Chứng ngạt mũi dùng thuốc thế nào?

02-11-2016 13:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết đang chuyển dần sang khí hậu lạnh và khô, mùa của những căn bệnh về mũi. Đặc biệt, đối với những người thường bị viêm mũi...

Thời tiết đang chuyển dần sang khí hậu lạnh và khô, mùa của những căn bệnh về mũi. Đặc biệt, đối với những người thường bị viêm mũi, viêm xoang thì bệnh tình càng thêm nặng với các biểu hiện khó chịu như ngạt mũi, tắc mũi. Tuy nhiên, những biểu hiện này sẽ được cải thiện nếu người bệnh biết cách dùng thuốc hợp lý, đúng cách.

Ngạt tắc mũi ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, chính vì thế mà đây thường là phàn nàn của người bệnh khi đi khám. Thuốc điều trị ngạt tắc mũi thường được chia làm hai nhóm là đường uống và dùng tại chỗ.

Thuốc đường uống

Thuốc thường dùng là thuốc chống dị ứng. Loại thuốc thường được dùng hiện nay là levocetirizine. Thuốc được chỉ định trong điều trị các trường hợp dị ứng gây ngạt mũi (viêm mũi dị ứng theo mùa hay không theo mùa). Thuốc được uống 1 lần duy nhất trong ngày, có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn. Đối với người cao tuổi, người bị suy thận thì việc sử dụng thuốc cần chú ý điều chỉnh dựa theo tình trạng và mức độ suy thận, chủ yếu là giảm so với liều thông thường do chức năng thận bị suy giảm. Những trường hợp có vấn đề di truyền về không dung nạp galactose, suy giảm men lactase hoặc giảm hấp thu glucose-galactose cần thận trọng khi dùng thuốc. Tốt nhất là tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây khô miệng, suy nhược, mệt mỏi, đau nửa đầu, viêm mũi, viêm hầu họng, mất ngủ, đau bụng...

Ngạt mũi thường xảy ra khi khí hậu lạnh và khô.

Thuốc dùng tại chỗ

Đối với ngạt mũi, thuốc tại chỗ thường dùng nhóm co mạch. Thuốc được dùng là xylometazoline hydrochloride và naphazoline. Xylometazoline hydrochloride là thuốc có tác dụng co mạch, chống sung huyết ở niêm mạc mũi và hầu họng. Khi dùng, thuốc gây tác dụng nhanh trong vòng vài phút và duy trì trong nhiều giờ, được dung nạp tốt, ngay cả khi các niêm mạc dễ nhạy cảm, thuốc vẫn không gây cản trở chức năng của biểu mô của tiêm mao. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng thuốc co mạch này, những trường hợp cắt tuyến yên qua đường xương bướm (hay sau các phẫu thuật bộc lộ màng cứng qua đường miệng hoặc mũi). Những người có phản ứng giao cảm quá mức, thể hiện qua việc mất ngủ, chóng mặt... thì cần thận trọng khi sử dụng. Hiện tại, thuốc được bào chế dưới dạng nhỏ mũi, xịt mũi với hai nồng độ là 0,05% và 0,1%, khi có chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần xem xét kỹ nồng độ cho phù hợp với đối tượng sử dụng là trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ hay người lớn.

Cuốn mũi phù nề gây ngạt, tắc mũi.

Đối với nhiều người, naphazolin được coi như “thần dược” chữa ngạt mũi vì khi dùng, thuốc sẽ làm co các cơ thắt của các mao mạch, động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang (làm co mạch) đẩy máu đi nơi khác làm cho hốc mũi rộng (mũi hết ngạt và dễ thở). Nhưng sau đó người bệnh cũng có thể bị sung huyết (ngạt mũi) trở lại khiến người bệnh phải dùng lại thuốc. Khi dùng thuốc kéo dài và lặp lại nhiều lần sẽ xảy ra hiện tượng giãn mạch thứ phát, nếu tiếp tục dùng nữa tình trạng giãn mạch sẽ trở nên thường xuyên hơn. Cuốn mũi sẽ phù nề và mức độ ngạt mũi của bệnh nhân sẽ tăng lên. Do thuốc làm thông mũi nhanh ở những người bị ngạt mũi nên dễ bị lạm dụng, nhiều trường hợp dùng không đúng đã bị lệ thuộc thuốc, viêm mũi do thuốc, thậm chí ngộ độc thuốc với các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, thần kinh bứt rứt, run rẩy, lơ mơ... Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 3 ngày không đỡ, người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ.

Ngoài ra, để giảm hiện tượng ngạt mũi có thể sử dụng corticoid tại chỗ nhưng liều lượng và thời gian sử dụng phải được bác sĩ chỉ định để tránh những biến chứng nguy hiểm do thuốc như tăng huyết áp, rối loạn điện giải. Việc sử dụng dung dịch vệ sinh mũi như nước biển sâu, nước biển nhân tạo (nước muối biển hoặc công thức nước biển), nước muối... không được khuyến khích.


TS. Phạm Bích Đào
Ý kiến của bạn