Chữa trị sớm viêm khớp phản ứng để tránh biến chứng

14-04-2021 08:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh viêm khớp phản ứng (VKPƯ) là tình trạng viêm khớp thường xuyên xảy ra do nhiễm trùng ở một cơ quan khác của cơ thể, phổ biến nhất là ở hệ tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hóa. Bệnh có thể gây tổn thương ở một số cơ quan khác như: kết mạc, niệu đạo, đại tràng hoặc cầu thận…

Có tới 10-20% VKPƯ là giai đoạn báo hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến... Vì vậy chẩn đoán và điều trị sớm bệnh VKPƯ sẽ góp phần giúp bệnh nhân tránh được những tổn thương trầm trọng ở hệ thống vận động.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây VKPƯ được xác định là do một số loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục hoặc đường tiêu hóa. Nhưng cũng có tới 20% các trường hợp VKPƯ không tìm được nguyên nhân.

Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có thể kể đến như: Salmonella, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia... hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục như Chlamydia, Trachomatis.

Một số ca VKPƯ lại gặp ở bệnh nhân mắc lao hệ thống hoặc virus cũng được cho là nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng như: Rubella, virus viêm gan, Parvovirus, HIV,...

Một số trường hợp viêm khớp vô khuẩn cũng gặp sau các viêm đường ruột mạn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.

VKPƯ thường xảy ra nhất ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, gót chân, lưng...

VKPƯ thường xảy ra nhất ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, gót chân, lưng...

Triệu chứng bệnh

VKPƯ có các triệu chứng thường bắt đầu từ 1-3 tuần sau khi cơ thể bị nhiễm trùng với các triệu chứng như: đau và cứng khớp: các hiện tượng đau khớp liên quan với viêm khớp thường xảy ra nhất ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, cũng có thể bị đau ở gót chân, lưng hoặc mông; nhiều trường hợp mắc bệnh VKPƯ cũng có thể bị viêm mắt, đỏ, ngứa, nóng mắt; bệnh nhân bị VKPƯ bị tăng tần suất và có cảm giác khó chịu khi đi tiểu với các biểu hiện nóng bức, cảm giác chậm chích khi tiểu tiện, tiểu mủ vô khuẩn ở bệnh nhân nam (dương vật chảy ra chất không phải nước tiểu và không chứa vi khuẩn). Các biểu hiện viêm đường tiết niệu; trong một số trường hợp, bệnh nhân bị sưng phồng ngón chân hoặc ngón tay; ngoài ra, có thể có các triệu chứng khác như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, cứng khớp, đau gót chân, đau thắt lưng, lở miệng và lưỡi nhưng không đau, nổi mụn nhọt ở đầu dương vật và phát ban ở lòng bàn chân.

Ngoài ra, bệnh VKPƯ ở trẻ em với biểu hiện sau khi trẻ chạy nhảy, vận động nhiều bị mỏi, vận động, di chuyển gặp nhiều khó khăn.

Bệnh VKPƯ là một trong những bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, các vi khuẩn gây ra bệnh lại có thể lây từ người này sang người khác thông qua đường tình dục hoặc trong thực phẩm bị ô nhiễm.

Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Để chẩn đoán bệnh VKPƯ có thể thông qua khám lâm sàng như quan sát và kiểm tra các triệu chứng nhiễm trùng. Hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm cụ thể để xác định hội chứng Reiter, tuy nhiên cũng có thể làm xét nghiệm tốc độ lắng máu (ESR). Khi kết quả tốc độ lắng máu cao hơn bình thường sẽ có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng. Ngoài ra, có thể thông qua kiểm tra tồn tại kháng nguyên HLA-B27 hay không có thể xác định được tình trạng bệnh. Chụp Xquang để kiểm tra các khớp bị ảnh hưởng.

Để điều trị bệnh VKPƯ có thể sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh; tập thể dục và vật lý trị liệu.

Các loại kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm trùng, thuốc kháng viêm không chứa steroid giúp giảm đau, cứng và sưng khớp. Trường hợp bị viêm khớp mạn tính có thể cần thêm phương pháp khác để tăng miễn dịch và giảm đau như tiêm cortisone vào khớp. Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt steroid được chỉ định nếu có triệu chứng nhiễm trùng ở mắt.

Phương pháp vật lí trị liệu và tập thể dục rất quan trọng khi điều trị viêm khớp phản ứng với các bài tập giãn cơ và các bài thể dục thả lỏng khớp và cơ. Bên cạnh đó cũng cần tập đi đứng và ngồi đúng tư thế nhằm giảm đau và giữ cho hoạt động của khớp và xương sống không bị biến dạng.

Cách phòng ngừa hiệu quả

Cách tốt nhất để phòng ngừa VKPƯ là loại trừ những nguy cơ gây bệnh, cụ thể như: duy trì điều trị và tái khám theo chỉ định của bác sĩ; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để giữ khớp không bị co cứng; sử dụng miếng dán nóng hoặc tắm nước nóng để giảm hiện tượng co cứng, đau và giảm sưng; duy trì tư thế ngồi, đứng và ngủ đúng cách; sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như: sử dụng bao cao su để tránh lây lan bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục.


BS. Ngọc Lan
Ý kiến của bạn