Hà Nội

Chứng khó tiêu chức năng và chế độ ăn uống

18-09-2014 14:14 | Y học 360
google news

SKĐS - Thực tế với những khó chịu ở vùng bụng trên rốn liên quan đến ăn uống cũng đủ để xác định bị chứng khó tiêu nhưng để chẩn đoán là khó tiêu chức năng thì cần phải khám xét kỹ càng để loại bỏ những tổn thương thực thể.

Hỏi: Tôi hay bị rối loạn tiêu hóa, cụ thể là ăn vào hay bị đầy bụng và chậm tiêu, đi khám bệnh và được nội soi thì bảo dạ dày bình thường. Bác sĩ chẩn đoán là chứng khó tiêu chức năng, xin cho biết chế độ ăn nào thích hợp?

(Nguyễn Thị Thu Hà - Bến Tre)

Trả lời: Thực tế với những khó chịu ở vùng bụng trên rốn liên quan đến ăn uống cũng đủ để xác định bị chứng khó tiêu nhưng để chẩn đoán là khó tiêu chức năng thì cần phải khám xét kỹ càng để loại bỏ những tổn thương thực thể. Khi đến cơ sở y tế để khám bệnh, thầy thuốc sẽ quan tâm đến một số vấn đề: khó chịu hay đau bụng vùng dạ dày diễn ra âm ỉ và có xấu đi ở thời điểm đói bụng không, việc bị đau bụng có nặng hơn ở một tư thế nào đó không hoặc khi ấn vào vùng nào đó trên bụng, người bệnh có uống thuốc giảm đau như: aspirin, ibuprofen trước đó hoặc có bị loét dạ dày trước đây, có sụt cân nhiều hoặc bị nuốt khó…

Rối loạn tiêu hóa. Ảnh minh họa: internet
Rối loạn tiêu hóa. Ảnh minh họa: internet

Hiện nay, những người đến khám với triệu chứng khó tiêu đều được yêu cầu làm xét nghiệm HP dạ dày và nội soi đường tiêu hóa trên. Như đã nói chứng khó tiêu chức năng thường không xác định được nguyên nhân nên chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu người bệnh có vấn đề về thần kinh thì được khuyến cáo chữa trị các rối loạn thần kinh trước. Chế độ ăn uống trong chứng khó tiêu rất quan trọng, nhiều người đã cải thiện đáng kể tình hình khi thay đổi một chế độ ăn thích hợp, chẳng hạn: hạn chế ăn thức ăn nhiều mỡ (chất mỡ gây nặng thêm tình trạng chậm làm trống dạ dày), ăn ít và chia ra nhiều bữa nhỏ, ăn uống đúng bữa. Thay vì ăn 3 bữa chính thì chia ra 5 - 6 bữa nhỏ, các nhóm thuốc giảm tiết acid dạ dày cũng được sử dụng cho bệnh nhân và nhiều trường hợp có kết quả tốt, không dùng các thuốc giảm đau nhóm aspirin, kháng viêm không steroid (nếu dùng phải có chỉ định của bác sĩ).

BS.CKII. Đặng Minh Trí


Ý kiến của bạn