Hà Nội

Chứng bệnh đáng ghét ai cũng từng mắc một lần trong đời và cách chữa hiệu quả

SKĐS - Nhiệt miệng là chứng bệnh phổ biến. Hầu như ai cũng một lần trong đời bị chứng bệnh này hành hạ, khiến ăn uống kém, khó chịu, bứt rứt, nói khó, thậm chí gây viêm sưng, sốt… ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống.

I. Nhiệt miệng là gì?

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, nhiệt miệng là vết loét nhỏ, nông, xuất hiện ở những mô mềm trong miệng như môi, bên trong má, nướu. Tên gọi khoa học của nhiệt miệng là aphthous ulcer.

Thông thường vết nhiệt ở miệng có màu trắng, đôi khi có màu vàng, viền xung quanh là màu đỏ, chúng có dạng hình tròn hoặc oval.

Tuy bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng nếu bệnh tái phát nhiều lần theo chu kỳ dẫn đến viêm loét miệng mạn tính gây nên các khó chịu cho người bệnh.

II. Nguyên nhân gây nhiệt miệng

ThS. BS. Nguyễn Quang Dương cho rằng, nhiệt ở miệng là do cơ thể thiếu một số loại vitamin và dưỡng chất, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn răng miệng...

Một số nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng như:

  • Không may cắn vào má gây nên tổn thương, dần dần phát triển thành vết loét miệng.
  • Ăn những đồ ăn cay nóng, hoặc có nhiều gluten khiến tổn thương vùng miệng.
  • Bị tổn thương trong quá trình vệ sinh răng miệng như đánh răng mạnh gây xước chảy máu.
  • Thiếu các loại vitamin B6, B2, C, thiếu kẽm và acid folic, căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài...
Ứng phó với chứng nhiệt miệng theo cách của đông y - Ảnh 1.

Tổn thương trong bệnh nhiệt miệng.

Theo đông y nhiệt ở miệng là do nhiệt chứng từ tâm, can, tỳ vị, ảnh hưởng nhiều do chế độ ăn uống mà gây nên.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt ở tỳ vị, tư âm sinh cơ.

III. Thuốc ngậm trị nhiệt miệng

1. Lá xuyên tâm liên sắc đặc vừa súc miệng vừa ngậm. Ngày vài lần.

2. Hoàng liên 20g, sắc kỹ với 100 ml nước, ngậm vài lần trong ngày.

3. Mật ong 50g, đại thanh diệp 15g, hai thứ sắc kỹ lấy nước ngậm nhiều lần trong ngày.

Ứng phó với chứng nhiệt miệng theo cách của đông y - Ảnh 2.

Hoàng cầm.

IV. Bài thuốc chữa nhiệt miệng

* Theo ThS. BS. Nguyễn Quang Dương, trường hợp niêm mạc miệng có những nốt loét gây đau đớn, lợi sưng nề đỏ, mỗi khi ăn uống rất đau, người nóng, khó ngủ, trằn trọc, nước tiểu đỏ, phân thường táo, hay đau đầu, khô họng, hơi thở nóng. Có thể dùng một trong các bài:

Bài thuốc kinh nghiệm:

Bài "Ngọc nữ tiễn gia giảm" gồm: Thạch cao 30g, huyền sâm 20g, sinh địa 15g, ngưu tất 15g, tri mẫu 10g, sinh kỳ 20g. Sắc uống, chia sáng, chiều.

Công dụng: Thanh vị hỏa, sinh cơ.

Ngoài ra có thể dùng một số bài sau:

Bài 1: Hoàng cầm 12g, chi tử 12g, liên kiều 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, rau má 20g, mướp đắng 16g, tang diệp 16g, cỏ mực 20g, đinh lăng 20g, bồ công anh 20g, sài đất 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Công dụng: Thanh vị nhiệt, chống viêm, dưỡng âm.

Bài 2: Ngân hoa 12g, liên kiều 12g, tri mẫu 10g, hoàng bá 10g, sinh địa 12g, huyền sâm 10g, lá tía tô 16g, bạch mao căn 16g, mạch môn 16g, ngưu tất 12g, sa sâm 12g, mẫu lệ 12g, lá tre 16g, cát căn 16g, cỏ mực 20g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Một đợt điều trị 5 - 7 ngày.

Công dụng: Thanh vị nhiệt, chống viêm, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ứng phó với chứng nhiệt miệng theo cách của đông y - Ảnh 3.

Chi tử.

Thể tâm hỏa thịnh: Trường hợp nặng bệnh nhân rất khó ăn uống, cơ thể yếu mệt, khó ngủ, trằn trọc, mồ hôi nhiều, tư tưởng thiếu tập trung, tim hồi hộp, nước tiểu đỏ, táo bón. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Tả tâm thang gia giảm.

Thành phần: Hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g, cát căn 12 g, dạ cẩm thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Công dụng: Thanh tâm hỏa.

Bài 2: Ngân hoa 12g, liên kiều 12g, rau má 20g, cỏ mực 20g, lá vông 20g, tri mẫu 12g, sa sâm 16g, mạch môn 20g, sinh địa 12g, cam thảo đất 20g, mơ muối 12g, lá tre 16g, tang diệp 20g, đương quy 16g, mẫu lệ 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Một đợt điều trị là 5 - 7 ngày.

Công dụng: Tả tâm hỏa an thần.

V. Món ăn hỗ trợ điều trị nhiệt miệng

Bên cạnh việc dùng các bài thuốc nêu trên, ThS.BS. Nguyễn Quang Dương cũng cho biết thêm, người bị nhiệt miệng có thể sử dụng các món ăn sau giúp giảm đáng kể tình trạng nhiệt miệng:

- Chè bí đỏ - đậu xanh: Bí đỏ 150g, đậu xanh bỏ vỏ 100g, đường trắng vừa đủ. Bí đỏ gọt vỏ thái miếng to. Đậu xanh vo sạch cùng bí đỏ cho vào nồi nấu thật chín mềm, thêm đường, múc ra bát, để nguội ăn.

Công dụng: Thanh nhiệt ở can tỳ, bổ âm, mát huyết, chống viêm.

Ứng phó với chứng nhiệt miệng theo cách của đông y - Ảnh 4.

Chè bí đỏ giúp giảm nhiệt miệng.

- Canh rau cần - óc lợn: Óc lợn 1 cái, táo tàu 10 quả, rau cần 100g, gia vị vừa đủ. Óc lợn và đại táo nấu trước cho chín mềm, sau đó cho rau cần đã rửa sạch thái ngắn vào, đun thêm một lát, nêm gia vị là được. Ăn trong bữa cơm.

Công dụng: Dưỡng não, bổ tâm tỳ, thanh nhiệt chống viêm, trừ phiền.

Ngoài ra, ThS.BS. Nguyễn Quang Dương khuyên người bị nhiệt miệng có thể sử dụng một số loại rau có tác dụng hỗ trợ nhiệt miệng rất hiệu quả:

- Rau diếp cá: Dùng 100g rau diếp cá nhặt bỏ phần già, đem rửa sạch, để ráo nước. Sau đó đem xay nhuyễn rồi uống ngày 2-3 lần sẽ giúp giải nhiệt cơ thể và làm vết loét do nhiệt miệng mau lành hơn.

Bạn cũng có thể dùng 2-6g rau diếp cá sắc lấy nước, chia ra uống nhiều lần trong ngày, liên tục trong vài ngày nhiệt miệng sẽ nhanh thoái lui.

- Lá rau ngót: Rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần.

- Lá húng chó: Lá húng chó có tính ấm, chứa tinh dầu, khả năng làm mát máu, giảm đau kháng viêm, vì vậy rất thích hợp để hỗ trợ trị nhiệt miệng.

Hái vài lá húng chó, rửa sạch sau đó nhai kĩ và nhấp vài ngụm nước. Mỗi ngày ăn khoảng 6 lần, chia đều các ngày.

- Nước ép cà chua: Với tính bình, vị chua, hơi ngọt, cà chua có tác dụng thanh nhiệt cũng như giải độc hiệu quả. Để chữa nhiệt miệng, hãy ép cà chua lấy nước, sau đó ngậm nước ép ngày khoảng 4 lần trong ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

- Uống bột sắn dây: Uống bột sắn dây ngày 2 lần sẽ giúp bạn giảm đau rát và mau khỏi trong trường hợp bạn bị bệnh nhiệt miệng độ nhẹ.

Lưu ý: Khi viêm loét miệng người bệnh cần chú ý tránh ăn các loại thực phẩm có chứa acid, nước mắm, mắm tôm.

Nên uống nhiều nước và cẩn thận khi đánh răng nên đánh răng có muối tinh.

Tránh để bàn chải hoặc thức ăn đồ cứng, sắc nhọn cọ xước nhiều lần vào vết thương sẽ làm vết thương lâu lành.

Nếu sau 1 tuần không thấy dấu hiệu khả quan cần tới bác sĩ để được khám tìm ra căn nguyên của bệnh.

VI. Phòng bệnh nhiệt miệng như thế nào?

Để phòng ngừa nhiệt miệng, ThS. BS. Nguyễn Quang Dương nêu biện pháp hữu hiệu nhất là hạn chế tối đa các nguy cơ mắc bệnh, trong đó kể đến một số biện pháp sau:

  • Duy trì chế độ nghỉ ngơi phù hợp để tránh làm việc quá sức.
  • Tập thể dục đều đặn nhằm cải thiện sức khỏe, sức cơ, cân bằng và điều phối.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
  • Giảm căng thẳng trong cuộc sống với các bài tập yoga, thái cực quyền, thiền hoặc hít thở sâu để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh khác nhau, trong đó có nhiệt miệng.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ…

Xem thêm video đang được quan tâm:

14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?

Mai Hương
Ý kiến của bạn