Chuẩn bị mâm cúng ngày 30 Tết

16-02-2015 19:10 | Tin nóng y tế
google news

Mâm cỗ đủ đầy cũng thể hiện lòng thành của con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên trong gia đình, cầu năm cũ qua đi năm mới đến trong an lành và may mắn.

Thông thường mâm cỗ cúng giao thừa thường được chuẩn bị và hoàn tất trước buổi trưa ngày 30 tháng Chạp. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, mâm cỗ cúng được gia chủ chuẩn bị với nhiều lễ vật cúng ngoài trời và trong nhà.

Sắp dọn bàn thờ

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải. Mỗi nhà sẽ có cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau.

Nhưng thông thường bàn thờ thường gồm: bát hương, đèn, bình hoa, đĩa hoa quả, nậm rượu, ấm trà hoặc 3 chén nước. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn.

Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5 hoặc gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương.

Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Chuẩn bị mâm cúng ngày 30 Tết
Nhiều gia đình vẫn giữ được truyền thống mặc áo the khăn xếp chuẩn bị mâm cúng ngoài trời.

Mâm cúng giao thừa ngoài trời

Theo tục lệ, việc cúng giao thừa để đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Cứ hết một năm, vị Thiên binh cũ sẽ giao công việc cho vị Thiên binh mới để cai quản. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Các vị Thiên Binh chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

Vì vậy, đối với những gia đình có điều kiện khó khăn, thì họ chỉ cần những lễ vật đơn giản nhưng chủ yếu là tấm lòng của người dâng hương.

Mâm cỗ ngoài trời thường có: gà trống luộc với ý nghĩa con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, sức khỏe , tiền tài…; Xôi nếp thể hiện cho sự no ấm và đầy đủ về lương thực trong năm mới; Chè (chè đậu xanh hoặc chè hoa cau); Hoa quả: người miền Bắc và miền Trung thường cúng mâm ngũ quả gồm chuối, bưởi, hồng, đào, quýt hoặc chuối, ớt, bưởi,quất, lê còn gười miền Nam thường gồm mãng cầu, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung (túc) vừa đủ xài".

Ngoài gà trống, xôi, hoa quả, chè thì một mâm cỗ sẽ cần thiết có những lễ vật cũng không kém phần quan trọng như: đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu/trà (rượu trước sau đến trà), một chiếc mũ chuồn mua của hàng mã (giống trong Tuồng Chèo), nhang, trầm, mứt tết, muối gạo, bánh kẹo…

Chuẩn bị mâm cúng ngày 30 Tết
Mâm cỗ ngày 30 Tết được các bà nội trợ biến tấu đa dạng phù hợp theo từng vùng miền.

Mâm cúng giao thừa trong nhà

Cúng giao thừa trong nhà chính là cúng tổ tiên ông bà, cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, những việc làm trong năm mới được suôn sẻ và gặp nhiều may mắn. Lễ vật cúng giao thừa trong nhà cũng tương tự như mâm cỗ ở ngoài trời.

Đối với cúng mặn: Ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), các món ăn mặn gồm thịt gà, bánh chưng, xôi, chân giò hầm măng, canh bóng thả, miến, thịt lợn, giò lụa.Tùy theo điều kiện mỗi nhà mà có thể bày mâm cỗ thêm đầy đủ và màu sắc. Có nhiều gia đình còn cúng thêm thịt đông, giò thủ, cá kho riềng, nộm su hào…

Đối với cúng chay: Các lễ vật đều giống như cúng mặn nhưng thay vì các món mặn thì đổi lại thành những món chay.

Khi cúng Giao thừa trong nhà, các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.

Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.

Theo VTC

 


Ý kiến của bạn
Tags: