Hà Nội

Chứng đãng trí - Không phải chuyện đùa

29-08-2015 21:32 | Y học 360
google news

SKĐS - Một số người đãng trí hay quên những sự kiện mới vừa diễn ra, số khác lại chỉ quên những ký ức xa xăm, nhưng cũng có những người quên cả hai.

Chứng đãng trí, hay còn gọi là chứng hay quên, là những thuật ngữ chỉ hiện tượng con người bỗng dưng kém trí nhớ hoặc không thể nhớ lại một số sự kiện trong quá khứ ở một mức độ đáng kể. Tùy vào nguyên nhân mà chứng đãng trí có thể xuất hiện một c ách từ từ hoặc dồn dập, có thể tạm thời hoặc kéo dài.

Một số người đãng trí hay quên những sự kiện mới vừa diễn ra, số khác lại chỉ quên những ký ức xa xăm, nhưng cũng có những người quên cả hai. Tuổi càng cao, con người càng hay quên và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp thu và lưu giữ những thông tin hoặc kiến thức mới. Tuy nhiên, bản thân tuổi tác không phải là nguyên nhân dẫn đến chứng đãng trí, trừ phi có một căn bệnh kèm theo nào đó trực tiếp gây ra sự sa sút trí nhớ, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ (dementia) hoặc bệnh Alzheimer.

Nguyên nhân

Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến của hiện tượng đãng trí ở người:

Dùng thuốc: một số loại thuốc có thành phần dược liệu có thể gây hiện tượng đãng trí ở người uống, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng (antihistamine), thuốc giãn cơ, thuốc ngủ, và vài loại thuốc giảm đau thường được kê đơn cho bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật.

Rượu bia, thuốc lá và chất kích thích: từ lâu, đồ uống có cồn cũng như các loại chất kích thích đã được giới khoa học chứng minh là nguyên nhân gây ra tình trạng đãng trí hoặc mất trí nhớ ở người. Thuốc lá có thể gây sa sút trí nhớ của người hút bởi khả năng làm giảm lượng oxy lưu thông lên não.

Nhiều công trình nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đã cho thấy rằng những người nghiện hút thuốc lá gặp nhiều khó khăn hơn người bình thường trong việc nhớ tên và nhận diện khuôn mặt của người khác. Trong khi đó, nhiều loại chất kích thích đang được lưu hành trái phép trên thị trường có những thành phần độc hại có thể làm biến đổi các chất hóa học có trong não, gây khó khăn cho các hoạt động ghi nhớ hoặc hồi tưởng các sự kiện.

Thiếu ngủ: trung bình, con người cần ngủ 8 tiếng/ngày. Việc ngủ quá ít hoặc mất ngủ thường xuyên vào ban đêm có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, gây khó khăn cho việc tiếp thu và củng cố thông tin dữ liệu trong não.

Trầm cảm và căng thẳng thần kinh: những người trầm cảm hoặc hay âu lo thường mất khả năng tập trung, kém linh hoạt trong việc để ý đến mọi việc xung quanh, dễ dẫn đến tình trạng đãng trí. Khi bạn đang bị stress hoặc căng thẳng, tâm trí của bạn bị phân tán do những kích thích quá mức cần thiết dẫn đến khả năng ghi nhớ bị chèn ép. Stress do sang chấn tâm lý cũng là một nguyên nhân thường gặp của chứng đãng trí.

Thiếu dinh dưỡng: bộ não con người chỉ hoạt động hiệu quả khi cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cụ thể ở đây là các loại đạm và chất béo. Sự thiếu hụt vitamin B1 và B12 cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ.

Chấn thương não: một cú va đập vào vùng đầu - chẳng hạn do ngã xe hoặc trượt té - làm chấn thương não có thể gây mất trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn.

Đột quỵ: các cơn đột quỵ thường gây mất trí nhớ ngắn hạn. Một người vừa bị đột quỵ có thể nhớ rất rõ về tuổi thơ xa xăm của mình nhưng lại chẳng nhớ nổi mình vừa ăn gì trong bữa trưa gần nhất.

Chứng mất trí nhớ (dementia): đây là tình trạng mất trí nhớ nghiêm trọng đến nỗi gây ảnh hưởng tiêu cực lên sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Mặc dù chứng mất trí nhớ có nhiều nguyên nhân - chẳng hạn như các bệnh về mạch máu, tình trạng lạm dụng thuốc hoặc đồ uống có cồn, và các loại chấn thương não - nhưng phổ biến nhất vẫn là bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer là kết quả sự suy giảm số lượng tế bào não và những rối loạn khác ở não.

Các nguyên nhân khác: những nguyên nhân khác của chứng đãng trí gồm có rối loạn hạch tuyến giáp và các căn bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng lên não như HIV, lao phổi và giang mai.

Xác định nguyên nhân gây đãng trí

Nếu bạn cảm thấy tình trạng đãng trí của mình càng lúc càng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày, hãy tìm gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh, xác định nguyên nhân và tìm ra cách chữa trị tốt nhất.

Để đánh giá tình trạng đãng trí, bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử và kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn - bao gồm cả các bài kiểm tra liên quan đến hệ thần kinh. Họ cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi cho bạn để xác định tình trạng sức khỏe tâm lý và tinh thần của bạn. Trong một số trường hợp cần thiết, người đãng trí cần phải trải qua thêm các cuộc kiểm tra khác như thử máu và nước tiểu và cả chụp hình não, chẳng hạn như chụp cắt lớp (CAT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Điều trị

Phần lớn các trường hợp đãng trí đều có thể được chữa trị hoặc khắc phục phần nào. Chẳng hạn, tình trạng đãng trí do dùng thuốc có thể được khắc phục bằng các loại thuốc khác phù hợp hơn. Đãng trí do thiếu chất có thể được cải thiện bằng chế độ ăn hằng ngày. Với những người đãng trí do trầm cảm thì giải pháp chính là chữa trị chứng trầm cảm. Đãng trí do đột quỵ cần đến các liệu pháp chuyên môn, giúp người bệnh nhớ lại cách thực hiện các sinh hoạt hằng ngày như đi bộ hoặc buộc dây giày. Còn lại là các trường hợp đãng trí không quá nghiêm trọng, trí nhớ có thể tự hồi phục theo thời gian, hoặc người đãng trí có thể khắc phục bằng các mẹo vặt như ghi chú, đánh dấu sự kiện trên lịch hoặc nhờ sự hỗ trợ của người thân.

Các trường hợp đãng trí do các căn bệnh đặc thù như Alzheimer, chứng mất trí nhớ hoặc các bệnh về huyết áp thì cần đến các loại thuốc và liệu pháp chuyên môn và riêng biệt của mỗi loại bệnh đó.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

(Tổng hợp từ Internet)

 


Ý kiến của bạn