Được du nhập vào Việt Nam
Bài thuốc dùng lá đu đủ để điều trị ung thư được dịch từ một bài báo nước ngoài nói về một người Úc tên là Stan Sheldon bị bệnh ung thư phổi trầm trọng (năm 1962), các bác sĩ kết luận ông không thể sống được nữa. Nhưng ông đã được một thổ dân Australia tiết lộ phương thuốc cổ truyền của họ là dùng lá đu đủ sắc nước uống. Ông Stan Sheldon uống liên tục trong 2 tháng thì phổi trong trở lại, sức khỏe bình phục. Sau đó ông đã chỉ cách chữa cho 16 người mắc một số bệnh ung thư khác nhau và họ đã khỏi hoàn toàn. Thông tin về bài thuốc này đã lan truyền nhanh chóng đến Việt Nam nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào quên lãng, không có bất cứ công trình nào nghiên cứu, công bố thêm về bài thuốc bí truyền này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận lại rầm rộ nhắc đến bài thuốc “lá đu đủ chữa ung thư” khi có thông tin GS Nguyễn Xuân Hiền, 93 tuổi, nguyên Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giới thiệu đang sở hữu công thức bài thuốc và muốn cơ quan chức năng nghiên cứu để công bố rộng rãi cho người dân. Được biết ông đã hướng dẫn cho gần 300 người sử dụng. Kết quả nhiều bệnh nhân đỡ một phần, đỡ hoàn toàn hoặc kéo dài thêm sự sống.
Điển hình là trường hợp bà Lê Thị Đặng, ở đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Năm 1998, chồng bà Đặng là ông Bùi Hoán, bị bệnh ung thư lưỡi giai đoạn III, thường xuyên phải vào Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để xạ trị nhưng bệnh tình vẫn không tiến triển. Lúc đó, khối u từ rìa lưỡi bên phải đã di căn xuống xương hàm, thủng ra má phải. Bà Đặng đã áp dụng bài thuốc uống nước sắc lá đu đủ cho chồng. Sau một thời gian ông Hoán đã hết đau miệng, nói được, ngủ được. Đặc biệt các vết lở loét đã hoàn toàn lành lặn, các nội tạng trong cơ thể rất ổn định. Sau vài tháng ông đã khỏi bệnh và sống thêm được 7 năm rồi mất vì tuổi già.
Trong suốt 2 năm nghiên cứu, ứng dụng từ năm 2005-2007, GS Nguyễn Xuân Hiền đã hướng dẫn cho 12 bệnh nhân và kết quả cho thấy: 4 trường hợp (3 u phổi, 1 chửa trứng) uống trên 5-6 tháng thì sức khỏe ổn định, lên cân, u thu nhỏ, hết hạch cổ, đỡ ho, đau; 3 trường hợp u phổi khác uống được hơn 2-3 tháng thì u nhỏ đi, sức khỏe tốt hơn; 1 trường hợp bị u phổi khác uống được 2 tháng, bệnh tiếp tục tiến triển, đau, ho nhiều; 3 trường hợp chết (1 u phổi, 1 u dạ dày, 1 u gan) chỉ uống chưa được 2 tháng sau đó chuyển thuốc Đông y khác; 1 trường hợp u đại tràng di căn chỉ uống chưa được 2 tháng, kết quả không mấy tiến triển.
GS Nguyễn Xuân Hiền nhấn mạnh, nhiều người, đặc biệt với những người chưa qua phẫu thuật khối u, chưa chạy xạ, truyền hóa chất chống ung thư thì kết quả tốt và nhanh hơn. Các nghiên cứu cho thấy, trong lá đu đủ có men papain và trong men papain có chất carotenoid và Iso thyocyanotes có khả năng kích thích sản xuất Cytokin Th1 - type là yếu tố miễn dịch, do đó có thể ức chế tế bào ung thư mạnh gấp triệu lần các thuốc chống ung thư Tây y.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cho tới nay nước sắc lá đu đủ chữa ung thư vẫn chưa được khoa học công nhận, vì thế rất khó biết nó có tác dụng thực sự hay không, nếu có thì ở chừng mực nào và các phản ứng phụ có thể xảy ra.
