kháng sinh khác thì thực quá đắt đỏ. Họ sẽ phải bỏ ra những khoản tiền khổng lồ cho việc lần mò thực nghiệm nhằm thăm dò loại kháng sinh mới. Tìm ra rồi, họ cần phải bỏ ra thêm một khoản tiền khổng lồ nữa để nhằm thử nghiệm sản xuất công nghiệp. Khi ra mẻ thuốc đầu tiên, họ phải bỏ ra tiếp một gia sản “hàng khủng” để thực nghiệm qua nhiều giai đoạn, chứng minh khả năng điều trị và tính an toàn trên bệnh nhân, sau đó mới được đăng ký lưu hành. Nếu việc tìm kiếm chất mới không tính vào công đoạn bào chế thì một thuốc mới ra đời sẽ ngốn khoảng 4-5 năm và số tiền thì không có con số cụ thể. Đương nhiên, các ông trùm dược học sẽ phải tính toán để bỏ ra chi phí ít nhất mà thu về lợi nhuận cao nhất.

Song cái khó của bài toán có lẽ không nằm chủ yếu ở vấn đề tiền bạc mà có lẽ nó nằm chủ yếu ở vấn đề khoa học và công nghệ. Hiện nay, chính khoa học dược học cũng đang “bí” hướng đi.

Thay cho lời kết, xin trích dẫn câu nói của BS. Arjun Srinivasan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ: Nếu không có biện pháp hữu hiệu, “chúng ta sẽ ở kỷ nguyên hậu kháng sinh” vì hết kháng sinh.      

BS. Châu Anh Tú

 


Ý kiến của bạn