Trên thị trường hiện nay có vô số các loại thuốc được quảng cáo rất hiệu nghiệm, nhanh chóng giúp tóc mọc cho người bị rụng tóc. Sản phẩm về mẫu mã bắt mắt, đa dạng như: tinh dầu, kem bôi, dầu gội... và cũng rất đa dạng về giá để đáp ứng cho các thượng đế, một số sản phẩm còn kèm theo những cam kết hiệu quả thần kỳ. Trong khi đó các chuyên gia y tế lại cảnh báo: thuốc trị rụng tóc không phải giải pháp đem lại hiệu quả tốt nhất, thậm chí sử dụng không đúng cách còn có thể gặp biến chứng.
Rụng tóc do đâu?
- Rụng tóc bình thường: Các chuyên gia về tóc tại bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, một người trưởng thành bình thường có thể có tới 100.000 sợi tóc và nếu rụng mất khoảng dưới 100 sợi mỗi ngày là bình thường, không nên quá lo lắng. Tóc mỏng dần theo tuổi cũng là hiện tượng tự nhiên của quá trình lão hoá (phụ thuộc vào số lượng tóc bạn có, tuổi tác và chu kỳ phát triển của tóc). Với phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh. Sau sẩy thai, sinh đẻ, sau chấn thương lớn, mất máu. Thường tóc thưa đều, hơi khô, xơ xác, khi cơ thể hồi phục nó sẽ mọc lại. Bạn sẽ rụng nhiều tóc nhất vào mùa thu, cụ thể là tháng 11 và 12 khi tóc đến giai đoạn phát triển theo chu kỳ.
- Rụng tóc do bệnh: Có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc kiểu hói như: Bẩm sinh, hoá chất, sử dụng thuốc, nấm da đầu... Ngoài ra còn do một số bệnh khác như bệnh Lupus đỏ...
Theo các bác sĩ chuyên khoa rụng tóc kiểu hói là loại rụng tóc thường gặp nhất ở đàn ông do tác dụng của hormon sinh dục nam, còn rụng tóc bẩm sinh thường gặp trong một số bệnh rối loạn về gien.
Rụng tóc do hóa chất xảy ra khi truyền hoá chất điều trị ung thư hoặc các loại thuốc kháng lại hormon tuyến giáp, thuốc chống đông máu.
Rụng tóc do dinh dưỡng xuất hiện ở những người bị bệnh kéo dài, trẻ em suy dinh dưỡng hoặc mắc một số bệnh chuyển hoá...
Hiện nay đã có thuốc chữa hói đầu. Tuy nhiên, phải theo từng nguyên nhân mới có thể dùng loại thuốc thích hợp. Rụng tóc thành mảng (rụng tóc pelade), do sang chấn, do nấm, do các yếu tố cơ lý hóa (uốn tóc bằng lược, sức nóng, nhuộm, uốn tóc bằng hóa chất, chải tóc quá nhiều bằng lược cứng, căng kéo xoắn bện quá chặt...) cũng làm sợi tóc bị biến dạng, gãy rụng... thì có thể mọc lại. Còn rụng tóc do một số bệnh về da như Lupus đỏ là không thể hồi phục.
Trường hợp nào cần dùng thuốc?
Những loại rụng tóc thông thường không phải thuộc bệnh thì sau một thời gian khi ăn uống đầy đủ cơ thể hồi phục nó sẽ mọc lại.
Rụng tóc do bệnh cần phải dùng thuốc có rất nhiều dạng rụng tóc như:
Rụng tóc Pelade: Trên đầu có các đám rụng tóc hình tròn kích thước vài cm, da nhẵn như sẹo, tóc rụng nhẵn hoặc chỉ còn lại chấm đen, có một số sợi ngắn đen, mập "hình dùi cui" và một số sợi tóc như lông tơ, có khi rụng nhẵn toàn bộ da đầu (Alopecia totalis).
Rụng tóc do nấm (chủng microsporum, trichophyton) khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em lứa tuổi học đường, lây từ người sang người do dùng chung lược, mũ hoặc lây từ súc vật (chó, mèo) sang người do ôm, bế. Biểu hiện là da đầu có đám mảng viêm đỏ, có vảy trắng, tóc bị phạt gãy. Để xác định được phải đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để xét nghiệm bằng soi nấm, cấy nấm, nhằm điều trị thích hợp. Vì vậy muốn xác định rụng tóc do nguyên nhân nào? cần sử dụng thuốc gì? cần phải đến chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị đúng.
Nếu trong quá trình sử dụng thấy xuất hiện ngứa, mẩn đỏ, nhức đầu, chóng mặt... thì nên dừng thuốc. Trường hợp do dùng thuốc mà da đầu bị viêm, nổi mụn, ngứa lở lâu lành thì phải đến cơ sở y tế để được điều trị sớm, không tuỳ tiện dùng thêm các loại thuốc khác.
Bác sĩ Hữu Sáu