Hà Nội

'Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở'

03-02-2025 07:00 | Y tế

SKĐS - "Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở, với động lực đổi mới mạnh mẽ hơn, phương pháp luận về kỹ thuật hoàn thiện hơn, và không gian huy động nguồn lực rộng lớn hơn...", PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) chia sẻ.

Năm qua, việc huy động tối đa các nguồn lực cho y tế cơ sở là một trong những sự kiện nổi bật của ngành y tế. Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, báo Sức khỏe và Đời sống đã trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) về những nội dung xoay quanh chủ đề y tế cơ sở - chăm sóc sức khỏe ban đầu, nơi cán bộ y tế gần gũi với dân, tận tâm phụng sự...

- Thưa bà, công tác y tế cơ sở (YTCS) đã và đang được ngành Y tế thúc đẩy mạnh mẽ trong năm vừa qua theo tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, phải chăng việc phát triển mạng lưới YTCS đã thực sự bước vào một chương mới?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Các chuyên gia y tế cho rằng sự thành công của quá trình đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các quốc gia phụ thuộc vào 3 yếu tố then chốt, đó là việc xây dựng và duy trì quyết tâm chính trị ở mức cao, năng lực thiết kế và triển khai thực hiện chương trình đổi mới toàn diện, và khả năng huy động nguồn lực tài chính một cách đầy đủ.

'Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở'- Ảnh 1.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng: Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở, với động lực đổi mới mạnh mẽ hơn, phương pháp luận về kỹ thuật hoàn thiện hơn, và không gian huy động nguồn lực rộng lớn hơn...

Tại Việt Nam, quá trình đổi mới mạng lưới YTCS đang được tăng tốc trong thời gian gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2023 với nhiều yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ.

Trước hết, chưa bao giờ Việt Nam có được cam kết chính trị và sự đồng thuận xã hội ở mức độ cao như vậy đối với công tác YTCS, cụ thể: ngày 25/10/2023, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; Ngày 05/4/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 281/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã thiết kế và đang tích cực triển khai thực hiện một chương trình đổi mới toàn diện đối với mạng lưới YTCS với tư duy hệ thống đặt sự phát triển mạng lưới YTCS trong sự liên kết chặt chẽ với hệ thống y tế chuyên sâu và dựa trên cơ sở tích hợp những xu hướng chuyển đổi toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như những đặc thù của hệ thống YTCS nước ta).

Ngoài ra, việc huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho mạng lưới YTCS đang được Chính phủ, các địa phương cũng như cộng đồng các nhà tài trợ hết sức quan tâm.

Như vậy, có thể nói chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới YTCS, với động lực đổi mới mạnh mẽ hơn, phương pháp luận về kỹ thuật hoàn thiện hơn, và không gian huy động nguồn lực rộng lớn hơn.

- Được biết ngành Y tế đã đạt được một số kết quả ban đầu trong nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới YTCS, dù Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư mới được triển khai thực hiện trong hơn một năm qua. Xin bà cho biết về những dấu hiệu tích cực ban đầu của quá trình phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Chúng ta cần hiểu rằng phát triển mạng lưới YTCS là một quá trình diễn tiến. Theo đó mạng lưới YTCS được đổi mới và tự hoàn thiện liên tục theo thời gian nhằm đáp ứng một cách tối ưu nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang có sự thay đổi nhanh chóng của cộng đồng dân cư, cũng như thích ứng một cách hiệu quả nhất với bối cảnh môi trường ngày càng có nhiều biến động.

'Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở'- Ảnh 2.

Khám sức khỏe cho người dân tại trạm y tế xã Phiềng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Thái Bình

Quá trình phát triển mạng lưới YTCS theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư, dù mới được triển khai thực hiện hơn một năm qua, nhưng đã cho thấy những kết quả ban đầu hết sức khả quan.

Trước hết, đó là sự lan tỏa quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất tới các địa phương. Đầu tư phát triển mạng lưới YTCS đã được các tỉnh đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và được tích hợp trong Quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 của địa phương mình.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư trọng điểm nhằm nâng cấp mạng lưới YTCS đang được ngành Y tế triển khai thực hiện một cách rất hiệu quả. Điển hình là Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, vốn được xem có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ những nỗ lực đổi mới mạng lưới YTCS của Ngành Y tế tại những địa phương khó khăn đã được Bộ Y tế và 13 tỉnh dự án triển khai thực hiện thành công (trên cả 3 bình diện kỹ thuật, tài chính và quản trị).

Kết quả đánh giá dự án đã cho thấy Dự án đã đạt được toàn bộ các mục tiêu phát triển trong khung thời gian đã cam kết, nhiều kết quả đạt được vượt mức kỳ vọng. Dự án cũng linh hoạt phát triển thêm một số hoạt động can thiệp mới, có tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Những kết quả đạt được này càng ấn tượng hơn, xét trong bối cảnh có nhiều thách thức tưởng như không vượt qua nổi trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là tác động rất nghiêm trọng, vượt ngoài mọi dự báo của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" là Dự án tốt nhất trong số các Dự án Y tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại Việt Nam.