Chưa có cơ sở khoa học
Ths Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau, Bệnh viện K cho biết tháng nào khoa cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị tai biến nặng nề, thập tử nhất sinh ở giai đoạn cuối do dùng các loại lá thuốc, thuốc Nam, lá đu đủ, thậm chí cả thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Lúc đến bệnh viện thì khối u sưng to, di căn nhiều nơi, bệnh nhân suy kiệt... nên điều trị chủ yếu là nâng cao chất lượng sống, giảm đau cho người bệnh chứ không còn cơ hội chữa.
Bệnh ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi bệnh, ở giai đoạn muộn giúp kéo dài sự sống. Nhưng nhiều người khi phát hiện ung thư lại không đi điều trị mà tự ở nhà uống nước lá đu đủ, thuốc nam khiến bệnh nhân bỏ qua mất “thời gian vàng” khiến khối u phát triển nhanh hơn. Khi bị ung thư cần phải điều trị bằng các biện pháp tiên tiến đã được chứng minh, nếu muốn có thể dùng thêm thuốc Nam hoặc lá đu đủ để hỗ trợ mà thôi.
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương cũng đã từng thí nghiệm dùng cho bệnh nhân nước sắc lá đu đủ khi chưa có nhiều thuốc điều trị. Tuy nhiên cũng không có kết quả. Bệnh ung thư phổi phát triển rất nhanh, có khi chỉ 3 - 6 tháng bệnh nhân đã tử vong. Việc dùng nước lá đu đủ đáp ứng chậm, phải sau vài tháng mới thấy có kết quả, do đó nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị ngay mà dùng lá đu đủ có thể đánh mất cơ hội sống của mình. Lá đu đủ được thổ dân Australia dùng là loại “paw paw” - đu đủ thân gỗ, còn đu đủ ở Việt Nam là cây thân thảo. Hơn nữa, đu đủ có tới cả trăm loài, lấy loại lá nào, hàm lượng bao nhiêu thì lại không rõ. Đặc biệt, trong đu đủ có chất papain bào dạ dày nên những người bị dạ dày rất nguy hiểm.
Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Ngoài phẫu thuật, hóa chất, xạ trị còn có nhiều loại thuốc đáp ứng điều trị rất tốt. Nhiều người chỉ truyền hóa chất, khối u đã gần như hết hẳn. Hơn nữa, theo các bác sĩ ở Bệnh viện K, Viện Dược liệu và Hội Đông y Việt Nam đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc lá đu đủ đã được triển khai cách đây mấy năm nhưng đều thất bại. Và đến thời điểm này, chúng ta chưa có công bố chính thức nào. Hiệu quả của nó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và theo các tài liệu không chính thức được công bố lẻ tẻ.
Những sai lầm của bệnh nhân ung thư
Quan niệm sai lầm phổ biến trong chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư mà hầu hết bệnh nhân thắc mắc và thậm chí không nghe lời khuyên của thầy thuốc là kiêng ăn ở nhiều mức độ khác nhau, nhất là ăn thịt, rau, thậm chí quan niệm thịt, rau có màu đỏ là kiêng tuyệt đối vì ăn nhiều kích thích ung thư phát triển nhanh hoặc kiêng ăn thịt gà, trứng vịt lộn, rau dền, cà rốt... Nhu cầu của người bệnh cũng như người thường cần năng lượng cho hoạt động của cơ thể, thậm chí cần nhiều hơn cho nhu cầu điều trị bệnh ung thư. Các tế bào ung thư phát triển ngoài tầm kiểm soát của cơ thể nên nó không phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng, nó chỉ phụ thuộc vào các chế độ điều trị đặc hiệu bệnh ung thư như phẫu thuật, tia xạ hoặc hóa chất... Một số bệnh nhân kiêng ăn toàn diện mà chuyển sang ăn gạo lứt là không nên theo vì chỉ ăn gạo lứt có thể gây thiếu dinh dưỡng cho cơ thể. Một số trường hợp đã phải vào viện cấp cứu vì phương pháp trên, số khác lỡ mất cơ hội điều trị bệnh, sau một thời gian quay lại viện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn, cơ may điều trị khỏi trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân ung thư nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm; Ăn ít, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (5-6 bữa); chọn thức ăn hoặc thức uống giàu dưỡng chất dành cho người bệnh ung thư để đảm bảo dinh dưỡng và duy trì hoặc cải thiện cân nặng; uống đủ nước, khoảng 2-2,5 lít trong ngày; tập luyện cơ thể có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tình trạng mệt mỏi và chán nản rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư, tránh tình trạng teo cơ.
Theo An ninh Thủ đô