Sao Mai 2009 đã khép lại, một đêm chung kết ghi dấu ấn của sự nỗ lực trong mỗi thí sinh đã để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả. Các giải thưởng cũng đã được trao, nhiều bất ngờ cho tới phút chót.
Sao Mai chuyên nghiệp hơn
Cho tới tận đêm chung kết xếp hạng thì điểm mới đáng chú ý nhất của Sao Mai 2009 mới được sử dụng: đó là phải thể hiện một ca khúc bắt buộc và một tự chọn. Việc thể hiện ca khúc do BTC quy định là một trong những tiêu chí khẳng định giải đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Nó sẽ giúp thí sinh vừa thể hiện được ca khúc thế mạnh lại vừa đảm bảo cho BTC chọn đúng người chứ không chỉ là hát tốt một vài bài đã luyện tập rất kỹ từ trước.
Từ trái qua: Hà Hoài Thu (Nhất - Dòng nhạc nhẹ); Lê Xuân Hào (Nhất - Dòng nhạc thính phòng); Bùi Lê Mận (Nhất - Dòng nhạc dân gian). |
Đêm chung kết xếp hạng được mở đầu bằng phần tranh tài của 3 thí sinh phong cách thính phòng. Sự cố gắng của cả 3 thí sinh có thể nhìn thấy ngay được. Nguyễn Trung Nhật (TP.HCM) trình bày đã khác hẳn so với sự khiên cưỡng của tuần tranh top 3. Anh đã lấy lại được phong độ, giọng hát có duyên của mình. Tuy nhiên, cuộc ganh đua ngôi vị số một dòng thính phòng vẫn chỉ diễn ra giữa Lê Xuân Hảo (Thái Bình) và Trần Thị Hồng Nhung (SBD 33 - Bắc Ninh). Lê Xuân Hảo chọn thể hiện ca khúc bắt buộc mang tên Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường) và Tình em (Trần Hoàn) là ca khúc tự chọn. Lê Xuân Hảo đã thể hiện rất bản lĩnh, chững chạc và đạt tới mức của một nghệ sĩ chuyên nghiệp, song người nghe vẫn thèm một chút gì đó bứt phá từ anh. Với danh hiệu Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất có được từ đêm thi tranh top 3, Hồng Nhung bước vào đêm chung kết có vẻ như đầy sự tự tin. Hai ca khúc Miền xa thẳm (Đức Trịnh) - ca khúc bắt buộc và ca khúc tự chọn là Tháng Giêng mùa xuân còn sót lại (Hoàng Cương - Lê Thị Kim) đều rất mới và là những ca khúc nghệ thuật, rất khó thể hiện. Điều bất ngờ là Trần Thị Hồng Nhung đã dung hòa được yếu tố thính phòng để nó trở nên dễ nghe hơn, gần gũi hơn với khán giả. Thậm chí, Miền xa thẳm qua giọng hát của Nhung đã tạo được sự xúc động và đồng cảm tới nhiều khán giả. Cuối cùng thì giải Nhất phong cách thính phòng đã thuộc về Lê Xuân Hảo, nhiều khán giả luyến tiếc cho Trần Thị Hồng Nhung.
Những bứt phá ngoạn mục
Ở dòng nhạc dân gian là cuộc bứt phá ngoạn mục và kết quả chung cuộc đã mang lại sự mãn nguyện cho khán giả. Vũ Ngọc Ký thể hiện hai ca khúc mang hai phong cách khác nhau. Đáng chú ý là ca khúc tự chọn Dời đô ngàn năm vọng mãi (Nguyễn Tiến) mang âm hưởng nghệ thuật tuồng. Một ca khúc hoàn toàn mới nhưng có nhiều đất để khoe giọng, có lẽ chính ca khúc này sẽ giúp cho nhiều người nhớ tới giọng hát Ngọc Ký sau khi Sao Mai kết thúc. Việt Hà (Hòa Bình) kể từ đêm chung kết miền Bắc đã luôn là ứng viên nặng ký. Hà có giọng hát đẹp, kỹ thuật có thể nói là "nhuyễn". Chính vì vậy, Việt Hà đầy tự tin khi thể hiện Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung) và Mơ quê (Lê Tịnh). Nhưng sự điêu luyện và giọng hát đẹp thôi vẫn chưa đủ, khán giả vẫn còn thèm ở Hà một bản năng hát thật tình cảm, mượt mà. Và điều này thì Bùi Lê Mận (Nghệ An) dù kỹ thuật hát có thể chưa bằng nhưng lại đáp ứng được. Mận vẫn đằm thắm và duyên dáng mang tới chất dân gian truyền thống, phảng phất âm hưởng của nông thôn miền Trung vừa chân chất, vừa đằm thắm với ca khúc bắt buộc Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo - thơ Lê Huy Mậu) và ca khúc tự chọn cũng là một sáng tác mới tinh của nhạc sĩ An Thuyên Tình làng quê. Chính vì thế, giải Nhất chung cuộc cho phong cách dân gian đồng thời là giải Thí sinh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn được trao cho Bùi Lê Mận là hoàn toàn xứng đáng.
Hà Hoài Thu (Quảng Ninh) cũng là một bất ngờ lớn trong đêm chung kết khi nhận giải Nhất phong cách nhạc nhẹ. Không chỉ dựa vào lợi thế hình thức, Hà Hoài Thu còn cố gắng chinh phục khán giả bằng giọng hát thông qua hai ca khúc hoàn toàn mới: Anh (Xuân Phương) ca khúc bắt buộc và ca khúc tự chọn là Ngồi hát mùa đông (Lê Tịnh). Cả hai bài, Hà Hoài Thu còn khẳng định cho khán giả thấy giọng hát của cô chính là nhạc nhẹ. Nhưng người được khán giả đặt nhiều hy vọng nhất lại chính là Lê Thị Mỹ Như. Tuy nhiên, dường như Mỹ Như đã mắc một sai lầm ở khâu chọn bài, cả hai ca khúc Trái cam mặt trời (Nguyễn Cường) và Dấu tích thời mở cõi (Đức Trịnh) đều là những ca khúc hay, nhưng đã không giúp cho Mỹ Như thể hiện hết bản năng ca hát và chất lửa sẵn có trong chính con người cô. Còn Lương Viết Quang (TP.HCM), chàng trai duy nhất của dòng nhạc nhẹ đã thoát khỏi chính mình từ đêm thi trước để tự tin và chuyên nghiệp hơn khi thể hiện ca khúc bắt buộc Cỏ và mưa (Giáng Son) và Dấu chân tìm về (Hoàng Anh Tuấn).
Nguyễn Quang Long