Chuẩn bị kịch bản khi số ca mắc gia tăng, điều trị ca bệnh nặng ở Lai Châu

10-03-2022 21:03 | Y tế
google news

SKĐS - Chủ tịch tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương cần tính toán kịch bản phù hợp với từng thời điểm, dự phòng các cơ sở phụ để điều trị ca bệnh chuyển nặng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong ngày 10/3, Lai Châu ghi nhận 2.151 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy từ ngày 01/01/2022 đến nay, tỉnh này ghi nhận 23.532 ca mắc, trong đó TP. Lai Châu có số ca mắc cao nhất là 5.008 ca; sau đó là các huyện Tân Uyên: 4.004 ca; Than Uyên: 3.301 ca; Tam Đường: 2.847 ca…

Địa phương này hiện có 9.786 F0 đã khỏi bệnh, 13.746 người đang điều trị (trong đó điều trị tại các cơ sở y tế là 673 trường hợp; đang quản lý, điều trị tại nhà là 13.073 trường hợp).

Trong tổng số ca mắc đang điều trị có 0,63% ca nguy kịch, nặng, trung bình (nguy kịch: 05 ca, nặng: 06 ca, trung bình: 75 ca); 99,37% ca mắc không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ (5.434 ca nhẹ và 8.226 ca không có triệu chứng).

Về cấp độ dịch, Lai Châu có 03 xã/ thị trấn cấp 4; 54 xã, phường, thị trấn cấp 3; 19 xã/ thị trấn cấp 2; 30 xã/thị trấn còn lại cấp 1.

Lai Châu: Chuẩn bị kịch bản điều trị ca bệnh nặng - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Lai Châu lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị các Sở, ban, ngành cùng các địa phương trong tỉnh cần tính toán kịch bản phù hợp với từng thời điểm, dự phòng các cơ sở phụ để điều trị các ca bệnh chuyển nặng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phân bổ nguồn nhân lực hợp lý tránh quá tải để ai có bệnh cũng được tư vấn, chăm sóc khi cần thiết…

Cụ thế, các huyện, thành phố cần chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương, của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, bảo vệ bằng được hệ thống y tế, tránh quá tải, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong đội ngũ y tế. Tính toán đưa các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ về điều trị tại nhà, hạn chế các ca bệnh nhẹ trong cơ sở y tế để giảm tải cho hệ thống y tế.

Các xã phường cần phát huy tối đa vai trò của các tổ y tế lưu động, của từng y, bác sĩ trong việc phân vùng theo khu vực để tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà; cần phải có sự liên thông, tạo tâm lý yên tâm cho người bệnh, hạn chế thấp nhất những ca chuyển nặng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, làm việc. Đẩy mạnh các dịch vụ xét nghiệm theo quy định và khuyến khích người dân tự thực hiện test nhanh COVID-19…

Tăng cường kiểm tra các cửa hàng thuốc và kiểm soát giá thường xuyên, tránh gom hàng, đẩy giá tạo khan hàng và nhập đầy đủ các loại thuốc cần thiết để phục vụ nhu cầu cho người dân đặc biệt là kit test nhanh và thuốc điều trị COVID-19.

Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính ban hành hướng dẫn đồng bộ đối với các trường hợp sử dụng dịch vụ, trường hợp áp dụng bảo hiểm; đồng thời rà soát lại các trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, ngành Y tế phải chuẩn bị rất kỹ, từ việc chuẩn bị oxy, máy thở và việc điều phối oxy… để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả...

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các huyện quán triệt, tăng cường truyền thông và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong các trường học, yêu cầu phải thường xuyên theo dõi sát sao.

Lào Cai: Lên phương án điều trị hậu COVID-19Lào Cai: Lên phương án điều trị hậu COVID-19

SKĐS - Song song với công tác chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, ngành y tế Lào Cai cũng đang chuẩn bị cở sở vật chất và đội ngũ nhân lực y tế để đáp ứng nhu cầu điều trị các di chứng hậu COVID-19.


PV
Ý kiến của bạn