Chửa trứng và biến chứng ung thư nhau thai

16-11-2013 08:00 | Đời sống
google news

Chửa trứng không còn là chuyện lạ đối với phụ nữ Việt Nam. Nhưng những tác hại của chửa trứng đối với sức khỏe sinh sản, hay biến chứng thành ung thư nhau thai của chửa trứng thì không phải chị em nào cũng biết.

Chửa trứng không còn là chuyện lạ đối với phụ nữ Việt Nam. Nhưng những tác hại của chửa trứng đối với sức khỏe sinh sản, hay biến chứng thành ung thư nhau thai của chửa trứng thì không phải chị em nào cũng biết.

Chửa trứng là gì?

Bình thường nhau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Khi nhau thai sản sinh quá mức, phát triển thành khối không được kiểm soát được gọi là chửa trứng. Đa số trường hợp chửa trứng không có bào thai, gọi là “chửa trứng hoàn toàn”. Một số trường hợp có bào thai, nhưng không sống được gọi là “chửa trứng bán phần”.

Gọi là chửa trứng vì trong dạ con có nhiều nang trông như các quả trứng, hoặc chùm nho. Đó là do các lông nhau thai sinh sôi và căng phồng.

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học cho thấy có thể do sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ. Nếu phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, quá trình thụ tinh dễ gặp bất thường. Ngoài ra, những nguyên nhân như sai sót ở trứng, bất thường ở dạ con, thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic... dễ có nguy cơ bị thai trứng toàn phần.

Bình thường, chửa trứng không nguy hiểm, vì khoảng 80% chửa trứng là lành tính, bệnh khỏi sau khi nạo lấy hết nhau thai hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh đẻ nữa. Khoảng 10 - 15% chửa trứng trở thành loại xâm nhập, bệnh ăn sâu vào thành dạ con, gây chảy máu và các tác hại nguy hiểm khác. Khoảng 2 - 3% chửa trứng trở thành ung thư nhau thai. Khi đã thành ung thư nhau thai, bệnh phát triển nhanh, lan rộng, di chuyển tới các nơi khác như phổi, não...

Chửa trứng và biến chứng ung thư nhau thai 1
 Hình ảnh chửa trứng.

Phân biệt chửa trứng và biến chứng ung thư nhau thai  

Chửa trứng và ung thư nhau thai có những biểu hiện giống nhau và khá điển hình, đó là: chảy máu âm đạo; ra dịch, các vật bất thường; đau bụng dưới; nôn hoặc buồn nôn; chảy dịch đầu vú bất thường; bụng dưới to như có thai; bụng không nhỏ lại sau khi sinh. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân sẽ dễ bị khó thở, liệt, co giật. Vì thế, khi có các biểu hiện kể trên, chị em nên đi khám chuyên khoa sản để xác định bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, nếu đã xác định chắc chắn là chửa trứng, bệnh nhân sẽ được tư vấn cách điều trị. Bệnh nhân sẽ được điều trị bệnh kết hợp như tiền sản giật, sản giật, thiếu máu, rối loạn điện giải. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lấy khối thai bằng cách hút nạo. Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian thực hiện và không gây biến chứng tử cung. Nếu bệnh nhân chưa có con hoặc chưa sinh đủ con, bác sĩ sẽ nạo sạch trứng trong buồng tử cung. Với những phụ nữ đã sinh đủ con, tốt nhất là cắt buồng tử cung.

Tiếp theo, bệnh nhân chửa trứng lành tính phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu 2 tuần/lần cho đến khi lượng hCG trở về bình thường. Khi hCG đã về mức cho phép, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong thời gian 6 tháng, cùng với việc làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu bác sĩ yêu cầu.

Như trên đã nói, có khoảng 2 - 3% trường hợp chửa trứng ác tính, tức là ung thư nhau thai. Ung thư nhau thai chiếm tỷ lệ khá cao ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, khoảng 30/1.000 ca sinh và 2,6/1.000 ca có thai.

Ung thư có nguồn gốc từ sự đột biến gen của những tế bào nuôi, một thành phần trong số những tế bào chịu trách nhiệm hình thành các tổ chức có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai (bánh nhau, cuống rốn...). Tuy nhiên, những nguyên nhân của sự đột biến vẫn chưa được rõ. Người ta ghi nhận ung thư nhau có thể xảy ra trong một lần mang thai và ở những phụ nữ có tiền căn sản khoa bất thường trước đó, như: thai trứng (chiếm đến 50% các trường hợp ung thư nhau), sẩy thai tự nhiên (khoảng 20%), thai ngoài tử cung (chỉ 2%)...

Đa số các trường hợp ung thư nhau thai thường không có dấu hiệu báo trước đến khi bệnh bộc phát. Khi đã mắc bệnh, các triệu chứng thường gặp là: Thai phụ có thể nôn nhiều và kéo dài. Bụng to hơn tuổi thai. Phần lớn các trường hợp đều có dấu hiệu xuất huyết âm đạo (có thể rỉ rả hoặc ồ ạt). Đau bụng từng cơn hoặc liên tục. Đau ngực, khó thở, ho ra máu..., nếu đã có di căn phổi. Có triệu chứng thần kinh nếu có di căn não.

Khi bệnh nhân có nghi ngờ bị ung thư nhau thai, cần làm một số khảo sát và xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ thêm cho việc chẩn đoán như: sự tăng cao bất thường của nồng độ Beta hCG trong máu và trong nước tiểu. Siêu âm bụng sẽ giúp xác nhận tình trạng không có thai trong tử cung và cho phép các bác sĩ tiến hành nạo lòng tử cung để sinh thiết. Ngoài ra, qua siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện các di căn ở gan. Chụp Xquang phổi cũng cần để giúp phát hiện các di căn phổi nếu có.

Lời khuyên của thầy thuốc

Tuy nguy hiểm, nhưng ung thư nhau lại là một trong những loại ung thư nhạy với hóa trị. Nếu chưa bị di căn, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị và phẫu thuật, trong đó, hóa trị đóng vai trò tiên quyết trong việc điều trị ung thư nhau.

Sau khi đã hóa trị và đạt được kết quả tốt, tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ buồng tử cung và hai buồng trứng, hay cân nhắc khả năng phẫu thuật bảo tồn, tức là chỉ lấy bỏ bướu tử cung hoặc âm đạo cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần đi khám lại, thử máu, nước tiểu định kỳ theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Với những người có nguyện vọng sinh con, ngoài tuân thủ chung, bệnh nhân cần có biện pháp tránh thai ngay sau chữa bệnh và chỉ có thai sau 1 năm từ ngày chữa bệnh. Bệnh nhân điều trị ung thư nhau thai thành công, khi mang thai lại cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện, điều trị kịp thời các biến chứng ác tính sau đó.       

BS. Bằng Linh


Ý kiến của bạn