Chữa tàn nhang thế nào?

15-01-2009 17:27 | Dược

Tàn nhang là một trong những bệnh da hay gặp, lành tính, tuy nhiên phần nào ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhất là phụ nữ.

Em năm nay 16 tuổi, trên mặt có những nốt tàn nhang trông rất xấu. Không những thế, càng ngày những nốt này lại càng xuất hiện nhiều hơn. Xin bác sĩ chỉ giùm em cách chữa?

Trịnh Tố Loan(Bắc Giang)

Tàn nhang là một trong những bệnh da hay gặp, lành tính, tuy nhiên phần nào ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhất là phụ nữ. Bệnh có yếu tố di truyền. Các gen bệnh tác động đến tế bào sắc tố ở một số vùng da, nhất là vùng da hở, nơi phải thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm cho các tế bào sắc tố ở vùng này tăng cường sản sinh ra các hạt melanin, mặc dù hình ảnh mô bệnh học số lượng tế bào sắc tố hoàn toàn bình thường. Chính vì thế, trên da xuất hiện các vết sắc tố màu nâu hoặc cà phê sữa, các đám sắc tố này rải rác, kích thước thường nhỏ hơn 0,5cm đường kính.

 

Bệnh khởi phát rất sớm, thường xuất hiện trước 3 tuổi nhưng đến tuổi dậy thì bệnh có xu hướng phát triển nặng hơn. Bệnh có thể gặp ở cả hai giới nhưng nam hay gặp hơn nữ. Các đốm da tăng sắc tố có xu hướng đậm hơn về mùa xuân hè, nhạt màu hơn về mùa thu đông. Trong một số trường hợp, tàn nhang xuất hiện ở vùng nách, có thể gặp trong bệnh u xơ thần kinh, bệnh lão hóa sớm hay hội chứng Moyna....

Để có thể điều trị bệnh, trước hết phải chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán xác định dễ dàng và hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng trên da là các đốm, dát tăng sắc tố như mô tả ở trên cùng với tiền sử gia đình có người bị bệnh này.

Điều trị và phòng bệnh: cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bôi một số thuốc có tác dụng làm giảm sắc tố da như hydroquinon, acid azeleic... vitamin A acid và kem chống nắng cũng cho kết quả khả quan. Có thể sử dụng bôi đơn thuần hoặc phối hợp. Tuy vậy, nếu không bôi và tiếp tục ra nắng, các dát tăng sắc tố lại xuất hiện trở lại và ngày một tăng đậm hơn. Vì vậy, phòng bệnh tuy không ngăn được bệnh nhưng cũng có tác dụng làm bệnh giảm như khi ra ngoài nắng nên đội mũ rộng vành, đeo kính râm, che mặt, mặc áo dài tay, không hở cổ và trước khi ra ngoài trời 30 phút nên thoa một loại kem chống nắng. Ngoài ra, em có thể bôi các loại kem mỹ phẩm lên chỗ da bị bệnh để có cùng màu sắc với da thường, nên chọn công việc mà ít phải ra ngoài trời cũng được các bác sĩ khuyến cáo.

TS. Nguyễn Văn Thường


Ý kiến của bạn