Thông tin độc quyền của báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống
8h phẫu thuật tái tạo mũi
Bệnh nhân nữ, 54 tuổi, cách đây 5 tháng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sẹo mất hoàn toàn đầu mũi và trụ mũi, mất gần hết cánh mũi 2 bên, phần còn lại của mũi bị co kéo, dính, khiến lỗ mũi của bệnh nhân bị thu hẹp hơn bình thường, ảnh hưởng đến thông khi qua mũi khi bệnh nhân vận động gắng sức. Hơn nữa, tình trạng này làm bệnh nhân tự ti, mặc cảm, luôn phải bịt khẩu trang khi giao tiếp.
Khi đến khám ở BV Xanh Pôn, GS BS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ đã nhận lời phẫu thuật cho bệnh nhân. Xác định đây là một ca khó, phức tạp, cần tiến hành vi phẫu tỉ mỉ để đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân, GS Trần Thiết Sơn đã huy động ê kíp làm việc gồm 6 phẫu thuật viên. Các bác sỹ chuyển một phần da và sụn vành tai nối ghép và tái tạo đầu, trụ và cánh mũi. Cuộc phẫu thuật kéo dài 8 tiếng. Sự nỗ lực cố gắng của ekip phẫu thuật và sự tin tưởng, hợp tác của bệnh nhân đã được đền đáp xứng đáng bằng kết quả không thể tốt hơn.
Hình ảnh mũi của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật Ảnh: BSCC
Kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt da và sụn vành tai để tạo hình đầu mũi mất hoàn toàn
TS. BS Phạm Thị Việt Dung, một trong những bác sĩ tham gia phẫu thuật của BV Xanh Pôn cho biết, trước đây, những bệnh nhân có khiếm khuyết ngoại hình tương tự như mất một phần hoặc hoàn toàn mũi thường chịu sống chung với ngoại hình của mình như vậy suốt đời hoặc được tạo hình khuyết đầu mũi, cánh mũi bằng các vạt da tại chỗ như da ở rãnh mũi má, da ở trán, hoặc các vạt da vi phẫu lấy từ cẳng tay, từ đùi…song hình thể mũi tạo hình vẫn có sự khác biệt với mũi tự nhiên do không da khác biệt với da mũi, tạo đầu, cánh mũi quá dày và không tạo được đường viền giống như đường viền cánh mũi.
Tái tạo toàn bộ đầu mũi, trụ mũi và cánh mũi hai bên sao cho giống với mũi tự nhiên nhất cho đến nay vẫn là thách thức lớn đối với các phẫu thuật viên trong nước và quốc tế.
Vành tai và vạt da trước tai được lấy ra để tạo hình mũi
Kỹ thuật vi phẫu chuyển vạt da và sụn vành tai để tạo hình đầu mũi mất hoàn toàn là một kỹ thuật khó, tỉ mỉ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng phẫu tích thật khéo léo để lấy vạt da và chuyển vạt, ghép nối các mạch máu. TS Dung giải thích, các mạch máu đi lên da đầu chia các nhánh trong vành tai rất nhỏ, khi lấy vạt da ở vành tai chuyển đến đầu mũi, phẫu thuật viên phải nối các mạch máu đó, với các động tĩnh mạch của mặt hay ở rãnh mũi má. Các mạch máu ở nơi nhận cũng có kích thước rất nhỏ, đường kính mạch chỉ 0,5mm-1mm. Bác sĩ phải dùng kính vi phẫu để nhìn rõ những mạch máu siêu nhỏ để ghép.
Hơn thế nữa, trước, trong và sau khi chuyển vạt da sụn, bác sỹ phải hình dung ra được khuyết thiếu cần tái tạo và thiết kế vùng lấy chất liệu tạo hình ở vành tai sao cho vừa khớp với tổn khuyết. Công đoạn này thực sự cần tới óc tưởng tượng về không gian ba chiều và kinh nghiệm về kỹ thuật chuyển ghép các vạt da.
TS. BS Phạm Thị Việt Dung thăm khám cho bệnh nhân
Với ca phẫu thuật này, bệnh nhân mất hoàn toàn đầu mũi, vạt da cần để tạo hình phải rất lớn, mà lấy hoàn toàn trên vành tai một bên sẽ không đủ để tái tạo toàn bộ đầu mũi, cánh mũi và trụ mũi. "GS.TS Trần Thiết Sơn đã có một sáng tạo, ông đã lấy thêm vùng da ở phía trước tai để tạo hình cánh mũi bên kia”, TS Dung cho hay. Trong những ca này, sử dụng một phần vành tai, nơi có cấu trúc cong, tương tự như cánh mũi là chất liệu tốt nhất giúp mũi sau tái tạo được tự nhiên.
TS Dung chia sẻ, sau phẫu thuật, mũi bệnh nhân đang dần ổn định, hình dạng mũi tự nhiên, màu sắc cũng gần với màu da xung quanh. So với trước đây, bệnh nhân không chỉ cải thiện chức năng thẩm mỹ mà chức năng hô hấp (thở) của bệnh nhân tốt hơn và bệnh nhân tự tin hơn khi giao tiếp.
TS Dung tiết lộ, sau thành công này, nhóm phẫu thuật đang viết bài báo và đăng ký báo cáo hội nghị quốc tế về trường hợp này cũng như 5 trường hợp phẫu thuật tạo hình cánh mũi bằng vạt da sụn vành tai tại khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn.