Hà Nội

Chùm ca bệnh thủy đậu tại trường học ở Lào Cai, làm gì để phòng bệnh hiệu quả?

17-03-2024 08:52 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Hơn 1 tuần trở lại đây, TTYT các huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà tỉnh Lào Cai ghi nhận thông tin về chùm ca bệnh thủy đậu trong trường học. Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não...

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặpChăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặp

SKĐS - Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc do virus từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh khi nói, ho, hắt hơi. Nếu chăm sóc không đúng khi trẻ mắc bệnh có thể gặp các biến chứng như: Sẹo trên da, viêm da, viêm tai... thậm chí là viêm màng não, viêm não…

Theo nhận định của ngành Y tế, khí hậu thay đổi, chuẩn bị vào mùa nóng ẩm sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus phát tán và lây bệnh. Đặc biệt ở các trường học, trẻ em là nhóm đối tượng nguy cơ cao, vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, nên rất dễ bị lây bệnh thủy đậu.

Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước, nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mụn nước mọc, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não... Vì vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng.

Các giai đoạn phát triển của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

- Giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 - 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.

- Giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.

- Giai đoạn toàn phát

Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu.

Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân, mọc kín trên cơ thể bệnh nhân. Mọc cả vào niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống. Một số trường hợp bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

- Giai đoạn hồi phục

Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm. Bởi thủy đậu sẽ để lại sẹo rỗ (lõm) sau khi chúng biến mất.

Chùm ca bệnh thủy đậu tại trường học ở Lào Cai, làm gì để phòng bệnh hiệu quả?- Ảnh 2.

Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh lành tính, chúng vốn sẽ khỏi sau 1 thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, bệnh nào cũng sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách. Các biến chứng của thủy đậu gồm:

Nhiễm trùng gây lở loét các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong: Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do dùng tay để gãi ngứa.

Gây viêm não, viêm màng não (xuất hiện sau 1 tuần mọc mụn nước): Là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng này hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 - 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.

Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: Các triệu chứng của biến chứng này là tiểu ra máu và suy thận.

Gây viêm tai giữa, viêm thanh quản: Do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy.

Phụ nữ mang thai bị thủy đậu: Mẹ bầu nếu bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh có thể lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang con, bé có thể bị khuyết tật hoặc tử vong.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

Tiêm chủng vaccine ngừa thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vaccine thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.

Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng.

- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.

Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vaccine thủy đậu trước khi dự định mang thai 3 - 5 tháng.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền.

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu, đại đa số từ 80 - 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt mụn nước, khoảng dưới 50 nốt và thường không bị biến chứng.

Thời gian ủ bệnh của thủy đậu từ 1 - 2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, trong vòng 3 ngày sau khi tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa bệnh.

Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu.

Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.

Vào ngày 6/3/2024, tại trường tiểu học thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xuất hiện một em học sinh mắc bệnh thủy đậu, với các triệu chứng điển hình như sốt kèm theo các nốt phỏng ở bụng và lưng vì đã từng tiếp xúc với ca bệnh thủy đậu trong cộng đồng trước đó.

Những ngày sau liên tiếp ghi nhận các trường hợp mắc bệnh thủy đậu trong nhà trường. Tính đến hết ngày 12/3/2024 có tổng số 28 ca mắc.

Cùng thời điểm này, các huyện Bắc Hà và Bảo Yên tỉnh Lào Cai cũng ghi nhận về những ca mắc thủy đậu là học sinh và giáo viên trường học. Cụ thể, tại trường mầm non xã Điện Quan, huyện Bảo Yên ghi nhận tổng số 24 ca bệnh, gồm 1 giáo viên và 23 học sinh. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Mòn 1, huyện Bắc Hà ghi nhận 23 em học sinh mắc bệnh thủy đậu.

Ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay sau khi có các điểm dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cử cán bộ giám sát trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn trung tâm y tế các huyện tăng cường kiểm tra giám sát các ổ dịch, phát hiện các ổ dịch mới, theo dõi các ổ dịch cũ, tiến hành đồng loạt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn