Chùm ảnh độc nhất vô nhị về Thái học đường

10-03-2010 08:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Phùng Anh Tuấn là cái tên khá quen thuộc trong làng nhiếp ảnh khi anh ra mắt hai cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật: Đất và thời gian (năm 2004), Lặng (năm 2008). Ở anh luôn chứa đầy sự bất ngờ.

Phùng Anh Tuấn là cái tên khá quen thuộc trong làng nhiếp ảnh khi anh ra mắt hai cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật: Đất và thời gian (năm 2004), Lặng (năm 2008). Ở anh luôn chứa đầy sự bất ngờ.

Âm thầm chụp ròng rã suốt hơn 1 năm trời, anh đã có bộ ảnh về toàn bộ quá trình xây dựng khu Thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Anh kể, ngày đó (cách đây 11 năm) anh chưa ý thức được rằng mình sẽ ra mắt triển lãm đặc biệt này mà chỉ nghĩ mình cần phải làm một điều gì đấy cho Hà Nội. Bộ ảnh được anh cất kỹ, chỉ có vài người bạn thân đồng nghiệp biết và đánh giá rất cao. Bộ ảnh không chỉ có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà còn cho cả quá trình lịch sử của Văn Miếu.

 Một góc khu Thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay.

Thái học đường ngày ấy và ba dấu ấn quan trọng

Công trình Quốc Tử Giám bị phá hủy từ đầu thế kỷ 19 khi vua Gia Long định đô ở Huế đã không thể khôi phục lại được vì không đủ tư liệu gốc. Sau nhiều năm nghiên cứu, Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội đã đi tới quyết định xây dựng khu Thái học trên nền Quốc Tử Giám xưa, tôn trọng bố cục không gian và ngôn ngữ kiến trúc hiện còn.

Ngày ấy, khu Thái học đường đang là bãi cỏ hoang, từ phía cây đa cổ thụ đổ vào mé trong là bãi cỏ mọc um tùm, rất hoang vu. Năm 1999, một hôm đi qua Văn Miếu, thấy trưng tấm bảng vẽ toàn bộ khu Thái học đường mà sau này sẽ làm khu di tích lịch sử, anh nảy ra ý định phải chụp công trình này từ khi khởi công tới lúc khánh thành.  Đọc được mẩu tin trên báo biết Văn Miếu bắt đầu được chỉnh trang quy hoạch lại ngày 13/7/1990, anh vác luôn chiếc máy ảnh cũ hiệu Minonta vào Văn Miếu chụp. Cứ cách 1 ngày anh lại tới "điểm hẹn" chụp mê mải 2 - 3 tiếng liền. Chụp hết mọi diễn biến, từ cảnh thợ đào móng, san nền, dựng nhà Tiền đường...

Không biết có duyên hay may mắn lớn mà anh bắt gặp được hầu hết các sự kiện quan trọng. Ba dấu ấn quan trọng nhất là: Lễ cất nóc nhà Thái học đường do chính Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bấm nút điện ròng rọc thả nóc nhà Thái học đường vào đúng vị trí (ngày 11/5/2000); Ngày khánh thành nhà Thái học có đầy đủ các lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo TP. Hà Nội; Và lễ đúc quả chuông Thái học Kim Thanh. Một may mắn nữa là buổi lễ khánh thành Thái học đường, anh vào xin ban tổ chức thông cáo báo chí và đến bây giờ vẫn giữ nguyên bộ tài liệu có dấu đỏ với chữ ký tay của ông Nguyễn Quang Lộc, Giám đốc khu Văn Miếu.

Ngày nay, nhà Thái học cùng với hồ Văn và vườn Giám, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan, làm tôn thêm giá trị vốn có, xứng đáng với tầm vóc quốc gia.

Và những câu chuyện hay

Một điều dễ nhận thấy, bây giờ xem bộ ảnh của anh như được tận mắt thấy hết toàn bộ diễn biến xây dựng khu Thái học đường.

Lần đầu tiên được xem đúc quả chuông Thái học Kim Thanh nặng hơn 1.000kg do nhân dân Thủ đô tặng với anh rất thú vị. Rất đông đại diện ban ngành, nhà hảo tâm, tổ Phật tử có mặt để chứng kiến giây phút linh thiêng đúc chuông. Xung quanh là những người thợ đội khăn đỏ, mặc áo xanh theo nghi lễ truyền thống của phường đúc đồng Xuân Trường (Nam Định) rất trang trọng. Theo phong tục dân gian, nếu thả vàng vào đúng lúc đúc chuông thì ngoài việc cho chuông ngân vang hơn, linh thiêng hơn thì công đức cho người ấy và cho con cháu họ rất lớn. Thế nên khi đúc chuông, rất đông Phật tử, nhân dân tới thả vàng vào nồi để lấy phước. Một lúc sau, hỗn hợp đồng sôi, hai người thợ rót  khối đồng nóng chảy vào khuôn chuông bằng đất sét ở dưới hố sâu và đợi tới hôm sau mới tới ngày dỡ khuôn. Người thợ phải dùng tời bằng sắt dỡ khuôn bằng đất sét bọc. Và anh không bỏ lỡ cơ hội chụp được lúc dỡ quả chuông, kéo lên khỏi mặt đất.

 Trống Sấm khởi dựng ngày 15/12/1999 tại Văn Miếu.Ảnh: Phùng Anh Tuấn

Dấu ấn thứ hai về dàn trống hội Thăng Long, anh chụp cô gái xinh đẹp mặc trang phục lễ hội đỏ rực rỡ đang giơ tay gióng lên hồi trống kỷ niệm 990 năm Thăng Long (đăng trên bìa báo Tuổi trẻ). Anh chụp được cả quá trình làm ra dàn trống hội Thăng Long gần 300 chiếc. Người thợ tài ba phụ trách tốp thợ làm trống là cụ Phạm Chí Tịnh, người làng Đọi Tam (Hà Nam) chuyên làm trống. Một chi tiết rất đắt giá là quả trống Sấm, trống Đại được làm hoàn toàn từ gỗ mít, mà phải cây to. Gỗ mít ấy được đặt tận Huế. Sau khi gỗ được chuyên chở từ Huế ra đến miền Trung, do bị lụt lội trôi mất nhiều đoạn, những người thợ trống ấy lại phải vào Huế tìm lại cây gỗ khác để bù lại, 2 lần vào Huế mới tìm đủ gỗ cho tang trống. Hai mặt trống của toàn bộ dàn trống hội Thăng Long không hề có đinh và neo lại mặt trống vào thân bằng đinh tre (chốt) đực. Gian nan hơn là họ phải đi lên vùng cao Tây Bắc tìm 2 con trâu cái nặng trên 1 tấn để lấy da bịt mặt trống thì khi đánh trống mới âm vang...

Giờ đây, mong ước của anh là được triển lãm ngay tại sân Thái học, đúng vị trí mà bộ ảnh được chụp và trưng bày vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long gồm 45 bức ảnh tiêu biểu, mang tính lịch sử và nghệ thuật cao của quá trình hơn 1 năm dựng xây. Sau đó, anh sẽ tập hợp toàn bộ ảnh và cho ra tập sách để dâng tặng món qua này cho Hà Nội yêu dấu.

Nhật Minh


Ý kiến của bạn