Khoai tây được sử dụng làm thực phẩm hàng ngày, có rất nhiều cách chế biến từ khoai tây như: khoai tây hầm, rán, luộc, xào... Theo quan niệm của y học cổ truyền, củ khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng hòa vị (điều hòa chức năng dạ dày), kiện tỳ (tăng cường chức năng tiêu hóa), ích khí; có thể chữa chán ăn, tiêu hóa kém, bí đại tiện... Sau đây là một số ứng dụng cụ thể:
Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng: Khoai tây tươi (không bỏ vỏ) rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút mật ong vào uống, mỗi lần 1-2 thìa cà phê.
Hoặc: Khoai tây tươi để nguyên vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước cốt, đặt lên bếp đun sôi, sau đó giữ nhỏ lửa đến khi nước sánh lại, cho mật ong vào (một phần nước cốt 2 phần mật ong), đun cho đến khi đặc lại như cao, cho vào lọ dùng dần. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa cà phê. Mỗi liệu trình dài 20 ngày. Trong thời gian điều trị, cần kiêng ăn ớt, hành, giấm, rượu và các chất kích thích khác. Sau khi hết đau vẫn nên uống thêm một thời gian nữa.
Chữa rối loạn tiêu hoá kém ăn: Khoai tây 100g, gừng tươi 10g, quýt 1 quả (bỏ vỏ và hạt). Tất cả giã nát, trộn đều, vắt lấy nước, trước mỗi bữa ăn uống một thìa canh.
Điều hòa chức năng tiêu hóa: Khoai tây 1-2 củ, dùng than củi nướng chín, bóc vỏ, ăn lúc còn nóng.
Chữa ung nhọt: Khoai tây rửa sạch, thái nhỏ, giã nhuyễn, đắp lên chỗ da bị bệnh và lấy gạc băng lại. Ngày thay thuốc 2 lần.
Chữa bỏng thể nhẹ: Khoai tây rửa sạch, mài lấy nước, bôi vào chỗ bị bỏng.
Chữa táo bón: Khoai tây rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, ngày uống 3 lần trước các bữa ăn, mỗi lần 1 bát con.
Chú ý: Để chống những côn trùng và nấm, khoai tây tự tạo ra chất diệt trùng và chống nấm thiên nhiên là chất solanine và chất chaconine, rất độc, các chất độc này tích tụ nhiều ở da, mầm và hoa. Vì vậy, tuyệt đối không dùng khoai tây đã mọc mầm. Khi gọt khoai, cần khoét bỏ mắt và những chỗ đã chuyển sang màu xanh hoặc tím.
BS. Trần Thị Hải