Chứng đau cột sống thắt lưng ở người cao tuổi: Coi chừng dấu hiệu bệnh mạn tính

14-10-2017 08:45 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Đau cột sống thắt lưng (CSTL) là hội chứng đau khu trú ở nửa dưới của lưng, thường gặp nhất trong thực hành lâm sàng.

Khoảng 65 - 80% những người trưởng thành trong cộng đồng có đau CSTL cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời và khoảng 10% số này bị chuyển thành đau CSTL mạn tính. Với người cao tuổi, tình trạng này càng phổ biến, nặng nề và phức tạp hơn.

Nguyên nhân phổ biến của đau CSTL ở người cao tuổi là do căng giãn hoặc co cứng cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức; thoái hóa đĩa đệm cột sống; thoát vị đĩa đệm CSTL; trượt thân đốt sống, chấn thương cột sống, dị dạng hoặc bất thường thân đốt sống, gù vẹo cột sống... Ngoài ra, đau CSTL còn là triệu chứng của một trong các bệnh khớp mạn tính như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương; hoặc tổn thương tại cột sống do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn sinh mủ); do ung thư; do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tuyến tiền liệt...), tổn thương cột sống do chấn thương... Trong đó, thoái hóa cột sống là nguyên nhân gây đau thắt lưng thường gặp nhất ở  người cao tuổi.Cột sống bình thường và cột sống bị thoái hóa.

Cột sống bình thường và cột sống bị thoái hóa.

Đặc điểm đau cột sống thắt lưng ở người cao tuổi

Đau cấp tính: Thường do bị lạnh, sai tư thế, do chấn thương, do mang xách nặng, do viêm, do thoát vị đĩa đệm... gây co cứng các cơ ở vùng sống lưng, phù nề các cấu trúc giải phẫu vùng cột sống (hệ thống dây chằng, đĩa đệm, khớp...) gây chèn ép vào thần kinh tương ứng.

Đau lưng mạn: Thường do các bệnh lý tại cột sống, thoái hóa cột sống và đĩa đệm, loãng xương, viêm khớp cột sống, lao, ung thư, tổn thương các cơ quan bên trong lan tỏa ra sau lưng.

Người cao tuổi là đối tượng thường xuyên mắc chứng bệnh đau lưng mạn tính và trên nền của đau lưng mạn tính lại có những đợt đau cấp do các nguyên nhân nêu trên thúc đẩy, tình trạng đau cấp lại làm tăng thêm độ nặng của đau lưng mạn vốn có, ảnh hưởng tới khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh.

Triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng

Triệu chứng sớm nhất của bệnh là đau cột sống khi vận động, nghỉ sẽ hết đau; sau đó có thể đau âm ỉ ở vùng thắt lưng và thường đau trội lên về chiều sau một ngày làm việc phải đứng nhiều hay lao động nặng, lúc nằm nghỉ đau bớt. Sau triệu chứng đau là tình trạng hạn chế vận động, các động tác cúi, nghiêng, ngửa hoặc xoay người rất khó khăn, có thể đau lan xuống mông, lan xuống mặt sau đùi và dọc theo đường đi của thần kinh tọa.

Cần làm gì khi đau lưng?

Điều quan trọng nhất là phải đi khám bệnh ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và trang thiết bị để tìm ra nguyên nhân gây đau. Khi đến khám bệnh, cần nghe rõ thầy thuốc hỏi những gì và cần nói rõ cho thầy thuốc biết những hiện tượng đau lưng và các biểu hiện kèm theo. Khi tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục thích hợp thì một số trường hợp đau lưng có thể khỏi, ví dụ như: do cảm cúm, do ngồi sai tư thế, do bưng bê vật nặng, do chấn thương nhẹ... Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp không thể chữa khỏi mà chỉ làm cho người bệnh bớt đau, cải thiện vận động, bớt ảnh hưởng tới cơ thể hay ngăn chặn các biến chứng của bệnh.

Chữa trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Nếu có dấu hiệu đau và hạn chế vận động ở cột sống, cần phải đi khám bệnh để các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và cho phác đồ điều trị thích hợp. Việc điều trị sẽ bao gồm:

Điều trị không dùng thuốc: Tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đặc biệt sức khỏe xương khớp; Vận động, tập luyện, xoa bóp, điều trị vật lý, tập vừa sức, không làm tăng áp lực lên cột sống. Nên tập bơi, đạp xe, tập yoga; Ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, giảm các chất đường, bột, dầu, mỡ, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, tăng cường vitamin và khoáng chất (đặc biệt là canxi); Tránh thừa cân, béo phì, tránh mang xách nặng;  Tránh các động tác, tư thế làm tăng áp lực cho sụn khớp và đĩa đệm (ngồi bó gối, quỳ gối, ngồi xổm, ngồi quá lâu một tư thế...), tránh té ngã; Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tại hệ thống xương khớp: viêm khớp, bệnh khớp do chuyển hóa, chấn thương...).

Điều trị bằng thuốc: Điều trị triệu chứng đau và viêm cho người bệnh bằng các thuốc giảm đau và các thuốc kháng viêm (phải do các thầy thuốc khám và chỉ định, người bệnh không tự ý hoặc nghe người khác mách bảo); Làm giãn cơ để tăng cường nuôi dưỡng các cơ vùng thắt lưng và tăng cường nuôi dưỡng hệ thần kinh ngoại biên để làm chậm quá trình thoái hóa. Trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa, có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh cần xem xét việc điều trị ngoại khoa để giải ép.

Lời khuyên của bác sĩ

Tùy từng bệnh lý được chẩn đoán mà các thầy thuốc có thể cho các thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc kháng viêm, kháng sinh... thậm chí có khi phải phẫu thuật khi đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong 3 tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác). Người bệnh cần tuân thủ y lệnh của các bác sĩ, tái khám định kỳ để được theo dõi và điều chỉnh thuốc, tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị vì người có tuổi có thể mắc các bệnh kèm theo (bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh hệ thần kinh...), rất nhiều nguy cơ bị các tác dụng phụ của thuốc hay tương tác thuốc.

Cần kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập, dinh dưỡng, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống thắt lưng; không lạm dụng điều trị ngoại khoa, đặc biệt đối với những trường hợp đau CSTL cấp hoặc bán cấp.

Cần thực hiện các biện pháp tránh tái phát đau vùng thắt lưng: làm việc đúng tư thế, đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng, tránh xoắn vặn vùng thắt lưng, nên tập bơi hàng tuần, tập luyện các động tác làm chắc khỏe cơ bụng, cơ lưng.


PGS.TS.BS. Lê Anh Thư
Ý kiến của bạn