Chứng đổ mồ hôi về đêm ảnh hưởng tới nhiệt độ cơ thể

04-02-2015 14:00 | Y học 360

SKĐS - Nghiên cứu mới đây được công bố trên tờ Annals of Family Medicine cho biết, chứng đổ mồ hôi về đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng.

Nghiên cứu mới đây được công bố trên tờ Annals of Family Medicine cho biết, chứng đổ mồ hôi về đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. TS. Mold cho biết, đây có thể là triệu chứng của các bệnh tự miễn, bệnh về tim, rối loạn nội tiết, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm HIV, lao, ung thư, ngừng thở khi ngủ và rối loạn hoảng sợ. Cơ thể bạn sử dụng mồ hôi để giảm nhiệt độ trung tâm khi nó đạt tới một ngưỡng được gọi là vùng nhiệt trung tính. Rất nhiều nguyên nhân đẩy nhiệt độ cơ thể tới vùng nhiệt này, từ việc sử dụng chăn dày tới các quá trình gây viêm trong cơ thể khi bạn bị nhiễm khuẩn hoặc có bệnh.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, các chất trung gian gây viêm tăng vọt một cách định kỳ trong đêm. Hơn nữa, một số bệnh có thể ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh giao cảm hay tuyến mồ hôi hoặc một số yếu tố khác ảnh hưởng tới khả năng điều tiết nhiệt độ của cơ thể.

Cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể hai lần mỗi ngày trong một tuần liên tục để phát hiện nếu có sốt và ghi chép lại các triệu chứng khác để thông báo cho bác sĩ. Thông thường đổ mồ hôi đêm không phải là triệu chứng duy nhất khi có bệnh.

Cách tốt nhất để giảm mồ hôi đêm là điều trị nguyên nhân. Trong những trường hợp mồ hôi đêm do thuốc chống trầm cảm SSRI, ở một số người có sự cải thiện nhờ uống thêm các thuốc được gọi là thuốc chẹn alpha-adrenergic.

Lê Anh

 (Theo Journal of the American Board of Family Medicine, 1/2015)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn