Bệnh có thể tiến triển chậm trong nhiều năm hoặc tiến triển rất nhanh xâm lấn qua vùng rìa giác mạc và tiến vào vùng trung tâm giác mạc (đồng tử) làm giảm thị lực. Phần mộng thịt nhô lên có thể phá hủy màng phim nước mắt gây cảm giác kích thích, xốn cộm, chảy nước mắt sống và tổn thương biểu mô giác mạc.
Hiện có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây bệnh mộng thịt, trong đó có thuyết về vi chấn thương, về tia cực tím, về sự rối loạn tế bào mầm ở vùng rìa... song chưa có giả thuyết nào tỏ ra thuyết phục hoàn toàn. Những nghiên cứu sinh học phân tử gần đây cho rằng gene p53 có liên quan đến việc hình thành khối u cũng như hình thành mộng.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh mộng thịt được phân chia ra 3 giai đoạn:
Giai đoạn I: Mộng vượt quá rìa 1-2mm, đầu mộng gồ lên trên giác mạc, thân mộng không dày, chứa vài mạch máu chạy theo hướng vào giác mạc.
Giai đoạn II: Mộng đang ở hình thái hoạt động, đầu mộng xâm lấn vào giác mạc 2-4mm, có thể thấy đảo Fuchs, thân mộng dày nhiều mạch máu giãn.
Giai đoạn III: Là hình thái tiến triển của mộng, đầu mộng xâm lấn quá rìa 4mm vào giác mạc gây ảnh hưởng tới thị lực, thân mộng dày đỏ, mạch máu dày đỏ và giãn rộng.
Ở giai đoạn đầu, khi mộng thịt ở độ I thường ít gây ra các triệu chứng. Còn nếu ở mức độ nặng hơn (giai đoạn II, III) thì mộng thịt gây cộm đỏ khó chịu ở mắt, gây giảm thị lực và loạn thị. Các triệu chứng ở mắt như nóng rát ở trong mắt, sợ ánh sáng khi tiếp xúc với các tác nhân lạnh hay nóng, hoặc như có cảm giác có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt. Các triệu chứng này tăng lên khi mộng thịt ở giai đoạn viêm nhiễm, đi kèm với các kích thích đau bởi các loét nhỏ ở trên giác mạc xung quanh đầu mộng. Mộng thịt có thể gây mờ đục giác mạc chu biên, làm thay đổi phim nước mắt và co kéo cũng làm hạn chế vận nhãn.
Mộng thịt có thể gây mờ đục giác mạc chu biên, làm thay đổi phim nước mắt và co kéo cũng làm hạn chế vận nhãn.
Chẩn đoán xác định
Mộng thịt nguyên phát là mộng chưa mổ lần nào, xuất hiện ở vùng khe mi. Đó là một khối tăng sinh hình tam giác và luôn phát triển đi về hướng giác mạc. Mộng thịt dính chặt vào giác mạc theo suốt chiều dài của nó và dính chặt nhất là ở đầu mộng. Điều này cũng dễ chẩn đoán phân biệt với mộng giả.
Mộng thịt tái phát, sau phẫu thuật một hoặc nhiều lần. Đó là sự tăng sinh mô sợi dưới kết mạc và dính chặt vào các mô liên kết. Nó khác biệt với quá trình thoái hóa trong mộng nguyên phát. Tuy nhiên, cần chẩn đoán phân biệt: Ung thư tế bào vẩy ở vùng rìa; U lympho, u dạng bì vùng rìa, u nhú, u biểu mô Bowman; Mộng mỡ, mộng giả; Viêm kết giác mạc với các bọng nước nhỏ, viêm thượng củng mạc;...
Chữa trị như nào?
Điều trị nội khoa không có hiệu quả về thực thể đối với mộng thịt, chỉ làm giảm triệu chứng trong những đợt viêm kích thích mà phẫu thuật là cần thiết. Phẫu thuật mộng thịt có nhiều phương pháp khác nhau nhưng chưa có phương pháp nào thực sự hoàn hảo như cắt mộng đơn thuần hoặc di chuyển hướng đi của mộng, cắt mộng có ghép kết mạc hoặc giác mạc lớp, cắt mộng có kết hợp áp thuốc chống chuyển hóa (như Thiothepa, 5FU, Mytomycin C). Trong đó, phương pháp cắt mộng có ghép mảnh kết mạc tự thân tỏ ra có hiệu quả, làm giảm tỷ lệ tái phát và được ưa chuộng hơn cả.
Lời khuyên của thầy thuốc
Mộng thịt không thể phòng tránh, tuy nhiên thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị mộng thịt. Thường xuyên đeo kính râm khi ra ngoài trời. Nếu làm những công việc phải ở ngoài trời nhiều, hãy cho mắt nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu mắt khô, hãy dùng nước mắt nhân tạo để cấp thêm ẩm cho mắt. Tránh bụi, gió, khói và phấn hoa.