Bệnh không những gây phiền muộn cho người bệnh mà còn có thể để gây ra một số biến chứng, nhất là lúc thời tiết chuyển mùa.
Nguyên nhân đau vai gáy
Ở người cao tuổi có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau vai, gáy như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, vẹo cổ bởi gối đầu cao hoặc nằm sai tư thế, vẹo cổ bẩm sinh hoặc do dị tật.
Đôi khi đau vai gáy do viêm, chấn thương hoặc do các tác nhân cơ học như ngồi lâu, cúi lâu hoặc do mang vác nặng sai tư thế nhất là công nhân đội than, cát từ tàu thuyền lên bờ.
Ngoài ra có một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như: thói quen ngồi lâu trước quạt hoặc ngồi lâu dưới máy điều hòa nhiệt độ hoặc do ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy. Một số trường hợp đau vai gáy do bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch (thiếu năng mạch vành…). Đau vai gáy do thoái hoá đốt sống cổ là một trong những nguyên nhân gây bệnh thiểu năng tuần hoàn não (rối loạn tuần hoàn não) do mạch máu bị chèn ép làm thiếu máu não.
Thời tiết chuyển mùa, nhất là mưa nhiều thời tiết lạnh thì chứng đau vai gáy thường xuất hiện, đặc biệt là ở NCT.
Biểu hiện của đau vai, gáy
Sau một đêm ngủ, nhiều người sau khi ngồi dậy bỗng dưng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau vùng vai, gáy. Đau có thể lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay rất khó chịu. Triệu chứng đau nhức vai, gáy kéo dài trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng, cá biệt có trường hợp đau lan xuống hông, sườn hoặc một trong các nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim do chèn ép các mạch máu. Và có một tỉ lệ nhất định do đau vai gáy gây nên liệt nửa người. Người bệnh khó đoán biết được nguyên nhân, nhất là có nhiều nguyên nhân lẫn lộn gây đau vai gáy cho nên khi bị đau vai, gáy cần đi khám bệnh để được khám lâm sàng, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ. Trong một số trường hợp thấy cần thiết sẽ được khám về tim mạch, đo điện não đồ, đo mật độ xương.
Nguyên tắc điều trị và dự phòng
Điều trị đau vai, gáy cần dựa vào nguyên nhân, nếu do thoái hóa đốt sống cổ cần được dùng thuốc do bác sĩ khám bệnh chỉ định. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc để điều trị. Bởi vì, thuốc tây y dùng để điều trị thoái hóa khớp có nhiều tác dụng phụ, nhất là đối với người có thêm các bệnh khác như hen phế quản, bệnh dạ dày, đại tràng. Xoa bóp, bấm huyệt đúng cách, đúng chuyên môn hoặc điều trị bằng lý liệu pháp và thực hiện đều đặn hàng ngày cũng có thể đem lại hiệụ quả nhất định kết hợp với điều trị thuốc tây y hoặc đông y. Hiện nay khoa học ngày càng phát triển, cho nên về tây y có những loại thuốc dùng điều trị về bệnh thoái hóa khớp nói chung và bệnh thoái hóa đốt sống cổ nói riêng khá hiệu nghiệm. Thuốc vừa điều trị giảm đau vừa điều trị phục hồi dần các tổn thương của khớp mà ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa.
Nếu đau vai vai gáy ở giai đoạn đầu thì cần khắc phục nguyên nhân gây ra đau vai gáy mà chính bản thân người bệnh biết được hoặc thầy thuốc cung cấp sau khi khám bệnh như điều chỉnh thời gian ngồi làm việc (không ngồi và cúi xuống lâu, giữa giờ nên đứng dậy thực hiện một vài động tác nhẹ nhàng cho máu được lưu thông). NCT không nên ngồi lâu đọc sách, xem vô tuyến hoặc chơi cờ. Mùa lạnh không nên nằm nghỉ trên giường quá lâu (thông thường NCT, vì lạnh nên ngại ra khỏi chăn) mà nên ngồi dậy, xoa bóp vai gáy bằng tay hoặc bằng dụng cụ hỗ trợ hoặc nhờ người nhà giúp đỡ. Một số người vì nghề nghiệp không thể không ngồi lâu trong một thời gian dài như: nhân viên đánh máy, lái xe đường dài... nên cố gắng nghỉ giải lao giữa giờ làm việc và cúi xuống, ngẩng đầu lên nhẹ nhàng trong vòng từ 10 - 15 phút.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đã được bác sĩ khám và xác định thoái hóa đốt sống cổ thì không nên làm các động tác như xoay cổ, vặn cổ, xoay lưng mạnh, nếu làm như vậy thì “lợi bất cập hại”. Nên bỏ thuốc lá, thuốc lào, bởi vì chất độc trong thuốc lào, thuốc lá cũng đóng góp đáng kể trong bệnh gây thoái hóa khớp.
Nếu đo mật độ xương có vấn đề không tốt nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ khám bệnh cả về sử dụng thuốc, cả về chế độ ăn. Chế độ ăn là hết sức quan trọng, đặc biệt là người lớn tuổi vì sự hấp thu càng ngày càng giảm sút. Vì vậy, hàng tuần nên có bổ sung các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng, cần có các loại thực phẩm giàu canxi: tôm, cá, tép, cua, ốc. Các loại tôm, tép, cá nên dùng loại càng bé càng tốt để ăn được cả vỏ (tôm), cả xương (cá). Nếu có điều kiện thì nên uống sữa có chứa nhiều canxi.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU