Hà Nội

Chữa triệu chứng hô hấp hậu COVID-19 như thế nào?

23-03-2022 10:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Các dấu hiệu nhận biết ảnh hưởng hô hấp hậu COVID-19 bao gồm: Khó thở, ho kéo dài, đau ngực... Xơ phổi mô kẽ hậu COVID-19 là biến chứng nghiêm trọng nhất của hậu COVID-19.

Điều trị các biểu hiện hô hấp hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương kính mờ phổi phải (trái) và đông đặc thùy dưới hai phổi (phải) trên X-quang phổi thẳng.

1. Đối với bệnh nhân có biểu hiện hô hấp hậu COVID-19

- Khi có những biểu hiện trên sau mắc COVID-19, bệnh nhân cần đi khám để được bác sĩ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.

- Không tự ý mua thuốc hoặc nghe kinh nghiệm điều trị của người khác mà uống thuốc theo.

- Không đọc các tin trên mạng dẫn đến hoang mang lo lắng và không nên tin vào các bài thuốc điều trị trên mạng, dẫn đến tiền mất tật mang.

2. Đối với bác sĩ

- Khi bệnh nhân có triệu chứng hô hấp kéo dài hậu COVID 19 đến khám, cần có bản hướng dẫn hỏi bệnh tỉ mỉ cho bệnh nhân, khám đánh giá mức độ khó thở, phát hiện các triệu chứng thực thể hô hấp.

- Cần cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để phát hiện bệnh lý phổi cũng như biến chứng tắc mạch phổi như:

  • Chụp phim X-quang phổi thường quy (nếu nghi ngờ tổn thương viêm, xơ phổi hoặc tắc mạch mạch phổi cần chụp CT- Scan ngực đa dãy, có thuốc cản quang tĩnh mạch).
  •  Xét nghiệm công thức máu thường quy, tốc độ lắng máu, thời gian Prothrombin, xét nghiệm TSH, FT3, FT4...
  •  Xét nghiệm D-dimer (xét nghiệm sinh hóa được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu), điện tim, đo chức năng thông khí phổi, hoặc phế thân ký nếu nghi ngờ xơ phổi kẽ nhằm đánh giá dung tích toàn phổi, khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch, tiến hành làm test đi bộ 6 phút, đo độ bão hòa oxy mao mạch (nếu thấy giảm hoặc bệnh nhân khó thở năng cần đo khí máu động mạch).
Điều trị các biểu hiện hô hấp hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Hình ảnh dày thành phế quản (trái) và đường Kerley B do phù mô kẽ (phải) trên X-quang phổi thẳng.

3. Điều trị cụ thể

Sau khi có kết quả khám bệnh và xét nghiệm, kết luận các tình trạng bệnh lý hô hấp, bác sĩ có thể tư vấn, kê đơn điều trị cho người bệnh, cần chú ý một số điểm sau:

- Khi bệnh nhân được kết luận có hội chứng tăng phản ứng đường thở sau viêm thì có thể dùng thuốc corticosteroid tại chỗ, dạng phun hít liều cao. Triệu chứng thường hết sau vài tuần điều trị.

- Để phòng ngừa và điều trị thuyên tắc phổi, cần chú ý những bệnh nặng kèm với nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi, cần dùng thuốc chống đông theo hướng dẫn. Chú ý theo dõi khả năng bị cao áp phổi sau 12 tuần. Nếu không có cao áp phổi thì ngừng điều trị với thuốc chống đông. Tuy nhiên, khi D-dimer ≥1000 U thì cần chỉ định điều trị thuốc chống đông máu.

- Để phòng ngừa xơ phổi hậu COVID-19 thì cần rút ngắn thời gian nằm tại trong tâm hồi sức tích cực nhất có thể, tránh thở máy không xâm nhập nếu có thể. Nếu cần thở máy cố gắng sử dụng áp lực thấp kết hợp với điều trị tốt các bệnh kết hợp và ngăn ngừa bội nhiễm.

Điều trị triệu chứng hô hấp hậu COVID-19 như thế nào? - Ảnh 3.

PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến khám tình trạng hô hấp hậu COVID-19 cho bệnh nhân.

 Hiện nay, người ta thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa mật độ cao của virus và mức độ xơ phổi hậu COVID-19. Vì vậy, có thể thấy vai trò của việc dùng các thuốc điều trị kháng virus đối với tình trạng xơ phổi với remdisivir, favipiravir đã được chứng minh trong vài nghiên cứu và các thuốc mới hơn như molnupiravir, paxlovid.

- Đối với các thuốc kháng viêm như corticosteroid toàn thân đã được WHO chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ hô hấp, nhưng cũng chưa có chỉ định dùng dài hạn để ngừa xơ phổi hậu COVID-19. Có vài nghiên cứu đề xuất việc dùng prednisolone ngay khi có tổn thương kính mờ lan tỏa trên phim X-quang phổi cho đến khi cải thiện trên hình ảnh trên phim.

- Về điều trị thuốc chống xơ phổi thì cần phải theo dõi hình ảnh phổi trên phim X-quang cho đến 3 tháng sau COVID-19 thì phần lớn xơ phổi sẽ thuyên giảm, do đó không cần điều trị bằng thuốc chống xơ ngay.

Tuy nhiên, nếu xơ phổi vẫn còn tồn tại sau 3 tháng thì có thể sử dụng thuốc chống xơ. Vì vậy có thể chỉ định dùng pirfenidone hoặc nintedanib cho những bệnh nhân này nhưng phải dùng ít nhất 1 đến 3 tháng để biết được đáp ứng của chúng bằng theo dõi lâm sàng kết hợp với đánh giá hình ảnh và làm test đi bộ 6 phút. Vấn đề dùng thuốc chống xơ đang được tiếp tục triển khai ở một số nghiên cứu pha III trên thế giới.

Phục hồi chức năng hô hấp hiện nay vẫn được coi là phương pháp điều trị then chốt. Nếu được nhân viên y tế tư vấn hướng dẫn cẩn thận, bệnh nhân có thể áp dụng tại nhà. Nếu bệnh nhân khó thở nặng và giảm oxy máu thì việc sử dụng oxy dài hạn tại nhà cùng với phục hồi chức năng hô hấp tại nhà sẽ rất tốt và cần theo dõi sát SpO2, cần tăng oxy khi bệnh nhân gắng sức và thở oxy về đêm.

Ngoài ra, còn có thể kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác: Thuốc chống đông, hỗ trợ tâm lý, tiêm phòng cúm và phế cầu khuẩn cũng như theo dõi sát các trường hợp xơ phổi tiến triển nặng để cân nhắc chỉ định ghép phổi.

Mời độc giả xem thêm video:

Dịch căng thẳng ở nhiều tỉnh thành, 3 triệu học sinh phải dừng đi học trực tiếp

PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến
Chủ nhiệm bộ môn Nội hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn