Hà Nội

Chứng khóc đêm ở trẻ: Khi nào là bất thường?

17-07-2022 16:41 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Khóc đêm thường gặp ở trẻ nhỏ, điều này khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Đây có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường, nhưng nếu kéo dài thì các cha mẹ không nên chủ quan, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình phát triển của trẻ.

Trẻ khóc đêm và cách khắc phụcTrẻ khóc đêm và cách khắc phục

SKĐS - Khóc đêm ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân, ở mỗi tháng tuổi lại có nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân gây khóc đêm là do thiếu canxi, thiếu kẽm, magie...

Khóc đêm ở trẻ khi nào là bất thường và nguyên nhân nào gây lên tình trạng này.

Khóc đêm của trẻ thế nào là bình thường?

Trường hợp trẻ khóc đêm là một biểu hiện sinh lý bình thường, ở trẻ sơ sinh được dân gian gọi là khóc dạ đề. Mỗi đêm, trẻ thường có biểu hiện như trăn trở, khó chịu, quấy khóc không ngủ hoặc cũng có thể giật mình thường xuyên trong lúc ngủ rồi khóc thét,...

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, chứng khóc dạ đề xuất hiện ở trẻ sơ sinh cho đến 3 tháng tuổi, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác hay phương pháp điều trị cụ thể nào. Sau khi trẻ đủ 3 tháng tuổi thì sẽ tự ngừng khóc mà không cần bất kỳ một phương thức điều trị nào.

Hiện nay, có khoảng 30% trẻ trong độ tuổi từ 1 tuần đến 3 tháng tuổi mắc chứng khóc dạ đề. Dù phổ biến nhưng đây vẫn là một bí ẩn đối với nền y học, vì chưa thể nào lý giải được vì sao trẻ hay khóc đêm.

Nếu trẻ hay khóc đêm hoặc khóc dạ đề liên tục và kéo dài, không chỉ có những tác động tiêu cực đến cơ thể trẻ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cha mẹ, vì phải thường xuyên thức đêm và lo lắng cho tình trạng của con.

Đối trẻ lớn hơn thì khóc đêm có thể do các nguyên nhân như: Tiếng ồn, nhất là âm thanh bất ngờ sẽ làm trẻ giật mình, tỉnh giấc rồi quấy khóc. Hoặc trẻ thường quen với "hơi" của những người thân cận. Các mẹ thường ôm con ngủ, để trẻ ngủ trong lòng. Thay đổi tư thế hoặc mẹ rời đi sẽ khiến trẻ bất an, giật mình. Khi đó trẻ thường thức giấc và khóc. Mẹ nên nhanh chóng vỗ về, tạo cảm giác an toàn cho trẻ, để trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Ngoài ra, khi trẻ khóc đêm thường có những khó chịu trong người, có thể bị đói, trẻ sẽ thức giấc và quấy khóc đòi ăn. Hoặc trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày sẽ giảm thời gian ngủ vào ban đêm. Một số mẹ cho trẻ ngủ quá sớm vào giờ tối thì trẻ hay thức giấc và khóc đêm. Do đó, để hạn chế trẻ dậy khóc đêm, mẹ nên cho con ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý. Cho trẻ ăn no, không ngủ ngay sau khi ăn vì gây khó tiêu. Tránh để trẻ ngủ ngày quá nhiều. Tạo thói quen giấc ngủ đều đặn ban đêm cho trẻ.

Chứng khóc đêm ở trẻ: Khi nào là bất thường? - Ảnh 3.

Khóc đêm thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Khi nào khóc đêm của trẻ là bất thường?

Các bậc cha mẹ có con nhỏ khóc về đêm thường xuyên, trong thời gian dài, thì cần đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ. Có thể trẻ khóc do cơ thể có những bất thường sinh lý, hoặc có thể do một bệnh lý nào đó.

- Thiếu vi chất khiến trẻ hay khóc đêm

Vi chất rất cần cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Thiếu vi chất là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, mệt mỏi, biếng ăn. Sức khỏe không đảm bảo làm trẻ trằn trọc, ngủ không ngon. Giấc ngủ chập chờn làm trẻ khó chịu và hay khóc đêm hơn. Các vi chất ảnh hưởng trực tiếp đến việc trẻ hay khóc đêm như: Canxi, kẽm, vitamin D…

Thiếu canxi làm chậm dẫn truyền thần kinh trung ương, ức chế giấc ngủ sâu khiến trẻ giật mình và quấy khóc. Những trẻ thiếu kẽm thường có giấc ngủ thất thường, hay trở mình thức giấc vào ban đêm. Đây là một nguyên nhân lý giải vì sao trẻ thiếu kẽm thường hay khóc đêm.

- Nghẹt mũi

Trẻ nhỏ là đối tượng hay mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, nên thường xuyên bị nghẹt mũi. Trẻ thở bằng miệng, gây khô họng dẫn đến ho. Ho khan gây khó chịu làm trẻ quấy khóc. Nếu thường xuyên giữ ẩm và làm sạch khoang mũi mà tình trạng khóc vẫn không cải thiện, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị các bệnh lý mũi họng cho trẻ.

- Mọc răng

Bắt đầu từ 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng. Mọc răng gây đau nướu, đôi khi còn gây sốt. Trẻ hay khóc đêm vì đau, khó chịu. Kiểm tra thân nhiệt cho trẻ, lúc này cần chườm lạnh để giảm cảm giác đau. Cách này tuy mất nhiều thời gian và vất vả nhưng lại giúp trẻ bớt đau, ngủ sâu hơn và không quấy khóc. Cha mẹ không cần quá lo lắng, vì tình trạng này sẽ giảm dần nếu răng nhú ra ngoài.

Chứng khóc đêm ở trẻ: Khi nào là bất thường? - Ảnh 4.

Khi trẻ khóc đêm nhiều, cha mẹ cần bình tĩnh để tìm rõ nguyên nhân khiến trẻ hay khóc. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ khóc đêm?

Trẻ khóc đêm nhiều khiến bố mẹ trẻ lo lắng, mệt mỏi, mất ngủ vì chăm con. Thế nên việc tìm hiểu trẻ khóc đêm có bình thường hay không là điều mà bố mẹ nào cũng nên làm.

Trước hết, khi trẻ khóc đêm nhiều, cha mẹ cần bình tĩnh để tìm rõ nguyên nhân khiến trẻ hay khóc. Kiểm tra tã, nhiệt độ phòng, chăn gối của con... Cần xử trí ngay những nguyên nhân tác động từ bên ngoài. Nếu không tìm ra nguyên nhân từ trong nhà thì cần đưa trẻ đi khám khi thấy con khóc đêm bất thường. Khám y tế sẽ giúp xác định đúng nguyên nhân xem trẻ có bệnh lý nào hay không, để có hướng khắc phục triệt để.

Nếu trẻ ngủ ban ngày quá nhiều thì đêm sẽ không ngủ ngon và sâu giấc. Do vậy, cha mẹ nên rèn cho trẻ ngay từ thuở sơ sinh thói quen ăn ngủ đúng giờ, kích hoạt đồng hồ sinh học trong cơ thể trẻ từ khi lọt lòng. Ngủ đúng giờ giúp trẻ ngủ ngoan hơn và bố mẹ cũng nhàn hơn khi chăm con.

Cần đặc biệt lưu ý đến chỗ ngủ của con. Chăn tã phải sạch sẽ, môi trường sống xung quanh thoáng đãng, ấm áp nhưng không quá nóng. Đây là điều kiện cần thiết để trẻ được lớn lên phát triển khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Hoàng Thị Thúy
Ý kiến của bạn