Hà Nội

Chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm: Giải bài toán “người dân không chịu di dời”

24-11-2019 06:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Thực hiện xã hội hóa trong công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Đến nay, 5 khu chung cư cũ đã được lập xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt; 17 đồ án đã được báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố về ý tưởng quy hoạch... Hy vọng từ chỗ lập đồ án quy hoạch đến khi có giải pháp xử lý rốt ráo cải tạo chung cư cũ xuống cấp ở Hà Nội là khoảng cách không xa.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 chung cư cũ, được xây dựng chủ yếu từ năm 1960 đến năm 1992. Trong quá trình sử dụng, do không được bảo trì thường xuyên, cộng với việc các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa nên nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng. Qua các đợt kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực, Sở Xây dựng đã phân loại các chung cư cũ theo 4 cấp độ nguy hiểm. Trong đó, có 6 công trình thuộc cấp độ D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay). Trong danh sách này có 1 công trình nằm trên địa bàn quận Đống Đa và 5 công trình tại quận Ba Đình.

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sống tại những chung cư xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ sập đổ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định tổ chức di dời khẩn cấp. UBND thành phố đã ra các Quyết định số: 5374/QĐ-UBND (ngày 4/9/2013), 2000/UBND-XDGT (ngày 25/4/2016), tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng tại các chung cư nguy hiểm này. Thế nhưng, đến nay công tác di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm vẫn gặp không ít khó khăn... Vì sao chủ trương di dời người dân để cải tạo các chung cư bị xuống cấp chưa được nhiều người dân đồng thuận?

Tại các đô thị, việc giải tỏa chung cư cũ xuống cấp phải mất nhiều thời gian, có khi kéo dài nhiều năm. Do khó khăn trong tính toán quỹ đất quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, cư dân chưa đồng thuận về chính sách bồi thường... Để tháo gỡ “nút thắt” cần có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Ở chung cư hay nhà tập thể là lựa chọn phù hợp với nhiều người dân và cán bộ viên chức từ xưa đến nay. Tuy nhiên qua thời gian, với tốc độ phát triển đô thị, nhiều khu chung cư xây dựng hàng chục năm bị bỏ quên, không tu sửa, xuống cấp trầm trọng, đe dọa đến tính mạng của các cư dân. Thế nhưng, họ chẳng biết đi đâu ngoài cố liều bám trụ. Bởi thực tế, khả năng kinh tế của các hộ gia đình trong khu tập thể thường không đồng đều, nhiều hộ kinh tế khá khó khăn; suy nghĩ còn hạn hẹp, họ luôn muốn chỗ ở được cải tạo khang trang, rộng rãi hơn nhưng lại phải miễn phí.

Tuy đây là những đòi hỏi chính đáng, nhưng xây dựng chung cư mới không phải là một bài toán đơn giản là “đập đi, xây lại”. Chung cư cũ nhưng phải theo quy hoạch mới. Nhất là quy định không được tăng dân số cơ học lại vô tình “gây khó” cho công tác kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách đền bù sao cho hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân cũng là bài toán nan giải. Do đó, vai trò của nhà nước hết sức quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch, lập chính sách, cân bằng lợi ích giữa các bên.

Vì vậy, để người dân đồng lòng, hưởng ứng, cần phải có sự giám sát một cách minh bạch và công khai các khoản phí đầu tư, bồi thường, số tiền đóng góp của người dân nếu có. Riêng với những hộ dân thực sự khó khăn, cũng nên có cơ chế, chính sách để hỗ trợ một phần hoặc toàn phần cho việc đóng góp của họ. Nguồn kinh phí có thể lấy từ nguồn thu cho thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, tiền bán các căn hộ dôi dư...

Tuy nhiên, để có nguồn thu này, nhà nước cũng cần tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư như ưu tiên về lãi suất cho vay, quỹ nhà tái định cư, nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn quy hoạch về quản lý đô thị. Nếu cần thiết, nhà nước có thể đưa ra các tiêu chí đặc biệt, cơ chế rõ ràng, cụ thể cho mỗi nhà đầu tư khi họ muốn tham gia cải tạo các khu chung cư cũ.

Mặt khác, nơi bố trí tái định cư chắc chắn cũng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, để người dân sinh sống, làm việc và học tập. Nơi ở mới phải thực sự bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tiếp đến là công tác tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm rình rập từ các khu chung cư cũ xuống cấp mà họ đang sinh sống. Thậm chí, cần có những biện pháp cưỡng chế để đưa họ ra khỏi nơi ở nguy hiểm là cần thiết.


Mạnh Thắng
Ý kiến của bạn