Chuẩn bị đấu giá nhiều thửa đất Hà Nội, kỷ lục giá có được thiết lập?

28-10-2024 06:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong tháng 11, dự kiến 77 lô đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) sẽ được tổ chức đấu giá, khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2 và 7,3 triệu đồng/m2.

Huyện Thanh Oai và Hoài Đức đấu giá trở lại

Tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), 25 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động sẽ được đưa ra đấu giá.

Các thửa đất đấu giá có diện tích 83-157 m2/thửa đất với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước của các lô đất là từ 88 triệu đồng đến 166 triệu đồng.

Về hình thức, phương thức đấu giá, việc đấu giá từng thửa đất thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng theo phương thức trả giá lên. Cuộc đấu giá được tổ chức lúc 8h30 ngày 16/11 tại Nhà thi đấu huyện Thanh Oai.

Chuẩn bị đấu giá nhiều thửa đất Hà Nội, kỷ lục giá có được thiết lập?- Ảnh 1.

Huyện Thanh Oai và Hoài Đức chuẩn bị đấu giá 77 lô đất.

Trước đó, phiên đấu giá ngày 10/8 tại xã Thanh Cao ghi nhận số lượng kỷ lục trên 4.200 hồ sơ với hơn 1.500 người tham gia. Kết thúc phiên đấu giá ngày 10/8, các lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2, gấp 5 đến 6,4 lần so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, cao nhất là lô góc có giá trúng gần 100,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, hết thời gian quy định, trong 68 lô đất đưa ra đấu giá chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền. Còn lại 55 lô khác, bao gồm cả người trúng lô đất có giá trúng cao nhất gần 100,5 triệu đồng/m2 đểu "bỏ cọc".

Bên cạnh Thanh Oai, trong tháng 11 huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá 52 thửa đất trong 2 cuộc đấu giá.

Cụ thể, 32 thửa đất (LK05 và LK06), thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - Xứ đồng Lòng Khúc sẽ được đấu giá vào ngày 11/11. Các thửa đất có diện tích 97-172 m2/thửa với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước của các lô đất là từ gần 142 triệu đồng đến gần 252 triệu đồng.

Hình thức, phương thức đấu giá là bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng theo phương thức trả giá lên. Buổi đấu giá được tổ chức lúc 8h ngày 11/11 tại hội trường Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức).

Đối với 20 thửa đất (Lô LK01 và LK02), thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - xứ đồng Lòng Khúc sẽ được đưa ra đấu giá vào ngày 4/11.

Các thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích 89-145 m2/thửa với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước của các lô đất là từ 130,8 triệu đến gần 212,6 triệu đồng. Hình thức đấu giá là cách bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 6 vòng theo phương thức trả giá lên. Bước giá áp dụng chung đối với các thửa đất là 6 triệu đồng/m2.

Trước đó cũng tại xã Tiền Yên, ngày 19/8, huyện Hoài Đức từng diễn ra phiên đấu giá hơn 20 tiếng với 9 vòng đấu, kết quả ghi nhận lô đất trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Khác với tình trạng bỏ cọc tại huyện Thanh Oai, theo thông tin từ UBND huyện Hoài Đức, người trúng đấu giá lô đất này đã nộp tiền cọc.

Dự báo kỷ lục giá mới tiếp tục được thiết lập

Trong báo cáo tuần cuối tháng 10 vừa được Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố, tổ chức này dự báo sức nóng từ các phiên đấu giá đất tại Hà Nội sẽ tiếp tục được duy trì và các kỷ lục mới về giá sẽ còn được thiết lập.

VARS cho rằng, với tình trạng cung - cầu và sức nóng của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội hiện tại, khả năng các kỷ lục giá mới tiếp tục được thiết lập trong các phiên đấu giá tới là rất cao và sẽ dần dần trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Điều này tới từ tâm lý đầu cơ vẫn còn và kỳ vọng tăng giá BĐS tiếp tục được duy trì.

Để đảm bảo quá trình đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, theo VARS cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục theo sát từng "động thái" của các cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu "bất ổn". Đồng thời, cũng xem xét để sớm đưa các điều chỉnh về cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ hơn liên quan đến hoạt động này vào đời sống để kịp thời nắn chỉnh hoạt động này đi đúng hướng. Trong đó, mức phạt bỏ cọc cần được xem xét nâng cao hơn. Như vậy, tăng sự "cân nhắc" giữa "được và mất" của các cá nhân tham gia đấu giá, hạn chế phần nào "trào lưu đầu cơ" thông qua hoạt động đấu giá.

Thứ ba, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng "sang tay" ngay trong thời gian ngắn. Và đặc biệt, điều quan trọng nhất, theo VARS vẫn nằm ở nút thắt về nguồn cung nhà ở. Cần sớm có các biện pháp tích cực và thiết thực để "khơi thông" nguồn cung nhà ở.

Trong đó, xem xét, tháo gỡ dứt điểm các dự án đang bị vướng mắc về pháp lý là cách nhanh nhất giúp bơm thêm nguồn cung vào thị trường. Khi cung dần đáp ứng cầu thì lúc đó tự khắc thị trường sẽ được căn chỉnh và vấn đề về giá nói chung và giá trúng đấu giá nói riêng sẽ tiệm cận hơn với giá trị thực của BĐS.

Xem thêm video được quan tâm:

Từ vụ ông Vương Tấn Việt dùng bằng giả, ĐBQH băn khoăn ‘còn bao nhiêu tiến sĩ rởm?’ | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn