Hà Nội

Chung kết toàn quốc giải sao mai phong cách thính phòng: Đảo ngược tình thế!

16-12-2009 06:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chưa thực sự có lửa trong đêm chung kết nhưng nhiều thí sinh đã cố gắng đảo ngược tình thế trong đêm thi. Có thí sinh thành công, có thí sinh thất bại. Bất ngờ nhất là Trần Thị Hồng Nhung vào đêm chung kết với tấm vé cuối cùng nhưng lại là thí sinh thành công nhất đêm thi.

Chưa thực sự có lửa trong đêm chung kết nhưng nhiều thí sinh đã cố gắng đảo ngược tình thế trong đêm thi. Có thí sinh thành công, có thí sinh thất bại. Bất ngờ nhất là Trần Thị Hồng Nhung vào đêm chung kết với tấm vé cuối cùng nhưng lại là thí sinh thành công nhất đêm thi.

Không thể đem yếu tố tâm lý kiểu thí sinh mở đầu hát tốt là một điều may mắn cho cả đêm như mấy đêm chung kết trước để áp vào đêm chung kết phong cách thính phòng. Bởi như thế thì cả đêm sẽ nhàn nhạt như những gì thí sinh đầu tiên Hoàng Viết Danh (SBD 74) đã trình bày Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu). Tôi là người thợ mỏ (Hoàng Vân) được Thân Đình Phương (SBD 93 - Quảng Bình) chọn cho đêm thi quan trọng này. Tuy nhiên, nó dường như quá sức đối với Phương. Phương vẫn còn để lộ một vài lỗi về cao độ, nhưng quan trọng hơn, bên cạnh tính hào hùng thì người nghe vẫn còn cần một chút tình cảm thật chân thành từ trái tim người hát truyền cho như bài hát vốn phải có. Trong khi hầu như thí sinh chọn ca khúc quen thuộc thì Lê Bá Khoa (SBD 84) hát Hương lòng em (Hoàng Thành - Đoàn Sinh Hưởng) là một ca khúc rất lạ lẫm. Song chỉ yếu tố lạ thôi chưa đủ, ca khúc dường như không đủ "đất" giúp cho chàng trai quê Thanh Hóa này khoe hết giọng hát của mình.

3 thí sinh lọt vào đêm chung kết xếp hạng toàn quốc.

Phía Nam cũng là một cái nôi của dòng thính phòng. Nếu ở miền Bắc là một phong cách chững chạc, đúng theo phong cách cổ điển thì dòng thính phòng ở miền Nam lại nhẹ nhàng hơn khi thổi vào đó sự phóng khoáng, tính trữ tình và thậm chí có cả chút phiêu lãng. Nhưng Sao Mai lần này, thí sinh phía Nam không thể hiện được phong cách vùng miền nổi bật ấy. Gương mặt được đặt rất nhiều hy vọng là Nguyễn Trung Nhật (SBD 112) khi thể hiện Vang mãi bản tình ca (Trọng Bằng) đáng lẽ ra cần nhiều tình cảm hơn. Đào Nguyễn Tấn Phát (SBD 124) chưa thật ấn tượng ở đêm chung kết khu vực nhưng lại tạo được hình ảnh khác hẳn ở đêm chung kết toàn quốc này. Mặc dù còn chưa thật nhuyễn ở phần đầu của bài Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao) song Phát vẫn để cho khán giả có một cảm giác thoải mái cũng là một thành công đối với anh.

Phía Bắc mới là mảnh đất của thính phòng, điều này thêm một lần nữa khẳng định ở đêm chung kết. Hơi bất ngờ khi Dương Tùng Lâm (SBD 26), thí sinh được khán giả yêu thích nhất của đêm chung kết miền Bắc lại rất mờ nhạt khi thể hiện tác phẩm Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương - Tố Hữu), một ca khúc "thính phòng xịn", rất khó hát, cần phải có một kỹ thuật thính phòng vững vàng. Ở vòng ngoài Dương chọn bài phù hợp với giọng cũng như khả năng của mình. Giá Dương vẫn đi theo phong cách trữ tình mang hơi hướng thính phòng thì có lẽ sẽ thành công hơn. Đặng Minh Hải (SBD 32) vào vòng chung kết được nhiều người cho là có yếu tố may mắn, bởi tuy có giọng hát đẹp, đúng chất thính phòng, song ở chung kết miền Bắc, Hải đã để lộ lỗi rất không đáng có, đó là hát mất nốt. Tuy nhiên ở vòng chung kết toàn quốc này, khi chọn ca khúc Nắng ấm về trên Tổ quốc (Trần Khánh), Hải đã khắc phục được nhược điểm trên.

Thí sinh Trần Thị Hồng Nhung (SBD 33) chỉ giành vé vớt để góp mặt trong đêm chung kết toàn quốc nhưng đã lật ngược được tình thế khi chọn ca khúc "khoe" được hết giọng hát của mình: Nhớ anh giải phóng quân (Lưu Nhất Vũ - Lư Giang). Cái thú vị là lần này Nhung đã thể hiện "đời" hơn, đã hát ca khúc Việt Nam mang phong cách thính phòng chứ không phải là hát thính phòng. Cô giành được danh hiệu Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất. Hơn thế nữa, Hồng Nhung đã đảo ngược "thế cờ" khi xứng đáng giành suất đi tiếp vào chung kết xếp hạng. Lê Xuân Hảo (SBD 45) tiếp tục thể hiện bản lĩnh khi thể hiện ca khúc hoàn toàn mới Pắc Bó hát mãi tên Người (An Thuyên). Ca khúc có giai điệu trúc trắc không dễ hát, lại được mở đầu từ ý tứ và âm hưởng của chủ đề ca khúc Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi) rồi sau đó mới phát triển. Vừa mang âm hưởng thính phòng, vừa phảng phất âm hưởng dân gian, vừa mang tính hào hùng lại đầy chất tự sự nội tâm, thực sự Pắc bó hát mãi tên Người là một ca khúc khó thể hiện. Rất có thể sau cuộc thi, Lê Xuân Hảo sẽ "đóng đinh" cái tên của mình với ca khúc này. Cũng như Hồng Nhung, Lê Xuân Hảo lọt tiếp vào đêm xếp hạng là hoàn toàn xứng đáng. Gương mặt cuối cùng lọt vào trong top 3 là Nguyễn Trung Nhật - TP. HCM.        

Nguyễn Quang Long


Ý kiến của bạn