Cách nhận biết
Loạn trương lực cơ (Dystonia) là một hội chứng co thắt cơ liên tục, thường gây các cử động xoắn vặn và lặp đi lặp lại, hoặc các dáng điệu bất thường. Những biểu hiện thường gặp là chân tay bệnh nhân bị quấn cuộn, vẹo cổ, co giật mi mắt, cuống họng bị thắt chặt (không nói được) hay chứng chuột rút...
Đối với loạn trương lực cơ cấp là động tác bất thường hoặc cơn co cứng của các cơ vùng đầu, cổ, các chi hoặc thân mình, xuất hiện trong vòng vài ngày sau bắt đầu dùng hoặc sau khi tăng liều thuốc an thần kinh. Hội chứng này gặp ở khoảng 2% số bệnh nhân dùng thuốc an thần kinh. Cơ chế sinh lý bệnh chưa rõ, giả thiết là có sự thay đổi về nồng độ thuốc an thần kinh, gây ra các thay đổi nội môi ở các nhân xám đáy não là nguyên nhân chính gây ra loạn trương lực cơ cấp.
Loạn trương lực cơ không đe dọa mạng sống nhưng gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Khi bắt đầu mắc chứng bệnh này, người bệnh thường cảm thấy bị cô lập, mặc cảm hoặc sợ hãi, sau đó bỏ việc... Do hình dạng bị co quắp, không dám giao tiếp, mất cả việc làm nên bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề. Căng thẳng hoặc mệt mỏi có thể gây ra các triệu chứng hoặc khiến chúng trầm trọng hơn. Những người mắc chứng rối loạn trương lực thường đau đớn và mệt mỏi do co thắt cơ liên tục.
Những bệnh nhân mắc chứng vẹo cổ co thắt luôn cảm thấy rất đau khi lo lắng hay cố gắng xoay đầu. Chứng co cứng cơ chi trên hay còn gọi là chứng “vọp bẻ nhà văn” thì gây run tay khi viết, thường xảy ra ở tay thuận. Đây là một kiểu của loạn trương lực cơ nghề nghiệp.
Biểu hiện của bệnh là các cơn co cứng của các cơ vùng đầu cổ.
Điều trị như thế nào?
Cho đến nay, chưa có phương pháp điều trị chữa khỏi chứng loạn trương lực. Bước đầu tiên để điều trị thành công loạn trương lực là phải xác định được nguyên nhân. Khi điều trị được nguyên nhân sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh. Ngoài việc điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng loạn trương lực sẽ hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh nhân, làm thuyên giảm sự tàn phế và tăng cường chất lượng sống của người bệnh (kể cả vô căn hoặc có nguyên nhân). Các phương pháp điều trị hiện nay gồm:
Thuốc uống: Một số thuốc uống có thể có hiệu quả ở bệnh nhân loạn trương lực như trihexyphenidyl, levodopa, thuốc đồng vận dopamin, baclofen, clonazepam... Tuy nhiên, hiệu quả thường thấp và tùy theo từng bệnh nhân cụ thể. Các thuốc này thường có tác dụng phụ nên khi điều trị cần có sự theo dõi kỹ của các bác sĩ.
Phẫu thuật: Được chỉ định cho những trường hợp nặng không đáp ứng với điều trị thuốc. Các loại phẫu thuật có liên quan gồm cắt cơ bị ảnh hưởng, cắt dây thần kinh, phẫu thuật đốt nhân não hoặc kích thích não sâu. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu đã được ứng dụng thành công trong điều trị một số trường hợp loạn trương lực toàn thể không đáp ứng với thuốc.
Ngoài ra, độc tố botulinum là một chất độc thần kinh mạnh sản xuất bởi vi khuẩn Botulinum Clostridium, gây yếu cơ khu trú. Tiêm độc tố botulinum có lợi cho khoảng 50-85% bệnh nhân bị loạn trương lực cơ cổ và co giật nửa mặt. Nó cũng được xem như là lựa chọn điều trị cho rối loạn phát âm dạng co thắt (ví dụ, loạn trương lực cơ thanh quản), loạn trương lực cơ chân tay, và loạn trương lực cơ lưỡi- miệng- hàm (oromandibular dystonia).