Hà Nội

Chữa viêm da cơ địa bằng tắm lá, bé 5 tháng tuổi phải nhập viện

10-05-2024 19:43 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Sau 5 tháng gia đình tự ý chữa viêm da cơ địa cho bé bằng cách tắm nhiều loại lá, khiến vùng da bị bong tróc, chảy dịch, quấy khóc nhiều phải nhập viện.

Mới đây, BSCKII Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 5 tháng tuổi được gia đình đưa đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết.

Qua khai thác tiền sử bệnh, mẹ bé cho biết từ lúc 1 tháng tuổi, 2 bên má của bé đã nổi những mảng đỏ, sau đó lan ra tay, chân, da khô sần, ngứa nên bé hay cào gãi. Do gia đình chủ quan nghĩ là bệnh dị ứng ngoài da nên tự điều trị bằng mua thuốc bôi và tắm lá, đắp thuốc cho con, nhưng tình trạng không cải thiện. Gần đây bệnh nặng hơn, 2 má nề đỏ, chảy dịch, chảy mủ…, bé quấy khóc, bỏ bú nên gia đình mới đưa đi khám.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Tiến Thành chẩn đoán đây là tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm. Với tình trạng này phải được điều trị tích cực bằng các công nghệ cao: laser, ánh sáng… kết hợp chăm sóc tại chỗ: giảm viêm, giảm tiết, toàn thân được dùng kháng sinh, giảm kích ứng… phục hồi làn da tổn thương, giảm nguy cơ để lại sẹo ở mặt.

Chữa viêm da cơ địa bằng tắm lá, bé 5 tháng tuổi phải nhập viện- Ảnh 1.

Bé 5 tháng tuổi được gia đình đưa đến khám trong tình trạng da mặt, tay chân phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết.

Yếu tố gây viêm da cơ địa

Theo bác sĩ Tiến Thành, viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính, một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Ða số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa, do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý "ngứa-gãi" làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.

Bệnh gây ra bởi 3 yếu tố chính, bao gồm: môi trường, tổn thương hàng rào bảo vệ da và rối loạn đáp ứng miễn dịch. Các yếu tố môi trường làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: dị nguyên như bọ, bụi nhà, lông súc vật, thức ăn (trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ); khí hậu hanh khô (bệnh thường nặng vào mùa đông, nhẹ vào mùa hè); điều kiện vệ sinh; tình trạng nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm tụ cầu vàng (staphylococcus aureus); chủng ngừa vaccine; sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa …

Bệnh viêm da cơ địa gây ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngứa làm bệnh nhân mất ngủ. Tổn thương dày da, lichen hóa, thâm đen… làm bệnh nhân ngại ngùng khi giao tiếp và tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Trẻ em, người lớn có thể phải nghỉ học, nghỉ làm do các đợt bùng phát của bệnh.

Ở trẻ sơ sinh, tổn thương da thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình, biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vảy tiết vàng. Bệnh thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.

Chữa viêm da cơ địa bằng tắm lá, bé 5 tháng tuổi phải nhập viện- Ảnh 2.

BSCKII Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam thăm khám cho bệnh nhi.

Chia sẻ thêm bác sĩ Tiến Thành nói: Triệu chứng nổi bật nhất của viêm da cơ địa là ngứa, những cơn ngứa làm trẻ bị rối loạn giấc ngủ, biếng ăn qua đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.

Bên cạnh đó, ngứa, da khô nhiều sẽ kích thích trẻ cào gãi, khiến da trẻ bị trầy xước, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm da cơ địa bội nhiễm có thể để lại những biến chứng sau này.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm ở trẻ bị viêm da cơ địa như: bố mẹ chăm sóc da không đúng cách, tắm/đắp lá cây, tự ý mua thuốc bôi cho con có thể khiến bệnh da của trẻ nặng hơn, dai dẳng và tái phát nhiều lần; lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh hoặc lạm dụng các sản phẩm bôi chứa corticoid gây những biến chứng teo da, ảnh hưởng phát triển của trẻ khi dùng kéo dài, sai nồng độ…

Cần làm gì?

Bác sĩ Thành khuyến cáo, người bệnh tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Ðồng thời cho  thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát, loại trừ và tránh các chất gây dị ứng.

Ðiều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhân. Tùy theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà cho thuốc bôi phù hợp.

"Viêm da cơ địa ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng, loét da, để lại các vết thâm, sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng thẩm mỹ sau này. Vì vậy, khi bé có biểu hiện của bệnh lý, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp, ngăn cho bệnh diễn tiến nặng nề hơn, và tránh được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra do tự điều trị"-BS Thành cho biết thêm.

Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaViêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Viêm da cơ địa trước đây gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da rất hay gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc…

Khánh Mai
Ý kiến của bạn