Do vậy, việc điều trị chứng nghiện rượu là rất cần thiết. Việc điều trị thường kết hợp giữa điều trị tâm lý và dùng thuốc.
Rượu và gánh nặng bệnh tật
Một thanh tra về các chất gây nghiện của Chính phủ liên bang Đức đã báo cáo có 40.000 trường hợp chết tại Đức mà hậu quả là do uống quá nhiều rượu, trong số đó 17.000 người là do xơ gan. Hằng năm có vào khoảng 2.200 trẻ sinh ra có khuyết tật vì người mẹ lạm dụng rượu.
Ngoài các bệnh lý ở gan, rượu còn gây suy nhược hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc. Rượu có thể gây viêm dạ dày và có thể cản trở hấp thu các vitamin B và chất dinh dưỡng khác. Nặng hơn do uống rượu cũng có thể gây thiệt hại tuyến tụy, là tuyến sản xuất các hormon cho sự trao đổi chất và điều chỉnh các enzym giúp tiêu hóa chất béo, protein và carbohydrate. Uống quá nhiều có thể dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ suy tim hoặc đột quỵ, biến chứng tiểu đường, suy giảm chức năng tình dục, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến thị lực, loãng xương, tăng nguy cơ ung thư…
Dùng thuốc cai rượu phải thực hiện đúng theo đơn của bác sĩ.
Điều trị chứng nghiện rượu bằng thuốc
Hiện tại không có loại thuốc đặc trị cho bệnh nhân nghiện rượu. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị nghiện rượu có liệt kê một số loại thuốc được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận. Khi được sử dụng kết hợp với các can thiệp tâm lý và xã hội, có thể hỗ trợ đáng kể bệnh nhân nghiện rượu trong giảm cơn thèm và giảm đáng kể số tần suất say rượu. Một số loại thuốc đang được sử dụng để điều trị nghiện rượu bao gồm:
Disulfiram: Thuốc đã được chấp thuận để điều trị chứng nghiện rượu từ năm 1951 và là loại thuốc lâu đời nhất trên thị trường. Disulfiram có thể được sử dụng trong điều trị cai nghiện rượu đặc biệt là ở giai đoạn duy trì, ngừa tái nghiện. Nó can thiệp vào quá trình trao đổi chất để khi uống một lượng nhỏ rượu hoặc thức uống có cồn sẽ gây đỏ bừng mặt, đánh trống ngực, buồn nôn và nôn, giảm thị lực, nhầm lẫn và khó thở... Bằng những triệu chứng tiêu cực rõ rệt, thuốc đem lại cho bệnh nhân những động lực lớn để từ bỏ rượu.
Naltrexone: Thuốc giúp giảm bớt cảm giác hưng phấn đến từ việc uống rượu đồng thời làm giảm cảm giác thèm muốn rượu của bệnh nhân nghiện rượu. Cơ chế của quá trình này đến từ việc naltrexone ức chế gắn kết giữa endorphin (một protein tạo cảm giác hưng phấn của cơ thể) và các thụ thể thần kinh trong não bộ. Với cơ chế này, naltrexone cũng được sử dụng trong cai nghiện morphine và heroin. Naltrexone có thể được kê cho bệnh nhân trong quá trình cai nghiện rượu hay trong giai đoạn duy trì. Thuốc hiện có sẵn dưới dạng đường uống hoặc đường tiêm tác động kéo dài.
Acamprosate: Đây cũng là một loại thuốc đã được FDA chấp thuận để làm giảm ham muốn uống rượu. Cơ chế của acamprosate là tác động trên các hệ thống truyền dẫn hóa học trong não giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu mà người nghiện rượu gặp phải khi họ không uống rượu trong thời gian dài. Những triệu chứng này bao gồm mất ngủ, lo lắng, bồn chồn và những thay đổi khó chịu trong tâm trạng có thể dẫn đến tái phát. Acamprosate được bào chế dạng viên, sử dụng đường uống 3 lần mỗi ngày.
Các thuốc chống động kinh: Topiramate và gabapentin là những thuốc giúp làm giảm ham muốn hoặc hồi hộp trong quá trình hồi phục. Điều này đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng là rất có ý nghĩa đối với các bệnh nhân nghiện rượu. Cả hai loại thuốc này mới đang trong giai đoạn thử nghiệm và đợi được FDA chấp thuận để điều trị chứng nghiện rượu trước khi đưa ra thị trường.
Thuốc chống trầm cảm: Có thể được sử dụng để kiểm soát các tình trạng lo lắng, tiền lo lắng hoặc trầm cảm. Thuốc thường được sử dụng trên các bệnh nhân cai nghiện rượu ở giai đoạn kiểm soát tái nghiện sau khi đã hoàn thành liệu pháp điều trị. Thuốc chống trầm cảm phải được sử dụng cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Quá trình điều trị cai nghiện rượu hiệu quả luôn là một liệu pháp tổng thể kết hợp giữa dùng thuốc và các biện pháp khác bao gồm: giáo dục ý thức, hỗ trợ tâm lý, cải thiện chất lượng cuộc sống, sự tham gia của gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng là vấn đề rất được quan tâm ở bệnh nhân cai nghiện rượu. Người nghiện rượu thường có chế độ ăn mất cân bằng về dinh dưỡng, thường thiếu vitamin A, B, C, axít folic, carnitine, magnesium, selenium, kẽm… cũng như các axit béo thiết yếu và các chất chống ôxy hóa. Bổ sung các chất dinh dưỡng này bằng cách cung cấp thiamine (vitamin B-1) và multivitamin dưới dạng thuốc có thể giúp phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Đây cũng là một phần quan trọng của tất cả các chương trình điều trị cai nghiện.
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Mục tiêu điều trị nghiện rượu là bỏ hoàn toàn hoặc với một số trường hợp là giảm “có hiệu quả” tình trạng uống rượu. Nếu những người nghiện rượu có các yếu tố thuận lợi như sức khỏe tốt, hỗ trợ xã hội và động cơ cai nghiện mạnh mẽ, khả năng thành công là rất cao. Sau một năm điều trị, khoảng 1/3 các bệnh nhân không xuất hiện các triệu chứng thèm rượu hoặc tái phát nghiện rượu. Đối với những người không có sự hỗ trợ xã hội đầy đủ, thiếu động lực và rối loạn tâm thần là những yếu tố nguy cơ tái phát nghiện rượu.
Việc giảm đột ngột hoặc ngừng dùng rượu ở người nghiện rượu có thể dẫn đến các hội chứng cai nghiện, thường xuất hiện trong vòng 6-12 giờ. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng: run, kích động và mất ngủ. Triệu chứng cai nghiện rượu có thể gây nguy hiểm nếu không hiểu rõ, vì vậy nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, tốt nhất nên cần sự hỗ trợ y tế.
Quá trình hồi phục vẫn cần sự tư vấn của bác sĩ và tiếp tục dùng thuốc để giúp người cai nghiện các kỹ năng cần thiết duy trì sự tỉnh táo.
Giai đoạn duy trì muốn thành công và không tái nghiện đòi hỏi người nghiện rượu phải có ý thức kỷ luật cao. Chìa khóa để duy trì là sự hỗ trợ không chỉ từ phía nhân viên y tế mà quan trọng hơn là từ phía gia đình, bạn bè và cộng đồng.