Hà Nội

Chùm ca mắc COVID-19 ở TP HCM đang được kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm hơn 400 trường hợp liên quan

27-05-2021 13:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi phát hiện chùm ca bệnh COVID-19 liên quan đến một tổ chức tôn giáo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết: Tình hình đang được kiểm soát. Các lực lượng đang khẩn trương truy vết, xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Những khu vực có nguy cơ cao sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg.

Sáng 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TPHCM ngay sau khi phát hiện chùm ca dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến tổ chức tôn giáo có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

DDN_6837

Ngừng một số hoạt động, giảm quy mô tập trung xuống dưới 10 người

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, tính đến 10 giờ ngày 27/5, TPHCM ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính lần 1 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (có 29 người sinh hoạt tại tại phường 3, quận Gò Vấp), nâng tổng số ca dương tính lên tới 25 trường hợp, bao gồm 3 trường hợp ghi nhận từ tối 26/5 (được phân luồng và phát hiện sớm do đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định).

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch mới, các lực lượng đã tiến hành cách ly, thống kê có 16 quận/huyện liên quan đến các thành viên của tổ chức tôn giáo này.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện nay, các lực lượng đã lấy mẫu xét nghiệm 70 trường hợp F1 và 336 trường hợp F2. Trong ngày 27/5, ngành Y tế tiếp tục tầm soát những người tiếp xúc gần các F2 và xét nghiệm tầm soát rộng ở khu vực phong tỏa.

“Hiện nay, tình hình đang được kiểm soát. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đang thực hiện truy vết và gom gộp các điểm; thông báo với người dân những điểm phong tỏa tạm thời; từ đó tiếp tục xác định thêm tình hình rõ hơn”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Trước mắt, TPHCM sẽ ngừng một số hoạt động, giảm quy mô tập trung xuống dưới 10 người, dừng hết các hoạt động liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; tạm ngừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để giảm lượng giao lưu và tăng cường các biện pháp kiểm soát.

“Tinh thần những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao TPHCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg”, ông Dương Anh Đức cho biết.

DDN_6787
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết chùm ca bệnh mới phát hiện ở TPHCM vẫn đang được kiểm soát. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ động chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều đã có văn bản quy định trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều có các văn bản, chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Theo các quy định từ trước, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo đã thống nhất giao trách nhiệm của các cấp bên dưới là thực hiện chống dịch, thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly phù hợp để đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt yêu cầu phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cá nhân hoá trách nhiệm. Người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh/thành phố trực tiếp chỉ đạo và cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch ưu tiên hơn một bước”, Phó Thủ tướng nêu rõ, theo quy định, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 16/CT-TTg phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ để không “ngăn sông, cấm chợ” không cần thiết.

Trường hợp cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc, trách nhiệm trước hết giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về mặt hành chính, còn trong chỉ đạo điều hành, chống dịch, trước hết báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, nếu thấy tỉnh nào cần thiết phải giãn cách xã hội trên quy mô toàn tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh đó không đề nghị thì Bộ Y tế có quyền đề nghị với Thủ tướng chỉ đạo thực hiện.

Vì vậy, việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn ở mức độ nào, quy mô ra sao là thuộc thẩm quyền của của cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo TPHCM theo quy định, khi cần thiết thì phải báo cáo rõ những điểm cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương lân cận hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa vì TPHCM là đô thị lớn, đầu mối giao thông đi nhiều tỉnh thành cả nước.

Để hỗ trợ công tác chống dịch tại TPHCM, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết trước mắt trong 1 tuần sẽ điều phối những chuyến bay đưa người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước không hạ cánh xuống TPHCM.

Về đề xuất của TPHCM liên quan đến việc đón những thuyền viên trên các chuyến tàu ở nước ngoài về cập bến tại Vũng Tàu, nhiều trường hợp nhiễm COVID-19, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế thiết lập cơ sở điều trị sẵn sàng ở Vũng Tàu với sự hỗ trợ tăng cường của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM.

DDN_6778
Ban Chỉ đạo yêu cầu dáp ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ công tác phòng, chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đáp ứng đầy đủ vật tư, thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm cho Bắc Ninh, Bắc Giang

Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận thêm về công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, với thực tiễn rất đặc thù một số thôn, xóm nằm sát khu công nghiệp (KCN) có mật độ công nhân cư trú, ở trọ đậm đặc, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Thời gian tới, tất cả các yêu cầu về vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ được đáp ứng đầy đủ. Lực lượng quân đội, công an cũng chuẩn bị lực lượng để chi viện theo yêu cầu của địa phương hoặc Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia lưu ý mặc dù Bộ Y tế đã ký được một số hợp đồng mua vắc xin có tính nguyên tắc (còn chờ hợp đồng cụ thể), nhưng do nguồn vắc xin khan hiếm nên nhiều nước dù đã ký hợp đồng cụ thể thì tiến độ giao vắc xin vẫn bị chậm. Do vậy, mỗi người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Ngoài những đối tượng ưu tiên tiêm vaccine trong Nghị quyết 21/NQ-CP, Ban Chỉ đạo cũng đã yêu cầu tất cả công nhân làm việc trong nhà máy, KCN phải khai báo y tế, đây là bước chuẩn bị để đưa vào danh sách tiêm vắc xin khi có, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng cho những người làm việc trong các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tiếp xúc với nhiều người.


Thái Bình
Ý kiến của bạn