Các can thiệp dự án đã và sẽ mang lại những lợi ích rất quan trọng cho cộng đồng dân cư cũng như hệ thống y tế tại 13 tỉnh dự án.

Theo đó cải thiện sự tiếp cận của người dân, đặc biệt các nhóm dân cư dễ bị tổn thương tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, có chất lượng với chi phí thấp qua đó góp phần cải thiện thực trạng sức khỏe người dân;

'Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở'- Ảnh 3.

Tiêm vaccine cho trẻ tại trạm y tế xã ở Tuyên Quang. Ảnh :Thái Bình

Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của Mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh dự án;

Nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế của các địa phương tham gia dự án, đặc biệt là tính tự chủ, khả năng điều phối và thực hiện đồng bộ các can thiệp cốt lõi;

Một số can thiệp mang tính sáng tạo của dự án còn có vai trò thử nghiệm thực địa, mở đường, gợi ý cho việc hoàn thiện khung chính sách đối với y tế cơ sở trong thời gian tới.

Ngoài ra, không gian hợp tác vì mục tiêu phát triển mạng lưới YTCS đang dần rộng mở theo hướng kiến tạo hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chương trình hợp tác giữa Bộ Y tế, đối tác phát triển quốc tế (Ngân hàng Thế giới) và khối tư nhân (Tập đoàn Norvatis) trong phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm đã phát huy hiệu quả rất cao trên thực địa.

Những dấu hiệu ban đầu rất tích cực này cho thấy quá trình phát triển mạng lưới YTCS của chúng ta đang đi đúng hướng, với động năng khởi phát tương đối ấn tượng. Điều này cho chúng ta hy vọng vào những bước phát triển mới của mạng lưới YTCS trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

'Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở'- Ảnh 4.

Đoàn công tác Bộ Y tế và đại diện Sở Y tế Quảng Trị trao đổi với người dân đến thăm khám tại trạm y tế xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Ảnh: Thái Bình

- Năm 2024 cũng là năm Ngành Y tế hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin bà cho biết thêm về dấu ấn quan trọng này trong việc định hình hệ thống Y tế trong tương lai?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Sự phát triển của hệ thống y tế cần đồng hành với quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Điều này có nghĩa sự phát triển của hệ thống y tế không chỉ theo kịp mà còn phải hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế. - xã hội trong những năm tới.

Quy hoạch Mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030 đã được Bộ Y tế xây dựng với tư duy vượt thời gian, như lời chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan "xây dựng Quy hoạch không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay mà quan trọng hơn, phải định hình hệ thống y tế cho cả tương lai".

'Chúng ta đã bước vào một chương mới trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở'- Ảnh 5.

Đây là một trong những trạm y tế xã được xây mới khang trang đẹp đẽ từ nguồn vốn của Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở". Ảnh: Thái Bình

Quy hoạch định hướng sự phát triển của mạng lưới cơ sở y tế hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thông qua: Nâng cao năng lực của từng cấp độ chăm sóc sức khỏe và đảm bảo sự tương tác, kết nối hiệu quả giữa các cấp độ chăm sóc (chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cơ bản và chăm sóc chuyên sâu); Nâng cao năng lực đảm bảo an ninh y tế và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế trước những tình huống khẩn cấp về y tế công cộng; Mở rộng diện bao phủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các dịch vụ y tế chuyên sâu; Phát triển tiệm cận trình độ các quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến ở khu vực Châu Á – Thái bình dương.

Qua đó, đảm bảo hệ thống y tế đóng vai trò là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội, là lá chắn tin cậy đảm bảo an ninh y tế và là ngành dịch vụ đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Quy hoạch cũng xác định các chỉ tiêu phấn đấu rất cao về quy mô giường bệnh và nhân lực y tế chủ chốt, theo đó tới năm 2050 các chỉ số này của Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu (các nước thuộc Tổ chức OECD).

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng!

Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang nỗ lực mở rộng hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sởBộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đang nỗ lực mở rộng hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở

SKĐS - Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" là minh chứng cho nỗ lực hợp tác quốc tế cùng hướng tới tầm nhìn và mục tiêu chung là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, mang lại những lợi ích quan trọng cho hệ thống y tế...

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: "Xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia cho y tế cơ sở là hết sức cần thiết"Bộ trưởng Đào Hồng Lan: 'Xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia cho y tế cơ sở là hết sức cần thiết'

SKĐS - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm lĩnh vực y tế chiều 11/11, nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Thái Bình (thực hiện)
Ý kiến của bạn